Bất ngờ triển khai lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ lên biên giới: Ấn Độ cảnh cáo TQ điều gì?
- Công nghệ
- 18:55 - 04/09/2020
Sáng 31/8, Chính phủ Ấn Độ phát đi thông báo cho biết quân đội của họ đã ngăn chặn kịp thời một cuộc xâm nhập từ phía Trung Quốc sang bờ Nam của hồ Pangong.
Đây là dấu hiệu cho thấy một địa điểm tranh chấp biên giới mới giữa hai nước lại tiếp tục nảy sinh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng quân sự ở Đông Ladakh vẫn chưa tìm được giải pháp hòa bình.
Ngay sau đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra một loạt thông báo cáo buộc Ấn Độ cố tình làm thay đổi hiện trạng tại hai điểm ở Ladakh bằng một cuộc tiến công quân sự.
Trong vài ngày qua, xuất hiện hai sự kiện nổi bật có khả năng sẽ tác động to lớn tới tình hình xung đột biên giới và tương lai quan hệ Trung - Ấn thời gian tới.
Sự kiện thứ nhất là, sau nhiều tháng chuẩn bị, Quân đội Ấn Độ đã bố trí thế trận đặc biệt vững chắc ở Đông Ladakh. Thứ hai, New Delhi sẵn sàng triển khai “những công cụ sắc nhọn nhất” để giải quyết xung đột theo các điều khoản của họ, hoặc ít nhất cũng buộc Trung Quốc phải đàm phán theo tinh thần có lợi cho Ấn Độ.
Nhiều tin tức truyền thông cũng cho thấy, cuối tuần qua Quân đội Ấn Độ đã triển khai lực lượng vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) để chiếm giữ một số cao điểm ở bờ Nam hồ Pangong.
Khống chế được các điểm cao này không chỉ mang lại cho Quân đội Ấn Độ khả năng giám sát phần lãnh thổ do Trung Quốc chiếm đóng ở gần đó mà còn giúp New Delhi có được con bài thương lượng trong các hoạt động đàm phán giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh.
Rõ ràng, các hành động của Ấn Độ trong tuần qua đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng hiện nay với Trung Quốc.
Binh sĩ Quân đội Ấn Độ. Ảnh: Anadolu
Tin tức gây chấn động nhất là Ấn Động đã sử dụng tới đơn vị đặc biệt bí mật có tên gọi Lực lượng Đặc nhiệm Biên phòng (SFF) để tham gia vào các chiến dịch của họ.
SFF, hay còn được biết đến với tên gọi khác là Tiểu đoàn Vikas, là một trong những đơn vị bán vũ trang bí ẩn nhất của Ấn Độ, đặt dưới sự quản lý của Ban thư ký Nội các phụ trách báo cáo cho Thủ tướng.
SFF được thành lập sau cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962, có chức năng giống như Phân đội Hoạt động Đặc biệt của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Chính CIA đã phối hợp cùng với tình báo Ấn Độ tham gia vào quá trình đào tạo các đơn vị SFF. Tuy nhiên, khi mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ xấu đi trong những năm 1970, Washington đã rút khỏi chương trình này.
Thành viên chủ yếu của SFF hiện nay là người Tây Tạng và người Gorkha nên việc Ấn Độ triển khai lực lượng đặc nhiệm này lên biên giới được xem là một thông điệp cứng rắn với Trung Quốc.
Nhà báo Ấn Độ Praveen Swami dự báo sẽ có hai kịch bản xảy ra trong xung đột biên giới giữa hai nước thời gian tới đây.
Thứ nhất, việc Ấn Độ chiếm giữ những điểm cao ở phía Nam hồ Pangong là nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền với hai địa điểm Finger 4 và 8 bên bờ phía Bắc.
Thứ hai, cả hai sẽ giành giật nhau chiếm giữ các điểm cao tại đây. Nếu như vậy, có thể sẽ có hàng trăm điểm sẽ bị chiếm lĩnh. Những hành động kiểu này đã từ diễn ra phổ biến trong cuộc xung đột India - Pakistan những năm 1990.
Đầu năm 1999, Pakistan từng phát động một chiến dịch quy mô lớn chiếm giữ các điểm cao của Ấn Độ ở khu vực Kargil - Dras, một trong hai sự kiện khiến hai quốc gia hạt nhân rơi vào chiến tranh.