Bé trai 9 tuổi đi bán vé số khắp Sài Gòn kiếm tiền chữa bệnh cho người mẹ tật nguyền
- Dược liệu
- 06:53 - 15/08/2020
Bố bỏ mẹ tật nguyền để đi theo vợ nhỏ
Những ngày giữa tháng 8/2020, chúng tôi tìm đến căn trọ nhỏ nằm trong hẻm 10/7 đường số 4 (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM), nơi 2 mẹ con chị Lê Kim Thương (45 tuổi) đang sinh sống.
Kể từ lúc chồng bỏ đi theo người phụ nữ khác, một mình chị Thương gắng gượng để lo cho con trai.
Ngồi một góc trong căn phòng trọ với xấp vé số trên tay, chị Thương cho biết mấy ngày qua vì chứng bệnh cũ tái phát, chị không đi bán vé số được, nhà hết gạo đành phải mượn tạm hàng xóm. "Hôm nay thấy khỏe khỏe chị mới đi bán lại, sáng giờ bán cũng được 70 tờ rồi" - chị Thương hồ hởi nói.
Đôi chân bị liệt từ nhỏ nên việc di chuyển của chị Thương gặp nhiều khó khăn.
Theo chị Thương, sau khi từ Tiền Giang lên Sài Gòn kiếm việc làm, chị tình cờ quen được một người đàn ông trạc tuổi, cả 2 đem lòng yêu mến sau. Không kết hôn, cưới hỏi, cả 2 quyết định dọn về sống chung. Lê Thành Đô (9 tuổi) là kết quả tình yêu ngọt ngào giữa chị và chồng.
Tưởng rằng tổ ấm nhỏ của chị sẽ sum vầy, hạnh phúc nhưng không, khi đứa con trai vừa chập chững lên 3 cũng là lúc chồng chị Thương bỏ nhà theo người phụ nữ khác. Hạnh phúc tan vỡ, chị Thương rơi vào bế tắc khi mỗi ngày chứng kiến đứa con nhỏ lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của người cha.
Chị xúc động khi nhắc đến người chồng phụ bạc, bỏ lại 2 mẹ con để đi tìm hạnh phúc mới.
"Ảnh đi làm công nhân rồi quen cô ấy, sau đó bỏ đi theo người ta luôn. Gần 6 năm rồi, ảnh có về nhà, liên lạc gì đâu. Chắc cũng vì chị tật nguyền, không lành lặn như người ta", chị Thương ngấn nước mắt.
Cơn sốt bại liệt vào năm 3 tuổi khiến đôi chân bị Thương bị teo một phần, không thể đi lại, chỉ ngồi được một chỗ. Bỏ qua mặc cảm của chính bản thân, chị Thương cố gắng làm lụng mưu sinh, phụ giúp gia đình.
Nhìn thấy mẹ vất vả mỗi ngày để có được 3 bữa cơm, Đô rất thương mẹ, con ước lớn thật nhanh để đi làm kiếm tiền nuôi mẹ.
"Lúc gặp được ảnh, chị mừng lắm, cứ nghĩ rằng đời mình đã không còn gì nữa. Ảnh xuất hiện giúp chị có thêm niềm động lực mới, vậy mà chẳng được bao lâu lại bỏ đi. Mình đâu có quyền gì để trách ảnh đâu, chỉ biết chấp nhận mà thôi", nói đoạn chị Thương nhìn về phía đứa con trai nhỏ, bật khóc.
"Chỉ tội cho nó, không có bố mà mẹ lại tật nguyền, chẳng được đủ đầy như con người ta".
Đôi chân tật nguyền của chị Thương khiến cuộc sống mưu sinh của 2 mẹ con thêm phần vất vả.
Nghe mẹ nói vậy, Thành Đô vội ôm choàng lấy chị thương, âu yếm lau nước mắt cho mẹ, thỏ thẻ: "Mẹ đừng khóc, con thương mẹ nhiều lắm".
"Con không nhớ bố đâu, con chỉ cần có mẹ thôi"
Lên 9 tuổi, Thành Đô đã phần nào hiểu được hoàn cảnh mà 2 mẹ con em đang phải đối mặt. Không được đến trường chính quy như bạn bè cùng trang lứa, Thành Đô được mẹ gửi học tại một mái ấm tình thương trong chùa, hiện con đã hoàn thành xong năm học lớp 2.
Không được học trường công như các bạn, Thành Đô vẫn rất cố gắng đi học lớp tình thương, hiện con đã học xong lớp 2, chuẩn bị lên lớp 3.
Mỗi ngày sau giờ đến trường, Thành Đô lại cùng mẹ lang thang khắp các nẻo đường tại quận Thủ Đức để bán vé số mưu sinh. Tuy vất vả nhưng lúc nào em cũng rạng rỡ nụ cười, hạnh phúc bên mẹ của mình.
"Con thương mẹ nhiều lắm, mỗi ngày con đi bán vé số phụ mẹ kiếm tiền mua thuốc. Mẹ con cứ đau hoài à, con sợ một ngày không còn mẹ, con không biết nữa, con sợ lắm", Thành Đô nói.
Những ngày nghỉ hè, Thành Đô đều theo mẹ lang thang khắp các con hẻm ở Thủ Đức để bán vé số.
Khi được hỏi về người bố của mình, đứa trẻ 9 tuổi cho biết mỗi khi nhìn thấy bạn bè quanh xóm có đầy đủ bố mẹ, em có chút chạnh lòng. Tuy nhiên với em hiện tại, mẹ là tất cả. "Con không nhớ bố đâu, bố có thương con đâu mà con nhớ. Chỉ cần có mẹ là con vui rồi. Con hứa sẽ ngoan, học giỏi nữa, không phải làm mẹ buồn đâu", Thành Đô tâm sự.
Để có tiền chạy lo cơm ngày 3 bữa, mỗi ngày chị Thương đều thức dậy sớm để lo cơm nước rồi đưa con trai đi học, sau đó lang thang khắp các nẻo đường để bán vé số. Hôm nào Thành Đô nghỉ, 2 mẹ con lại đèo nhau trên chiếc xe lăn, 2 mẹ con phụ nhau từng tờ vé số.
Nụ cười hiền dịu của cả 2 mẹ con dẫu vắng đi tình thương của người chồng, người bố.
"Thằng bé nó ngoan lắm, có hôm nó biết chị mệt, nó bảo để con bán cho. Thấy nó lanh lẹ, hiếu thảo, chị cũng mừng. Giờ chỉ còn có 2 mẹ con nương tựa vào nhau, có gì cũng thủ thỉ, tâm sự", chị Thương kể.
Với số tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày, ngoài tiền thuê trọ, sinh hoạt phí, mỗi tháng chị Thương phải tốn gần 2 triệu để lo chi phí thuốc men. Ngoài đôi chân bị bại liệt sau trận sốt lúc nhỏ, chị Thương còn mang trong mình bệnh đau thần kinh toại, thoái hóa cột sống, thấp khớp..., sức khỏe của chị hoàn toàn phụ thuộc vào những liều thuốc tây uống cầm cự mỗi ngày.
Mỗi ngày, 2 mẹ con chị Thương cố gắng bán từ 200-300 tờ vé số để có đủ tiền lo cho những ngày bệnh tật, mưa gió không đi bán được.
"Chị lớn tuổi rồi, đâu còn mơ ước gì hơn, chỉ sợ bệnh tình ngày một nặng, chị nằm xuống thì thằng Đô không ai chăm sóc. Nó đã không có bố rồi, giờ mất mẹ thì biết sống với ai", chị Thương nghẹn lòng.
Trong căn nhà trọ nhỏ, 2 mẹ con ngồi sát lại bên nhau. Với chị Thương, chuỗi ngày phía trước vẫn còn đó vô vàn khó khăn khi một mình chị phải vừa làm bố, vừa làm mẹ trong cơ thể bị khiếm khuyết.
Nhìn thấy đứa con trai nhỏ ngày một trưởng thành, chị Thương chỉ ước có được một khoản tiền nhỏ để chữa dứt điểm căn bệnh thoái hóa khớp, mua thuốc men để chăm lo cho Thành Đô.
Trước hoàn cảnh khó khăn của 2 mẹ con chị Thương, rất mong quý độc giả gần xa có thể quan tâm, giúp đỡ để chị đủ điều kiện lo cho con trai ăn học nên người. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ số điện thoại chị Thương: 0938728443.
Hiện chị Thương đang thuê trọ trong hẻm 10/7, đường số 4 (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM).
Xin chân thành cảm ơn!