THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:50

Thúc đẩy thực hiện lồng ghép giới của các nhà hoạch định chính sách

 

Họp báo Bế mạc Diễn đàn Đối thoại Chính sách Cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế trong năm APEC 2017


Dự và chỉ đạo Họp báo có Thứ trưởng Bộ LĐ – TB&XH Đào Hồng Lan, bà Airin Sim, đại diện Ban Thư ký APEC quốc tế cùng đại diện các nền kinh tế thành viên APEC cùng tham gia.

Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Đào Hồng Lan vui mừng thông báo, sau 4 ngày với 3 sự kiện chính và 7 sự kiện bên lề cùng hàng chục cuộc tiếp xúc song phương, Diễn đàn Đối thoại Chính sách Cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế trong năm APEC 2017 đã thành công tốt đẹp.

Trong 4 ngày vừa qua, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 đã làm việc rất khẩn trương, tích cực và hiệu quả với 3 sự kiện chính thức gồm: Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE) lần thứ 2 từ ngày 26 – 27/8; Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPDWE) ngày 28/9; Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế (Hội nghị Bộ trưởng) ngày 29/9. Bên lề Diễn đàn là 7 sự kiện do các nền kinh tế thành viên và các cơ quan, tổ chức của Việt Nam đồng tổ chức.

Tổng số đại biểu tham dự Diễn đàn khoảng 700 đại biểu đến từ 19/21 nền kinh tế APEC, bao gồm các Bộ trưởng /Trưởng đoàn, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài khu vực, các chuyên gia, học giả và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Diễn đàn vinh dự được đón Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tới dự và phát biểu định hướng tại Đối thoai Công tư về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC.

Ngoài ra, Diễn đàn cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo phóng viên, báo chí trong nước và quốc tế. Sự tham gia đông đảo này cho thấy sức hút, tính hấp dẫn của Diễn đàn và kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam với tư cách chủ nhà của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017.

Diễn đàn đã đạt được rất nhiều thành quả tốt đẹp, trong đó có 3 nội dung nổi bật nhất gồm:

Tuyên bố của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 được thông qua với những khuyến nghị chính sách quan trọng cho 21 nền kinh tế APEC về 3 nội dung ưu tiên lớn của năm 2017: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Tuyên bố nhận được sự đồng thuận và thống nhất cao của tất cả các Bộ trưởng/Trưởng đoàn. Bản Tuyên bố này sẽ được trình lên các Nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Văn kiện “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC” (Gender Inclusion Guidelines) – sáng kiến của Việt Nam – được thông qua và nhất trí đưa vào triển khai thực hiện. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn khẳng định đây là công cụ quan trọng để thực hiện các chương trình và chính sách bình đẳng giới tại APEC. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cũng cam kết sẽ phối hợp với các Diễn đàn khác trong APEC để thúc đẩy việc thực hiện lồng ghép giới của các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện ở tất cả các cấp.

Diễn đàn cũng thông qua các Tiêu chí và Hướng dẫn tiếp cận Quỹ về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC. Quỹ Phụ nữ và Kinh tế sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2018, hứa hẹn sẽ mang đến cơ hội và nguồn lực nhiều hơn cho các nền kinh tế thực hiện các dự án, sáng kiến thúc đẩy quyền năng của phụ nữ.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề xung quanh Diễn đàn, đồng thời gửi lời cám ơn đến tất cả các bên liên quan đã cùng Bộ LĐ – TB&XH tổ chức thành công Diễn đàn tại TP. Huế.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh