THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:23

Bất chấp lệnh cấm, Kim Biên - chợ hóa chất lớn nhất Sài thành vẫn hoạt động

 

Hóa chất được ghi tên cho từng chủng loại và giá cả rạch ròi.

Chợ Kim Biên, ở phường 13 (quận 5, TP Hồ Chí Minh) thành lập năm 1960, được biết đến là chợ bán đô la và hàng hóa quân trang. Từ năm 1975 đến nay, Kim Biên trở thành chợ chính ở khu vực Chợ Lớn, với các mặt hàng chủ yếu là hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm.Theo quy hoạch, tháng 2/2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo về di dời chợ Kim Biên ra xa nội thành. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, mặc dù các cơ quan chức năng của UBND thành phố đã tiến hành thanh tra gần 300 đợt, phát hiện hơn 50 cơ sở vi phạm, khoảng 100 cơ sở bị nhắc nhở, nhưng xem ra chỉ thị của thành phố vẫn chưa có tác dụng. Các cơ sở kinh doanh ở chợ vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp lệnh cấm.

“Đội quân” bảo kê

Càng đi sâu vào chợ, càng dễ dàng nhận thấy những dãy hàng với đầy các loại hóa chất, phẩm màu độc hại bày bán công khai. Cảnh người chiết xuất, pha trộn, cảnh kẻ bán người mua luôn nhộn nhịp như vẫn thấy ở bao ngôi chợ dân sinh khác. Thêm vào đó là sự “can thiệp” của những con người “lạ”.

Thấy tôi nhìn ngắm hàng hóa mà không mua, một thanh niên mặc quần cộc từ trong tiệm bán hóa chất U.L bước ra  giở giọng hăm he hỏi: “Anh tìm gì?” Tiếp đó, có 2 thanh niên khác cũng trong bộ dạng dơ dáy quần lửng, áo ba lỗ xông ra. “Có gì không? Tìm gì?...” - một thanh niên hất hàm hỏi tôi. Không những thế, còn vài tốp với 3, 4 thanh niên khác, ánh mắt đảo quanh, dữ tợn. Hễ khi có người lạ xuất hiện là bủa vây, có ý gây sự. Vì đã liệu trước tình hình nên tôi đã phản ứng rất tự nhiên: “Ở đây có loại nào pha cà phê thơm ngon không anh?”. Nghe nói vậy, 3 thanh niên nói ngang ngang: “Không, không có. Anh sang tiệm khác.” Tôi cảm ơn và lánh sang những sạp kế bên dò hỏi. Dường như chủ quán nào cũng né tránh, hay dè chừng khi ai đó hỏi về loại hóa chất trên. Trong khi đó, cặp mắt của 3 thanh niên vẫn luôn dõi theo. Có vẻ nhất cử nhất động của tôi luôn nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Một số sạp hóa chất có những thanh niên luôn đứng canh, hễ có người lạ là dõi mắt “quan tâm”. 

Những chai lọ chứa hóa chất đầy đủ hương liệu thơm như cà phê, ca cao, lá dứa, tẩy trắng,... được trưng bày lộ thiên, niêm yết rõ ràng giá cả và chủng loại. Hóa chất hương liệu ca cao giá 200.000 đồng/kg, hóa chất hương liệu cà phê moka 250.000 đồng/kg, hóa chất hương lá dứa 200.000 đồng/kg,… Để tránh sự hoài nghi, tôi ghé vội vào tiệm bán ốp lưng điện thoại lựa hàng, rồi ghé vào quán giải khát ven đường uống nước. Sau 30 phút, tôi lại bắt đầu vào vai “xâm nhập”. Hỏi 4 tiệm bán hóa chất, người chủ nào cũng lắc đầu, mặc dù trên kệ sạp vẫn niêm yết đủ loại hóa chất pha cà phê thơm ngon, như hương cà phê moka, cà phê Trung Nguyên, cà phê chồn…

Đi qua sạp nào tôi cũng gặp những ánh mắt cảnh giác. Và rồi, tôi cũng quyết định lấy sự can đảm để cố nhập vai an toàn tấp vào sạp hóa chất cuối chợ. Mới thấy tôi, chị chủ quán mặc áo vàng liền hỏi: “Anh mua gì?... Mua gì cứ nói?”. “Dạ, chị ơi, em chuẩn bị mở quán cà phê. Có đứa bạn giới thiệu đến đây mua loại gì trộn vào cà phê thơm ngon”. Sau một lúc, chị chủ quán mới tiếp lời: “Ở đây đầy đủ cả, hương cà phê gì cũng có, giá cả có ghi, anh xem…”

Tôi luôn tò mò về từng loại và cách chế biến. Người chủ quán “tư vấn” rất chu đáo. Trong lúc đó, tôi định rút điện thoại ra tranh thủ ghi lại vài bức ảnh thì bị chủ quán phát hiện. Lúc này thái độ chủ quán thay đổi 180 độ. Thay vì vui vẻ, niềm nở, chị lại càu nhàu, nóng nẩy và định gọi bảo kê đến xử. “Muốn chụp ảnh à. Muốn không? Muốn không? Tao cho chụp…”. Tôi chỉ biết tự sướng vài bức cho qua mắt. Khi được giải thích, chị chủ quán mới để yên. “Sợ lắm, về viết lung tung, không buôn bán được. Muốn chụp phải hỏi…biết không” - chị chủ quán nói. 

Cảnh mua bán sầm uất vẫn thường thấy ở ngôi chợ này.

Chỉ tiếp khách quen

Dù đã cuối chiều, nhưng cổng và các lối vào chợ Kim Biên từ hướng đường Vạn Tượng luôn chật kín người. Người đến mua chỉ cần dựng xe và nói dăm ba câu là chủ quán biết. Cảnh mua bán nơi đây diễn ra khá nhanh gọn, người mua chỉ cần nói ngắn gọn tên hóa chất, mua số lượng bao nhiêu là nhân viên nhanh tay sang chiết vào can nhỏ trong tích tắc. Nếu khách đi xe gắn máy, thì chỉ cần ngồi trên xe là có nhân viên ra tận nơi chào hỏi và giao hàng, theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Tuy nhiên, dường như không phải ai cũng được mua như kiểu đó. Có một số khách lạ, trong đó có tôi, đến hỏi thì chủ quán thường lắc đầu.Đứng cạnh đó, có một nam thanh niên khoảng 30 tuổi (khách quen của quán) bước vào được chủ tiếp đón niềm nở. Chủ sạp hỏi: “Lâu quá em nhỉ? Sao đợt này mua thêm bao nhiêu nữa. Hương liệu mấy hôm chị bán cho em có ưng ý không. Hôm nay muốn thử mẫu mới không, hay vẫn lấy hương liệu hương cà phê chồn như mọi lần”. Nam thanh niên có vẻ lưỡng lự: “Thì chị cứ tư vấn về mùi và giá ra sao. Được em mua thôi.”. “Do em bán cà phê dọc đường nên dùng loại hương cà phê Trung Nguyên đi, giá cũng mềm, chỉ cần vài giọt là ly cà phê thơm lừng hết chỗ chê, đảm bảo khách sẽ quay lại cho mà coi” - chủ quán đon đả.

Chợ Kim Biên bán đầy đủ các loại hóa chất.

Nói xong, chủ quán vào trong nhà xách ra một chai nước màu đen đặc cho khách rồi bảo: “Một lít hơn 400.000 nhưng em quen biết chị lấy đúng giá 400.000 đồng thôi… Lấy nhé, chần chừ gì nữa!... À, loại này 1 lít em có thể pha được 20-30 lít (có thể hơn, tùy) cà phê, muốn có hương vị gì thì chỉ cần pha thêm ít hương liệu vào là ra cà phê ngon tuyệt vời”.

Tương tự, 1 kg bột đậu nành có giá 60.000 đồng pha khoảng 50 lít sữa đậu nành không khác như đậu nành nấu. Tương tự, hương vị phở bò, miến,… cũng được tư vấn rất kĩ nếu là khách quen biết…

Chỉ có 2 giờ vòng quanh chợ Kim Biên, dù trời đã ngả bóng chiều nhưng nắng Sài Gòn vẫn gay gắt chiếu thẳng vào những tiệm kinh doanh hóa chất bốc mùi nồng nặc. Ngay khi còn ở trong chợ Kim Biên, tôi bị mùi hòa chất xông vào tận mũi đến khó thở. Vậy mà, những người kinh doanh hóa chất lại không bao giờ đeo khẩu trang hay vật dụng bảo hộ lao động gì.

Trước khi ra về, tôi ghé một quán nước trước cổng chợ Kim Biên (đường Vạn Tường) nghỉ chân. Thấy tôi có vẻ mệt mỏi và phàn nàn chuyện suýt bị thanh niên truy sát, vì hỏi mua hóa chất trộn cà phê thơm ngon, vợ chồng anh chị chủ quán nói: “Đúng rồi, em là người lạ, mà người lạ không ai bán cho em đâu…” Tôi khá tò mò về lời gợi mở của vợ chồng chủ quán nước. Tôi thuật lại chuyện đi tìm mua hóa chất pha cà phê. Vợ chồng chủ quán nói: “Ở đây muốn mua hóa chất “độc, ngon” phải có người dẫn mối. Người dẫn mối là khách quen thì chủ quán mới bán”.

Một góc chợ Kim Biên trưng bày hóa chất công khai.

Hỏi lý do, chị cho biết: “Do là từ đầu năm đến giờ, chợ này bị báo chí và chính quyền quan tâm, nên không dám bán công khai. Những loại hóa chất mà thấy là hầu như bình thường, chưa phải là hóa chất cực độc, tính năng cao đâu.” Chị chủ quán cũng bật mí thêm: “Chỉ cần 1 muỗng nhỏ hóa chất cho vào trộn phù hợp với một thau thực phẩm sẽ cho hương vị như thật, chẳng khác gì các thương hiệu cà phê, nước uống ngoài thị trường. Ngay bản thân Vợ chồng chị, vì mưu sinh mới bán ở đây không đã…đi rồi”. Theo tìm hiểu, hầu hết hóa chất ở chợ Kim Biên đều không nhãn mác, không xuất xứ, phần lớn là hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Như vậy, mỗi ngày sẽ có biết bao hóa chất độc hại được tuồn ra thị trường, với bao hiểm nguy rình rập đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng?.

 

UBND thành phố vừa có công văn gửi cho Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Quản lý thị trường và UBND quận 5 về việc tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn thành phố, trọng tâm là địa bàn khu vực chợ Kim Biên và những điểm buôn bán nhỏ lẻ ở quận 5.  Tiếp sau đó, UBND quận 5 cũng có văn bản đề xuất UBND thành phố về việc di dời chợ Kim Biên.

Ngày 20/5, trong buổi làm việc với quận 5, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng yêu cầu nhanh chóng di dời chợ Kim Biên.

BÌNH NGHI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh