Bé bị văng khỏi bụng mẹ đang phát triển bình thường
- Y học 360
- 00:28 - 20/09/2015
Ngày 25/10 tới, Quốc Huy, cậu bé bị văng ra khỏi bụng mẹ khiến dư luận rúng động gần 1 năm trước sẽ tròn 1 tuổi.
Chào đời với bao mất mát, không được hưởng bầu sữa nóng và hơi ấm vòng tay mẹ nhưng bé Quốc Huy vẫn "lớn nhanh như thổi", nhanh nhẹn, hiếu động và rất xinh trai. Cái chân bị mất dường như không ảnh hưởng gì tới việc di chuyển của bé. Mới đây, Quốc Huy được hai dì Kim Quanh và Bích Thủy đưa lên bệnh viện Nhi Đồng 1 tái khám theo yêu cầu của bác sĩ. Tại bệnh viện, bé được các bác sĩ hướng dẫn các bài tập vật lí trị liệu để chuẩn bị lắp chân giả. Quốc Huy cũng được gắn bao da bảo vệ mõm cụt. Nhờ thế, cậu bé tinh nghịch có thể thoải mái chơi đùa mà không còn bị đau đớn.
Bé đang phát triển như bao trẻ em khác
Cử nhân vật lý trị liệu Lê Tường Giao, Trưởng khoa Vật lý trị liệu cho biết: “Quốc Huy rất hiếu động và lanh lẹ. Lần này có bao da bảo vệ mõm cụt thì bé có thể chơi đùa thoải mái mà không bị trầy xước nơi vết thương cũ. Cả nhà hãy chăm sóc bé tốt hơn nữa để Quốc Huy ngày càng cứng cáp hơn. Hãy tập các bài vật lí trị liệu để sớm ngày lắp chân giả cho con. Nhìn con đáng yêu thế, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Khi nào Quốc Huy tròn 18 tháng tuổi mới lắp chân giả được. Bé Huy đã có thể ngồi trong một lát, đúng với mốc phát triển theo tháng tuổi của bé".
Tuy nhiên để giúp bé duy trì tư thế ngồi lâu hơn, bệnh viện sẽ hướng dẫn người nhà đặt một tay lên phần mỏm cụt trong lúc bé ngồi và ấn xuống giường giúp bé cố định, duy trì tư thế ngồi do chân phải của bé đã mất chiều dài tự nhiên.
Sau đó hướng dẫn bé những bài tập khác để bé có thể quỳ hoặc đứng lên. Nhằm giúp việc lắp chân giả được thực hiện tốt, trong thời gian này bé Huy cần tập cho mỏm cụt mạnh lên ở những cơ duỗi mông và giữ cho mỏm cụt không bị biến dạng gập.
Nếu vì lý do nào đó mỏm cụt bị gập ra phía trước, khi lắp chân giả bé sẽ không đứng và đi được. Không phải đến giờ bé Huy mới được tập vật lý trị liệu mà ngay từ lúc bé xuất viện, bệnh viện đã hướng dẫn người nhà tập những bài tập ngăn ngừa biến dạng của chân gập ra phía trước cho bé.
Bé lớn nhanh và hiếu động |
Khi bé Huy hơn 1 tuổi, bé sẽ là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 được lắp chân giả. Chân giả bé Huy được lắp có một bộ phận trợ giúp duỗi gối để khi cử động, bước chân tới trước, bộ phận này giúp đầu gối duỗi thẳng ra, giúp bé chống lên chân giả để bước đi.
Theo cử nhân vật lý trị liệu Tường Giao, chân giả cho trẻ nhỏ sẽ phải thay thường xuyên theo sự phát triển cơ thể, khoảng 6 tháng/lần.
Xương của trẻ sẽ phát triển cho đến năm 18 tuổi nên bé Huy sẽ tiếp tục được theo dõi chặt chẽ. Bác sĩ hi vọng khi được lắp chân giả, bé Huy sẽ trở lại cuộc sống gần như bình thường, giảm thiểu những tổn thương cho bé.
Hiện tại, Quốc Huy đã bò được và tự mình đứng dậy nhờ cách vịn vào tường. Bé cũng đã bắt đầu ăn được cơm. Nụ cười rạng rỡ của cậu bé là liều thuốc tinh thần cho người cha đang phải gồng gánh cả hai trách nhiệm: vừa làm cha vừa làm mẹ!