THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:34

Bảo vệ người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động

 

ảnh minh họa

Khi bị TNLĐ, họ cũng cần được chữa trị và có các khoản hỗ trợ để giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, trên cơ sở phát triển từ Bộ luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã quy định rộng hơn về chính sách của Nhà nước trong việc chủ động phòng ngừa TNLĐ, áp dụng cho cả những người làm việc không theo hợp đồng lao động; đồng thời tại Điểm c, khoản 3, Điều 6 Luật ATVSLĐ quy định: “Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định”.

“Bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện” nêu trên có thể tổ chức theo 02 hình thức là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thương mại. Bảo hiểm thương mại về TNLĐ ở Việt Nam đang được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật này, góp phần thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, do bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận, nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ (như thiếu chế độ chi dài hạn để bù đắp tổn thất về thu nhập; người nghèo thường không có điều kiện tham gia; phải đóng theo thời hạn cam kết ngay cả khi không có việc làm...).

Bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với TNLĐ ở Việt Nam hiện chưa có. Vì vậy, cần xây dựng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện về TNLĐ, trên cơ sở khắc phục các hạn chế của bảo hiểm thương mại, đồng thời kế thừa tính ưu việt bảo hiểm xã hội bắt buộc về TNLĐ trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo Nghị định quy định chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện về TNLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, góp phần đồng bộ các chính sách trong bảo đảm an sinh xã hội theo Điều 34, 59 của Hiến pháp năm 2013.

Một số nội dung chính của dự thảo Nghị định:

Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 6 chương, 39 điều, trên cơ sở kết thừa một phần các quy định của bảo hiểm xã hội bắt buộc về TNLĐ tại Luật ATVSLĐ, Luật Bảo hiểm xã hội, đồng thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cách thức quản lý bảo hiểm tự nguyện và điều kiện thực tế triển khai, với các nội dung chính như sau:

- Về tên gọi của Nghị định: Căn cứ theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, thì tên gọi dự thảo Nghị định là “Nghị định của Chính phủ quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện”. Tuy nhiên, căn cứ vào Điểm c khoản 3 Điều 6 Luật ATVSLĐ và sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, thì đối tượng áp dụng của Nghị định là “người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động”. Mặt khác, nội dung của Nghị định này chỉ quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với TNLĐ. Vì vậy, để phân biệt rõ với bảo hiểm thương mại về TNLĐ, đồng thời chỉ rõ đối tượng áp dụng của Nghị định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất tên Nghị định là “Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động”.

Nghị định áp dụng cho những đối tượng là “Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” và “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện”.

Ba chế độ cơ bản mà người lao động tham gia bảo hiểm (TNLĐ) - tự nguyện được hưởng, tương tự như tham gia BHXH bắt buộc là: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Chế độ trợ cấp một lần, hằng tháng, phục vụ; Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình. Dự kiến sau một thời gian thực hiện sẽ tổng kết, đánh giá để mở rộng, bổ sung thêm các chế độ khác cho phù hợp.

- Về quy định các trường hợp TNLĐ được hưởng và không được hưởng chế độ bảo hiểm: Cụ thể, người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do TNLĐ trong thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. Người lao động sẽ không được hưởng các chế độ trên nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau: 1- Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; 2- Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; 3- Sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

- Về Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện: Dự thảo xây dựng theo nguyên tắc: Quỹ bảo hiểm TNLĐ không phải là Quỹ được tổ chức độc lập, chỉ là Quỹ thuộc Quỹ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) trong Quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng được hạch toán độc lập để đánh giá cân đối thu chi, điều chỉnh linh hoạt mức đóng theo yêu cầu thực tiễn, bao gồm các nội dung sau: (1) Nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị TNLĐ, BNN từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; (2) Sử dụng Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; (3) Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.

Có ý kiến đề nghị quy định hòa đồng nguồn thu, chi của Quỹ tự nguyện này vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm hạch toán đơn giản hơn và sử dụng được kết dư từ Quỹ bắt buộc trong chia sẻ rủi ro, không cần hỗ trợ đóng thêm từ ngân sách. Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm quản lý BHXH tự nguyện về hưu trí, tử tuất và bảo hiểm y tế, thì cần phải hạch toán độc lập, đánh giá cân đối thu, chi trước khi hòa đồng, đồng thời phải có hỗ trợ từ ngân sách để góp phần mở rộng đối tượng tham gia, tránh rủi ro cho Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

- Về phương thức đóng Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện: Dự thảo Nghị định quy định 04 phương thức đóng cho người lao động lựa chọn là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở tham khảo quy định chế độ BHXH tự nguyện về hưu trí, tử tuất. Mức đóng được quy định cố định theo mức lương cơ sở với mọi người lao động để bảo đảm linh hoạt tăng, giảm đồng bộ với mức hưởng. Dựa trên tính toán cân đối thu chi,  dự kiến mức đóng là 4% mức lương cơ sở. Phương án này có ưu điểm là mức lương cơ sở được Chính phủ công bố có thời điểm áp dụng rõ ràng, tạo thuận tiện trong việc xác định mức đóng cũng như số tiền ngân sách nhà nước phải hỗ trợ. Với mức lương cơ sở năm 2017 là 1.300.000 đồng/tháng thì mức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện tương ứng là 52.000 đồng/người/tháng (gần tương đương với mức đóng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc về TNLĐ, BNN- khoảng 46.000 đ/ tháng).

Người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm TNLĐ hằng tháng, bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% đối với người lao động khác. Theo phương án này, dự kiến trong 05 năm đầu triển khai, hằng năm ngân sách hỗ trợ tiền đóng từ 37 tỷ đồngnếu số người tham gia khoảng 200 ngàn người.

 

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh