THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:15

Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa hậu COVID-19

Nhiều tác động tiêu cực từ sự bùng nổ du lịch sau giai đoạn giãn cách xã hội

Tại Hội thảo về bảo tồn di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam hậu Covid-19 và công tác quản lý di sản theo công ước quốc tế do Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) chủ trì, phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam cho hay, khảo sát nhanh của Trung tâm Di sản thế giới cho thấy hơn 90% các khu di sản đã buộc phải đóng cửa vào giữa khủng hoảng dịch bệnh năm 2020. Tình trạng này xảy đến muộn hơn với Việt Nam nhưng kéo dài hơn cho tới tận cuối năm 2021.

"Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ của hai thách thức: dung hòa giữa bảo tồn và phát triển, tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Cùng với đó là những tác động phức tạp, tiêu cực từ sự bùng nổ nhu cầu du lịch sau giai đoạn giãn cách xã hội, thiếu hụt chưa kịp bù đắp nguồn nhân lực, khả năng thích nghi, thích ứng và các biện pháp ứng phó, sự cạn kiệt về nguồn lực sau thời gian dài hạn chế mở cửa…", bà Phạm Thị Thanh Hường cho biết,

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Các di sản đã được các địa phương quản lý, bảo vệ bền vững nhằm trao truyền lại cho thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới. Tuy nhiên, hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản vẫn chưa thực sự tương xứng và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; các di sản vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19…

Du khách tham quan Vịnh Hạ Long và thánh địa Mỹ Sơn

Du khách tham quan Vịnh Hạ Long và thánh địa Mỹ Sơn

My Son

Đơn cử như tại Quảng Nam, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam có 3 di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh, gồm: Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ngoài ra, còn có Nghệ thuật Bài chòi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với những giá trị đặc sắc, nổi bật toàn cầu của những di sản này, Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng đã khẳng định là một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước và khu vực; được thế giới bình chọn nhiều danh hiệu cao quý ở lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, COVID-19 đã tác động rất lớn, tiêu cực đến toàn bộ hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Nam.

Việt Nam hiện sở hữu khoảng trên 3000 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia trải dài trên cả nước, trong đó có 8 di sản thế giới, gồm 4 di sản văn hóa, 3 di sản tự nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Có thể nói,  di sản là nguồn lực cho du lịch phát triển, ngược lại du lịch được các nhà bảo tồn coi là “cứu cánh quan trọng” trong nỗ lực bảo tồn và phát triển tại các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Nguồn thu từ hoạt động du lịch không chỉ hỗ trợ cho những nỗ lực bảo vệ di sản, môi trường sinh thái mà còn giúp cho người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Du lịch di sản là một bộ phận quan trọng của ngành du lịch. Không chỉ đơn thuần là việc thăm viếng các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch di sản còn là sự gặp gỡ cá nhân với lịch sử, văn hóa và truyền thống của một vùng đất. Đây là loại hình du lịch tổng hợp cả du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng trên tinh thần tôn trọng, giữ gìn tính nguyên vẹn của các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Gắn bảo tồn với phát triển du lịch bền vững

Gắn bảo tồn với phát triển du lịch bền vững là một hướng đi đang được các địa phương triển khai thực hiện. Theo Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, mặc dù đại dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực ảnh hướng tới sinh kế của cộng đồng dân cư sinh sống tại khu di sản và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng nhìn nhận theo hướng tích cực, việc hạn chế các hoạt động tham quan, các dịch vụ liên quan đến du lịch, các hoạt động của con người phần nào cũng giảm áp lực lên cảnh quan, môi trường di sản.

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hậu COVID-19, Ban quản lý sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch; có chế tài trong kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý, bảo tồn; nâng cao khung thuyết minh để di sản có thể chạm gần hơn và thu hút khách du lịch.

Bên cạnh tuần tra thường xuyên, đột xuất, Ban quản lý đã và đang triển khai sử dụng flycam trong kiểm tra, phát hiện kịp thời các hoạt động bất thường trong di sản; triển khai số hoá thông tin, cơ sở dữ liệu, hình ảnh giới thiệu về di sản trên nền tảng số, hệ thống thông tin theo dõi và giám sát di sản. Nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về ứng xử phù hợp với di sản; khuyến khích người dân phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn…phấn đấu đến năm 2025, quần thể danh thắng Tràng An trở thành điểm đến du lịch di sản riêng có hàng đầu của Việt Nam, đón trên 6,5 triệu lượt khách.

Còn tại Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, ông Trương Thanh Khai, Phó Giám đốc Ban quản lý cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng khách du lịch đến VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đang có tín hiệu phục hồi tốt trở lại Gắn bảo tồn và phát triển, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị địa chất địa mạo, đa dạng sinh học và phát triển hệ sinh thái rừng đặc dụng, làm phong phú thêm nguồn tài nguyên thiên nhiên, là tiền đề để phát huy giá trị di sản, khai thác, phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững.

Nạn chèo kéo khiến du lịch Việt Nam “mất điểm” trong mắt du khách

Nạn chèo kéo khiến du lịch Việt Nam “mất điểm” trong mắt du khách

Để phục hồi và phát triển du lịch bền vững, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tập trung các phương thức quản lý, khai thác du lịch; gắn liên doanh, liên kết với phát triển du lịch sinh thái, coi đây là một xu hướng chủ đạo đối với công tác phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó sẽ kết nối, thực hiện liên kết vùng, nhất là các địa phương có di sản để thực hiện tốt hơn công tác quảng bá hình ảnh của các di sản.

Giám đốc Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn Phan Hộ cho hay, trải qua hơn 20 năm, khu di sản này đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị, khẳng định được vai trò vị trí tầm vóc của di sản trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.Hằng năm, có 5% kinh phí từ vé tham quan được trích lại cho các hoạt động dân sinh phục vụ người dân của địa phương cùng hàng trăm triệu đồng hỗ trợ cho hoạt động cộng đồng; lao động địa phương được đào tạo lành nghề tham gia vào các dự án trùng tu; các làng nghề truyền thống xung quanh được duy trì.

Bảo tồn nhưng phát huy luôn là nhiệm vụ song hành nhằm bảo tồn hiệu quả di sản. Phát huy theo hướng tích cực, không mâu thuẫn với bảo tồn. "Các hoạt động văn hóa, kinh tế không tách rời với đời sống cộng đồng, cùng cộng đồng chia sẻ trách nhiệm với đơn vị quản lý và được quyền thụ hưởng các giá trị mang lại. Đây là mục tiêu mà mỗi di sản hướng đến và phù hợp với khuyến cáo của UNESCO", ông Phan Hộ nêu ý kiến.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, các địa phương cần tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…; đồng thời, sẵn sàng các phương án thay đổi trong quá trình làm du lịch hậu COVID-19 về cả sản phẩm, công tác tiếp thị, quy trình quản lý... Cần chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc.

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh