Chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) đề cập đến các các chương trình thiếu nhi hiện nay nhẹ về giáo dục, chủ yếu là giải trí. Một số đại biểu cũng đề nghị đại biểu nêu những giải pháp để bảo vệ trẻ em khỏi những thông tin độc hại trên mạng xã hội
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, về bản chất, công nghệ Interner là mở, tùy thuộc vào động cơ, mục đích của cá nhân, tổ chức để họ đưa thông tin tiêu cực hay tích cực. Internet là môi trường trao đổi thông tin nhanh chóng, thuận tiện. Đối với trẻ em, tác động tích cực rất rõ ở việc học tập, giao lưu…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, là các tác động tiêu cực khi Internet ngày càng phát triển, xã hội ảo phát triển. Nhiều nội dung có tính chất báo động như dâm ô, bạo lực, quấy rối... Do trẻ em còn thiếu kỹ năng, kiến thức nên dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin độc hại. Một số hành vi phổ biến là gây tổn thương đến sức khỏe, tâm lý khi phát tán phim ảnh, game độc hại. Thậm chí, lợi dụng trẻ em để buôn bán chất cấm, buôn bán trẻ em.
Đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị Bộ trưởng cho biết những biện pháp để bảo vệ trẻ em khỏi thông tin xấu, độc trên mạng xã hội
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã tăng cường xử lý vi phạm trên mạng xã hội. Việt Nam đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook... "Trên Youtube, chúng tôi đã cố gắng và mới gỡ được trên 5.000 video xấu độc. Tuy nhiên lượng video đưa lên là rất lớn, do vậy cơ quan quản lý phát hiện video nào vi phạm thì sẽ chuyển họ xử lý.
“Hiện nay, Bộ đang tập trung hoàn thiện văn bản pháp luật xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên Internet. Tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp giữa gia đình, xã hội, nhà trường khi trẻ em sử dụng Internet; khuyến khích các nhà cung cấp nội dung phát triển các chương trình bổ ích cho trẻ em. Đối với các chương trình không phù hợp với trẻ em, trách nhiệm đầu tiên là của các nhà đài, nếu vi phạm sẽ bị xử lý”- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
27 cuộc tấn công an ninh mạng trong dịp APEC
Đề cập tới tấn công mạng ở Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, tình hình tấn công mạng diễn ra nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hiện tượng này ngày càng phổ biến; dẫn tới lộ, lọt thông tin và thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức, đây cũng là vấn đề với nhiều quốc gia khác.Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 11.000 vụ tấn công mạng dưới các hình thức khác nhau. Riêng tại Hội nghị APEC, phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí; 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công. "Không có hệ thống thông tin nào an toàn tuyệt đối trong thời gian dài nên công tác đảm bảo an toàn thông tin phải liên tục", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
|