THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:39

Bảo tồn đa dạng sinh học để ổn định cuộc sống và sinh kế cộng đồng

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi Khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi Khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

*Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh cao nhất thế giới, tuy nhiên Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong bảo tồn các loài sinh vật và mức độ đa dạng sinh học của các hệ sinh thái do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vậy UNDP có thể đưa ra những khuyến nghị nào cho Việt Nam?

- Nhờ sự đa dạng về địa hình, hệ sinh thái cảnh quan và khí hậu đã tạo nên tính đa dạng sinh học vô cùng phong phú và đặc sắc của Việt Nam. Sự đa dạng về các hệ sinh thái tự nhiên như hệ sinh thái trên cạn (đồng cỏ, rừng, savan...), hệ sinh thái đất ngập nước (rừng ngập mặn, rạn san hô, hồ chứa...) và hệ sinh thái biển đã tạo nên môi trường sống quan trọng cho các loài động vật, vi sinh vật.

Tuy nhiên cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước những thách thức trong bảo tồn sự đa dạng sinh học. Dưới những thay đổi của khí hậu thời tiết, cũng như áp lực của gia tăng dân số, đô thị hóa, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức …những vấn đề đó đã dẫn đến suy thoái và mất hệ sinh thái là môi trường sống của động và thực vật. Đa dạng sinh học suy giảm mất đi những loài đặc hữu, giống bản địa. Biến đổi khí hậu, như các đợt nắng nóng cực đoan, hay quá lạnh đến có tuyết mà trước đây chưa từng có dẫn đến nhiều loại cây hay con bị tuyệt chủng hay phải di chuyển đến môi trường mới do không thích nghi được với điều kiện khắc nghiệt. Nước biển dâng kết hợp xói lở bờ biển sẽ làm các cây sú, vẹt rừng ngập mặn suy giảm và mất đi ở nhiều vùng ven biển Việt Nam.

Trước thực trạng đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt là tham gia vào các công ước quốc tế liên quan, và đưa ra các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học, thiết lập các khu bảo tồn, và bảo vệ môi trường, song còn nhiều việc phải làm để bảo vệ đa dạng sinh học.

Thứ nhất, cần phải giữ được, phục hồi, và tăng diện tích của hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước…vì đó là môi trường sống của các cây, con, và các loài. Việc này đòi hỏi thực hiện đúng chủ trương “không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế”, không chuyển đổi diện tích khu bảo tồn hay diện tích rừng sang các mục đích khác như xây dựng cơ sở hạ tầng hay phát triển khu công nghiệp.

Thứ hai, tăng cường thực thi luật pháp và chính sách. Việt Nam có hệ thống pháp luật khá đầy đủ về môi trường, tài nguyên thiên nhiên, và đa dạng sinh học, tuy nhiên việc thực thi còn chưa hiệu quả. Việc đánh giá tác động môi trường, triển khai và giám sát các biện pháp giảm thiểu để hạn chế các tác động của các dự án kinh tế đến môi trường, sinh thái, và xã hội chưa được tốt. Điều này đẫn đến các sự cố ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái, và mất đa dạng sinh học.

Thứ ba, thúc đẩy các chính sách và mô hình kết hợp tốt giữa bảo tồn và phát triển, như phát triển du lịch gắn với hệ sinh thái, trong đó có tăng quyền và trách nhiệm cho khối tư nhân trong việc khai thác song song với có trách nhiệm hơn và đóng góp nhiều hơn cho bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần thay đổi ý thức của người dân, hiện nay vẫn còn nhiều người dân còn tiêu thụ các loại động vật hoang dã, đã tạo ra một thị trường tiêu thụ các sản vật đó, làm cạn kiệt đa dạng sinh học.

Rừng quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình.

Rừng quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình.

*Theo ông các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học sẽ góp phần vào giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu như thế nào?

- Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trên toàn cầu. Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu thấy rõ nhất ở khu vực ven biển liên quan đến bão, lụt, xâm nhập mặn, Đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng, và khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên (các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa…) ngày càng chứng kiến hạn hán và những đợt nắng nóng.

Bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học sẽ giúp việc thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hâu. Ví dụ trong các đợt nắng nóng, ở các khu sinh thái rừng hay biển tự nhiên, nhiệt độ sẽ giảm từ 2-3 độ so với trung bình, giúp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, giảm được những tác động về sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra.

Giữ được các hệ sinh thái rừng tốt như ở Lâm Đồng và các tỉnh phía trên thượng nguồn sẽ giúp tăng tích trữ nước, giảm thiếu nước và khô hạn ở các tỉnh phía hạ lưu như Bình Thuận, Đồng Nai… đồng thời rừng giúp giảm rủi ro thiên tai như lũ quét và sạt lở đất khi có mưa lớn.

Việc chống biến đổi khí hậu, đặc biệt trong nỗ lực chung là giảm khí các bon ở khí quyển là nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu, hiện tượng nhiệt độ trung bình nóng lên trên toàn cầu, thì các hệ sinh thái, đặc biệt là rừng và biển có vai trò rất lớn trong việc hấp thụ khí các bon. Đặc biệt là rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ các bon nhiều hơn 3-4 lần so với rừng trên cạn. Hệ sinh thái là công cụ hữu hiệu nhất cho chống biến đổi khí hậu.

*Việc bảo tồn thiên nhiên sẽ có tác động như thế nào đối với sinh kế của người dân?

Đa dạng sinh học và các hệ sinh thái giúp cho các cộng đồng ở địa phương có được sinh kế bền vững. Hầu hết người dân nông thôn, đặc biệt ở các vùng xa và miền núi hay hải đảo, sinh sống phải dựa vào và phụ thuộc vào thiên nhiên: từ thời tiết, nuôi trồng các con, cây, đặc biệt với người sống ở ven rừng họ phụ thuộc vào nguồn khai thác các sản vật như lâm sản ngoài gỗ có sẵn ở rừng, thiên nhiên. Nếu như không có đa dạng sinh học, hệ sinh thái sẽ thay đổi người dân sẽ không còn nguồn để phát triển sinh kế. Biến đổi khí hậu nước biển nóng hơn, thay đổi dòng chảy thậm chí các loài cá sẽ biến mất, những người không có tàu thuyền lưới đi ra ngoài khơi xa thì sẽ mất sinh kế, mất thu nhập thì họ không thể thích ứng tốt với biến đổi khí hậu khi mà họ phải chịu tác động ngày càng lớn.

Hệ sinh thái cung cấp nhiều dịch vụ quan trong cho đời sống và sinh kế của người dân, cung cấp các cây con giống, các gen tự nhiên tốt có thể thích ứng với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, chịu được hạn, chịu mặn… Hệ sinh thái tự nhiên, có cân bằng sinh thái tốt, cung cấp đất, nước, và các điều kiện để canh tác, như trồng cây, hay nuôi trồng thủy sản… phát triển kinh tế và bảo vệ sức khỏe của người dân. Nếu một môi trường nuôi thủy sản bị ô nhiễm, người dân sẽ mất sinh kế vì thủy sản không thể sinh trưởng và phát triển được. Để bảo tồn thiên nhiên, ngoài các nỗ lực của chính phủ, thì rất cần sự tham gia và nỗ lực của từng người dân. Người dân cần có nhận thức và thực hành tốt hơn trong việc sử dụng hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… vì lạm dụng hóa chất là vô cùng nguy hiểm, không những cho sức khỏe trực tiếp mà còn làm ô nhiễm đất, nước, không khí làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú.

*Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam đã nhấn mạnh bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là một định hướng cho công tác thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. UNDP đã, đang và dự kiến sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào để thực hiện mục tiêu này?

Chương trình phát triển Liên hợp quốc đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 149/QĐ-TTg). Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong chiến lược này, chúng tôi đánh giá cao mục tiêu đạt 3-5 phần trăm diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển vào năm 2030. Chiến lược này của Việt Nam ra trước Khung Đa dạng Sinh học toàn cầu mà các nước đang đàm phán tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD) ở Canada trong 2 tuần từ ngày 7 đến ngày 19 tháng 12 năm 2022, vì vậy một số chỉ tiêu của bản dự thảo Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu chưa có trong Chiến lược của Việt Nam. Trong thời gian tới, UNDP sẽ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát và đưa thêm các chỉ tiêu này trong quá trình thực hiện chiến lược của Việt Nam.

UNDP hiện đang triển khai một số dự án về nâng cao năng lực, đào tạo và lồng ghép các chính sách pháp luật liên quan bảo tồn và đa dạng sinh học ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh