Bảo tồn văn hóa Chăm gắn với phát triển du lịch
- Văn hóa - Giải trí
- 01:31 - 20/08/2019
Hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm
Theo Ban tổ chức, Ngày hội sẽ thu hút hàng nghìn nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên nhạc công, vận động viên đồng bào Chăm và các chức sắc tôn giáo tiêu biểu vùng đồng bào Chăm. Ngày hội có nhiều hoạt động đặc sắc, cuốn hút như liên hoan nghệ thuật quần chúng; trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống; triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm; giới thiệu nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, biểu diễn trích đoạn lễ hội dân gian. Điểm nhấn của ngày hội là lễ khai mạc gắn với trao bằng di tích quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn được tổ chức vào tối 19.8 tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa). Cùng với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là các màn thi đấu thể thao với các môn kéo co, bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, việt dã, đội nước… Các hoạt động của Ngày hội là nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa đồng bào Chăm, qua đó tạo sức hút về du lịch cho khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ trên cơ sở phát huy nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm.
Những nét đặc sắc văn hóa đồng bào Chăm
Nghệ nhân Lê Văn Ru (người Chăm đến từ làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, Bình Định) chia sẻ, “Bây giờ con cháu không biết hát, cũng không biết múa hát dân ca, múa cồng chiêng. Người Chăm không có chữ viết nên không thể ghi lại những bài dân ca, bài hát ru… mà chỉ có thể truyền miệng nên dễ bị mai một. Ngày hội lần này là để các nghệ nhân ôn lại, những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nghệ nhân Phú Bình Đồn (người Chăm, đến từ thôn Vụ Bổn, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) cho biết, Ninh Thuận có hơn 66 nghìn đồng bào dân tộc Chăm. Bao đời qua, trong các lễ hội truyền thống của người Chăm không thể thiếu âm hưởng nhạc cụ truyền thống như Trống Ghi-năng, Paranưng, tiếng kèn Saranai… cùng tấu nhạc, hòa quyện nhịp nhàng với các điệu múa của những vũ nữ Chăm thu hút hàng triệu lượt du khách. Âm nhạc dân gian Chăm chưa có sách vở ghi lại bài bản, nên nghệ nhân dạy cho các con mình thực hành theo 72 nhịp trống lưu truyền trong đời sống nhạc lễ địa phương.
Theo XUÂN HƯỚNG – PHAN HIẾU/ Báo Văn Hóa