CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:01

Bất ngờ về loại "rau dền" khiến cả gia đình ăn phải liên tục cười nói, chửi bới

 

Ngày 26/5, Báo Gia đình & Xã hội có đưa tin về 3 người trong một gia đình ở Nghệ An bị ngộ độc sau khi ăn loại rau lạ, với nhiều biểu hiện khác thường: Sưng đỏ khắp người, mắt mờ, lưỡi cứng, thần kinh bị kích động, lúc cười, lúc chửi bới, gồng mình vật vã…(nhiệt độ cơ thể, huyết áp đều bình thường).
Các bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam Nghệ An.
Được biết, giống rau dền này gửi về từ Đắk Lắk, chính gia đình và người dân địa phương tại đây cũng chưa từng biết đến loại rau này.
Loại rau lạ khiến 3 bệnh nhân ngộ độc. Ảnh: T.vi
Thông tin các bệnh nhân bị ngộ độc đã gây nhiều chú ý, thắc mắc về sự thật của loại rau lạ.
Chúng tôi có liên hệ với một số người dân tại Đắk Lắk, tuy nhiên khi xem hình ảnh thì cũng không ai biết về loài cây này. Để giúp độc giả có thông tin cụ thể hơn, PV Báo Gia đình & Xã hội đã liên hệ với chuyên gia Đông y và trao đổi về loài cây được cho là rau dền.
Ngày 27/5, với hình ảnh của mẫu rau đã gây ngộ độc cho 3 bệnh nhân, lương y – BS Nguyễn Thị Phương (Đông y gia truyền Đan Phương, Hà Nội) khẳng định với PV: “100% đây là cây thương lục chứ không phải là rau dền. Đây là một loại cây rất độc (thuộc dạng độc dược bảng A), chỉ đứng sau mã tiền”.
Lương y - BS Nguyễn Thị Phương. Ảnh: Nông Thuyết
Cận cảnh loài rau lạ mà chuyên gia Đông y khẳng định đây chắc chắn là thương lục. Ảnh: Soha
Cụ thể, theo BS Phương: “Nếu như mã tiền vẫn được dùng để làm thuốc thì cây này lại không thể, thường chỉ kết hợp với hùng hoàng để trị rắn. Cây thương lục chứa chất độc Ancaloit rất nguy hiểm, gây nhiễm độc thần kinh. Trong trường hợp này các bệnh nhân chỉ nhiễm lượng độc nhỏ, nhưng nếu ăn nhiều thì có thể dẫn đến co giật, tử vong”.
Theo mô tả của bà Phương, cây thương lục có nhớt, lá màu xanh, thân màu tím, phần gân dưới hơi có lông. "Có thể người dân đã nhầm với cây dền tía" – lương y này phỏng đoán.
3 bệnh nhân ngộ độc là hai vợ chồng anh Lê Quang Quý (42 tuổi) và ông Lê Quang Vị (bố chồng, 75 tuổi). Hiện, tình trạng của anh Quý và vợ đã ổn nhưng ông Vị vẫn hơi tê liệt.
Trao đổi với BS Phương về cách giải độc thương lục trong đông y, bà Phương nói thêm: “Có thể dùng hoàng liên kết hợp với cam thảo. Hoặc ngay sau khi nhiễm độc thì húp luôn lòng trắng trứng gà thì cũng giải được độc”.

Thương lục, còn gọi bạch mẫu kê, sơn la bạc, dã la bạc..., có tên khoa học Phytolacca acinosa Roxb.

Theo một số tài lieu, đây là loại cây có độc ở tất cả các bộ phận. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy trong rễ củ, quả, lá… thương lục có một chất độc, đắng, gọi là phytolaccatoxin. Trong dân gian còn gọi sâm voi vì cây mau lớn, sau 6 - 7 tháng cho củ to bằng cổ tay hình rất giống củ sâm, vì vậy đã từng một thời gian có sự nhầm lẫn chết người giữa sâm và thương lục.

Khi ăn phải lượng nhiều sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi; đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Trong rễ cây này còn có steroid saponin (chất này được cho là có tác dụng diệt tinh trùng), nhiều muối kali nitrat, axít oxymyristinic,... quả thương lục chứa axít phytolaccic, tanin, sáp, chất béo, pectin, chất nhầy, glucose, các protid, anthocyanosid...

Ngoài ra, trong lá thương lục có glucoside (cũng là độc chất), flavonoid, vitamin C... Thương lục có tác dụng long đàm nhưng không giảm ho suyễn; ức chế với mức độ khác nhau đối với một số trực khuẩn và một số nấm gây bệnh ngoài da...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh