'Bắt mạch' giá xăng dầu năm 2019
- Huyệt vị
- 18:38 - 05/01/2019
Trong năm 2018, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 24 lần, mức bán lẻ tối đa cuối năm 2018 so với cuối năm 2017 của các mặt hàng như sau: Xăng E5 RON92 giảm 1.456 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 832 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1.386 đồng/lít, dầu mazut 3.5S tăng 1.626 đồng/kg. Riêng xăng E5 RON92 được điều chỉnh 7 lần tăng giá và 7 lần giảm giá trong năm 2018, kéo giá xăng từ mức 18.243 đồng/lít (cuối năm 2017) xuống mức 16.787 đồng/lít vào ngày 21/12/2018 (lần điều chỉnh cuối cùng trong năm 2018).
Với xăng RON 95, mặt hàng này được đề xuất “khai tử” từ đầu năm 2018 nhưng đến ngày 23/4/2018 đã được liên Bộ đưa vào diện công bố và điều hành giá. Từ đó cho đến cuối năm, xăng RON95 có 16 đợt điều hành (5 đợt tăng, 6 đợt giảm, 5 đợt giữ ổn định), so với cuối năm 2017, xăng RON 95- III giảm từ mức 20.090 đồng/lít xuống 18.141 đồng/lít (mức giảm 1.949 đồng/lít) vào cuối năm 2018.
Ths. Nguyễn Thị Tuyết Anh, Viện Kinh tế tài chính, Học viện tài chính, theo mô hình phân tích kỹ thuật và dự báo của Trading Economy, giá xăng dầu giao dịch trên các thị trường năm 2019 sẽ phục hồi ở mức khoảng 10 - 20% so với cuối năm 2018. Dự báo giá xăng dầu trong nước năm 2019 sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Trước hết, giá xăng dầu sẽ chịu thêm một tác động mới, đó là tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lên kịch trần theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/9/2018. Theo đó, thuế BVMT đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít), dầu lên 2.000 đồng/lít (mức cũ là 700 đồng/lít) có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
“Việc tăng mức thuế BVMT sẽ trực tiếp đẩy giá xăng dầu lên. Tuy vậy, năm 2019 được đánh giá là năm sẽ có nhiều nhân tố hỗ trợ để bình ổn giá xăng dầu, trong đó, việc nâng cao tính cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu, điều chỉnh giá linh hoạt, mức độ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ sản xuất xăng dầu nội địa… có tác động ổn định giá rất lớn. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang ở mức thấp và những dự báo về khả năng phục hồi giá cả chậm sẽ là nhân tố kìm giữ giá xăng dầu nội địa trong mức độ kiểm soát được…” - bà Tuyết Anh nhận định. Theo chuyên gia này, giá xăng dầu năm 2019 sẽ biến động trong biên độ khoảng 10% so với mức giá bình quân năm 2018…
“Với việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm trước đã chỉ còn ở mức 2,98%, giảm mạnh so với mức 3,89% trong tháng 10/2018. Đây là điều rất thuận lợi cho việc đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 bởi mức khởi điểm lạm phát trong tháng đầu năm 2019 nhiều khả năng cũng sẽ ở mức dưới 3% sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định giảm giá xăng dầu khoảng 500 đồng/lít. Mức lạm phát thấp so với cùng kỳ của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát cùng kỳ của tất cả các tháng trong năm cũng như lạm phát trung bình của cả năm 2019”. (TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Việt Nam) “Điểm lại 9 tháng đầu năm 2018 diễn biến của chỉ số giá cho thấy CPI vẫn phụ thuộc nhiều vào giá của xăng dầu và giá của lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, đến tháng 10 trở đi, giá của các mặt hàng trên đều xoay chiều giảm mạnh, tạo điều kiện cho CPI đạt được mục tiêu đề ra. Nếu như trước đây, chúng ta phụ thuộc 70% vào xăng dầu nhập khẩu, nhưng cuối năm 2018, khi đã có thêm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa thì tỷ trọng đảm bảo nguồn cung trong nước đã lên tới 70%. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta chủ động giảm bớt những áp lực về chi phí đẩy giá của một mặt hàng chiến lược cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng…”. (Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội) |