THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:42

Bảo vệ an toàn cho trẻ em trong thế giới số

Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mang lại nhiều lợi ích nhưng không kém rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau (xem phim, video; học tập; sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng; tìm kiếm thông tin; trò chuyện với bạn bè, người thân…). Cùng với đó, trẻ em sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, xâm hại trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam và cả hệ thống chính trị đã có sự vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên Internet. Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng như: Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP; Nghị định số 130/2021/NĐ-CP; Quyết định số 23/QĐ-TTg; Quyết định số 830/QĐ-TTg… Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021). “Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em, trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực với nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đáng chú ý, Bộ đã phối hợp chỉ đạo và thực hiện: Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài 111. Đặc biệt, Bộ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an kiểm tra, xử lý kịp thời các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em và từ phản ánh của người dân qua Tổng đài 111. Tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó là sử dụng chính môi trường mạng để tăng cường sáng tạo tương tác trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em.

Trang bị kỹ năng để bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng internet.

Trang bị kỹ năng để bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng internet.

Ông Lê Nhật Thịnh, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Việt Nam có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, hiện có trên 73% dân số sử dụng internet. Trung bình trẻ 9 tuổi đã sử dụng smarphone.

Mạng internet hay công dân mạng đem đến nhiều lợi ích cho người dân và trẻ em nói riêng nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ như bị xâm hại, bạo lực qua mạng. Ở góc độ Bộ Công an, công an địa phương đã điều tra xác minh xử lý 135 vụ việc các đối tượng sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến trẻ em, trong đó có 116 vụ việc liên quan đến xâm hại bạo lực trẻ em, 16 vụ việc liên quan đến phát tán thông tin cá nhân về trẻ em… Công an cũng đã ngăn chặn khoảng 10.000 trạng mạng có nội dung đồi trụy độc hại đối với trẻ em. Nhiều đối tượng sử dụng thông tin của trẻ em để thực hiện hành vi phạm tội, như vụ việc xảy ra từ đầu năm nay, các đối tượng gọi điện cho phụ huynh học sinh để thông báo con bị bắt cóc, bị tai nạn phải đưa vào bệnh viện.... Thời gian vừa qua, lực lượng công an cũng đã triệt phá một số đường dây lừa bán qua mạng thông qua hình thức nhận con nuôi.

Xuất phát từ tình hình cấp thiết, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Cục Trẻ em và Bộ Thông tin và truyền thông ký ban hành quy chế phối hợp số 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Theo quy định hiện nay, nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân công bố, tiết lộ thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ mà không được sự đồng ý của trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng có trách nhiệm ngăn chặn chia sẻ thông tin có nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp lực lượng chuyên trách để xử lý...

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh