THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:06

Bảo tồn giá trị kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà truyền thống dân tộc Tây Nguyên

Nhà Rông và cây nêu truyền thống là trung tâm của các sinh hoạt cộng đồng tại buôn làng.

Nhà Rông và cây nêu truyền thống là trung tâm của các sinh hoạt cộng đồng tại buôn làng.

Nhà Rông, trái tim của buôn làng

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, nhà Rông là một trong những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, có giá trị đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tại mỗi buôn làng, nhà Rông được coi là nơi thu hút khí thiêng của đất trời, là “trái tim” của cộng đồng dân cư.

Một số làng làm đến hai nhà Rông: "nhà Rông cái" nhỏ và có mái thấp dành cho phụ nữ, "nhà Rông đực" dành cho đàn ông có quy mô lớn hơn và trang trí công phu, có nhà được làm dài 10m, rộng 4m, cao tới 30m. Ngoài mục đích gìn giữ không gian thiêng, nhà Rông là nơi người dân trao đổi những câu chuyện, kinh nghiệm trong đời sống, là không gian trưng bày những hiện vật gắn liền với các yếu tố tín ngưỡng, lịch sử hình thành và phát triển của buôn làng. 

Nhiều nhà Rông truyền thống cao đến 30m.

Nhiều nhà Rông truyền thống cao đến 30m.

Bên trong nhà Rông.

Bên trong nhà Rông.

Mỗi nhà Rông lại có một cây nêu dựng trước nhà. Cây nêu là trung tâm của các lễ hội ngoài trời như lễ đâm trâu, lễ mừng mùa, lễ kết nghĩa... nơi trẻ già, gái trai múa hát theo những điệu trống, điệu chiêng vòng quanh cây nêu không kể đêm ngày.

Trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số, cây nêu là một linh vật. Ở từng lễ hội, cây nêu mang một hình ảnh biểu tượng khác nhau như cây nêu trong lễ đâm trâu có 4 nhánh, lễ mừng lúa mới cây nêu chỉ có 1 nhánh... và được trang trí các hình tượng như chim, gà, lá phướn, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, hoa lá... tượng trưng cho văn hoá, tín ngưỡng của dân tộc mình.

Một cây nêu được dựng trong Lễ hội trồng lúa.

Một cây nêu được dựng trong Lễ hội trồng lúa.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, từ nguồn ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của người dân, 262 nhà Rông đã được sửa chữa và xây dựng mới (xây dựng mới 176 nhà, sửa chữa 86 nhà). Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng và sửa chữa nhà Rông trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn rất lớn.

Nhà dài truyền thống và chế độ mẫu hệ của đồng bào Ê Đê

Cùng với nhà Rông của người Xê Đăng, nhà Dài của đồng bào Ê Ðê là một kiến trúc độc đáo khác, thể hiện nét đặc trưng và đa dạng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của người dân Tây Nguyên nói chung, Ðắc Lắc nói riêng.

Nhà Dài của người Ê Đê (được dựng lại trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học VN).

Nhà Dài của người Ê Đê (được dựng lại trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học VN).

Theo thống kê, hiện ở Ðắc Lắc chỉ còn khoảng 2000 ngôi nhà Dài truyền thống, chiếm khoảng gần 30% trong tổng số nhà của đồng bào Ê Ðê. Nhiều buôn làng như buôn Kô Sir, buôn Păn Lăm ở TP Buôn Ma Thuột... không còn ngôi nhà Dài truyền thống nào.

Theo quan niệm cổ truyền đồng bào Ê Ðê, nhà Dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ. Ngôi nhà thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình xây dựng gia thất. Người con trai lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì. Thông thường ngôi nhà Dài của đồng bào dân tộc Ê Ðê có từ bảy đến chín cặp vợ chồng chung sống.

Những chiếc ghế Kpan được làm từ những thân cây có độ dài từ 5-10m.

Những chiếc ghế Kpan được làm từ những thân cây có độ dài từ 5-10m.

Một điều gây ấn tượng cho những ai đặt chân vào nhà Dài đó là những chiếc ghế được làm từ những thân cây dài từ 5-10m được gọi là ghế Kpan. Nếu nhà Rông phải có cây nêu thì nhà Dài phải có ghế Kpan và chúng đều là linh vật. Theo quan niệm của người Ê Đê, ghế Kpan là chiếc ghế tổ tiên, là biểu tượng của tình bằng hữu, khi ngồi trên ghế Kpan, bao hận thù, bao khoảng cách về giai cấp địa vị sẽ được xóa đi, chỉ có tình cảm chân thành đọng lại.

Nguyên vật liệu để dựng nên ngôi nhà Dài truyền thống của đồng bào Ê Ðê chủ yếu bằng gỗ và các vật liệu sẵn có trong rừng, có tính kết cấu và độ bền cao. Từ sàn lên đỉnh nhà khoảng 4 - 5m, lòng nhà rộng khoảng 4,5m - 5,5m, chiều dài có thể hàng chục mét và được dựng theo một hướng cố định là hướng bắc - nam.

Một trong những điểm đặc biệt của ngôi nhà Dài chính là những chiếc cầu thang, đây cũng là niềm tự hào của gia đình và cộng đồng người Ê Đê. Mỗi chiếc cầu thang sẽ được chạm khắc các hình tượng theo tín ngưỡng phồn thực và các bậc thang luôn mang số lẻ theo quan niệm may mắn của đồng bào Ê Ðê. Ðáng chú ý, mỗi ngôi nhà dài bao giờ cũng có hai cầu thang, gọi là cầu thang đực và cầu thang cái. Cầu thang cái (phải) thường được trang trí bằng hình trăng khuyết và hình hai bầu ngực, thể hiện tín ngưỡng phồn thực và chế độ mẫu hệ dành cho phụ nữ và khách. Cầu thang đực (trái) lại thô mộc, nhỏ hơn, dành cho đàn ông.

Cầu thang đực và cái ở ngôi nhà Dài.

Cầu thang đực và cái ở ngôi nhà Dài.

Nhiều năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa cùng sự khan hiếm vật liệu đã làm cho việc xây dựng những ngôi Rông và nhà Dài trở nên khó khăn. Mặc dù nhà nước và các địa phương đã có những chính sách hỗ trợ, nhưng phần lớn các ngôi nhà truyền thống mang nét đặc trưng của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Xê Đăng và Ê Đê, Ba Na… đang ngày một xuống cấp hoặc được sửa sang theo xu hướng bê tông hoá hay làm nhà theo kiểu thiết kế ở của người Kinh.

Một ngôi nhà Dài của người Ê Đê được làm bằng bê tông.

Một ngôi nhà Dài của người Ê Đê được làm bằng bê tông.

Sự mai một của những loại hình kiến trúc này sẽ làm mất dần các phong tục tập quán, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như văn hóa cồng chiêng, uống rượu cần, kể khan và nhiều sinh hoạt truyền thống tốt đẹp khác. Nhiều già làng người Xê Đăng tâm sự, tuy có nhà Rông mới làm chỗ sinh hoạt cộng đồng, dạy con cháu đánh cồng chiêng... nhưng nó không có hồn cốt ngôi nhà Rông của tổ tiên người Xê Đăng nữa.

Cùng chung những trăn trở, một già làng người Ê Đê cho biết, nhà dài là máu thịt của dân tộc Ê Ðê, chỉ có giữ lại nhà dài thì văn hóa truyền thống của dân tộc mình mới không bị mai một. Còn nhà dài thì còn ghế Kpan, còn cồng chiêng và không gian sinh hoạt nghi lễ của buôn, làng. Nỗi lo của già làng là nỗi lo chung của những người cao tuổi trong buôn.

Ðể bảo tồn các loại hình kiến trúc đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức lưu giữ giá trị những ngôi nhà truyền thống của dân tộc. Việc bảo tồn kiến trúc, và giá trị văn hóa dân tộc là việc làm cấp thiết, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. 

Xuân Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh