Bảo vệ “vùng xanh” - chìa khóa chống dịch thành công
- Y học 360
- 20:22 - 05/08/2021
“Vùng xanh” là từ khóa mới để chỉ vùng an toàn dịch bệnh, được nhắc đến nhiều trong đợt chống dịch lần thứ 4, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, tranh thủ “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để đẩy lùi dịch bệnh.
Lãnh đạo TP Hà Nội đã nhận định, việc nhanh chóng triển khai, tổ chức phổ biến và thiết lập các “vùng xanh” ở địa bàn dân cư là cần thiết; càng nhiều “vùng xanh” đồng nghĩa với phạm vi an toàn càng cao. Khi đó, Tổ Covid-19 cộng đồng sẽ làm nòng cốt, trên cơ sở đó tập hợp, huy động người dân tham gia lập chốt, bố trí trực bảo vệ 24/24h; tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch…
Trên bản đồ COVID, màu xanh dường như đã trở thành một sắc màu mang tới sự lạc quan, niềm tin và hy vọng. Nếu như chỉ ít ngày trước, những “luồng xanh” giao thông được nhắc đến như một sợi dây an toàn nối kết giao thương hàng hoá thì trong những ngày gần đây, màu xanh mới đã xuất hiện nhiều hơn ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Đó là màu xanh từ những “vùng xanh” hay còn được gọi là “vành đai xanh” - vành đai an toàn không COVID-19.
Hoàng Mai là quận đầu tiên của TP. Hà Nội thiết lập "vùng xanh" và đến nay có hơn 50 "vùng xanh". “Vùng xanh” là các khu vực dân cư không có dịch do các tổ dân phố, khu dân cư tự rào chắn bảo vệ người dân của mình, không cho người lạ vào khu dân cư nếu không có lý do chính đáng. Sự ngỡ ngàng ban đầu nhanh chóng chuyển thành đồng tình, ủng hộ. Mọi người dân trong khu đều đồng lòng, vui vẻ, tự nguyện thực hiện các nội quy, bảo ban nhau nhằm bảo vệ “vùng xanh” của khu dân cư mình sinh sống.
Xây dựng vùng xanh trong cuộc chiến chống COVID-19 đang là giải pháp nhằm giảm mức độ từ vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) thành vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ (vùng vàng) và tiến tới trở thành địa bàn an toàn - vùng xanh. Tùy vào đặc thù cụ thể, từng địa phương đã và đang triển khai nhiều cách làm, giải pháp quyết liệt để mở rộng vùng xanh với phương châm củng cố, phát triển ngay từ cơ sở, địa bàn dân cư.
Bảo vệ “vùng xanh” ở cấp độ “tế bào” (tổ dân phố, ngõ, xóm) được xem là “vaccine cộng đồng”, mũi giáp công hiệu quả trong chiến lược chuyển hướng từ phòng ngự sang phản công. Chính ý thức tự bảo vệ và sự đồng tâm nhất trí của cộng đồng tạo lá chắn tốt trước dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Tại các cuộc làm việc với bộ, ngành, địa phương về phòng chống dịch thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh thông điệp, phải có cách tiếp cận mới và triển khai các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Các bộ, ngành, địa phương liên quan hết sức chú ý việc củng cố, bảo đảm an toàn các “vùng xanh”.
Nhiều ý kiến đánh giá, mô hình “vùng xanh” cũng như việc phân vùng xanh, đỏ, vàng để có cách thức chống dịch phù hợp, là một cách tiếp cận mới so với trước, để chủ động phòng ngừa ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhất là khi biến thể Delta có hệ số lây nhiễm R0 rất cao (R0=8-9, trung bình một người có thể lây cho 8-9 người trong khi chủng gốc chỉ là 2 người).
Hiệu quả cao nhất mà mô hình này mang lại chính là ý thức tự giác của người dân được nâng cao hơn, phát huy sức mạnh cộng đồng. Từ việc tự đứng ra lập các chốt kiểm soát, cùng tham gia vào công tác chốt chặn, mỗi người dân sẽ tự ý thức được đây là việc làm đang bảo vệ sự an toàn cho chính gia đình mình và cộng đồng.
Có thể nói, bảo vệ và giữ cho được “vùng xanh” sẽ là chìa khóa chống dịch thành công, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Và giữ “vùng xanh” quyết liệt nhất chính là nhân dân.