THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:37

Bão số 5 rất phức tạp, sẵn sàng họp đêm ứng phó

Bão số 5 rất phức tạp, sẵn sàng họp đêm ứng phó - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp. Ảnh: AH.

Theo vtc.vn, chiều 11/9, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ứng phó với bão số 5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, bão đang gây mưa rất to ở Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và một phần của Quảng Trị. Đây là cơn bão rất khó dự báo với đường đi phức tạp.

"Căn cứ vào dự báo và đặc biệt là tình hình diễn biến của cơn bão, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành để có thể có những cuộc họp ngay ban đêm nếu tình hình diễn biến xấu. Đề nghị các địa phương chủ động nếu có chỉ đạo từ Trung ương", ông Hiệp nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, chúng ta chống bão lần này trong điều kiện rất đặc biệt, đó là chống bão trong điều kiện COVID-19.

"Bão đổ bộ ở "vùng đỏ" là thách thức rất lớn chúng ta cần quan tâm", ông Hiệp lưu ý.

Ông Hiệp cho biết, theo dự báo, bão số 5 khả năng đổ bộ vào đất liền trong rạng sáng mai và bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp vào đêm nay. Cường độ bão cấp 8 không phải quá lớn nhưng do bão di chuyển chậm, thời lượng mưa nhiều nên nguy cơ lớn nhất đến từ mưa.

"Qua ảnh mấy vệ tinh có thể thấy mây nhiều, mưa lớn sẽ có thể gây ngập lụt và ngập lụt mới là điều quan ngại nhất từ bão số 5 gây ra", ông Hiệp nói.

Bên cạnh đó, bão số 5 đổ bộ lúc triều cường dâng cao sẽ khiến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng hơn.

Nhấn mạnh thách thức lớn nhất trong chống bão số 5 đó là cơn bão đổ bộ trong điều kiện COVID-19 phức tạp với hơn hàng nghìn ca F0 ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, các địa phương này cần chỉ đạo quyết liệt hơn, cách làm khác hơn, các kịch bản chi tiết hơn.

"Nguyên tắc là hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Các địa phương phải bám sát các kịch bản, nếu bắt buộc phải di dân thì cố gắng di dân tại chỗ là tốt nhất, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó", ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cũng lưu ý các địa phương cần đảm bảo cho tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, đồng thời toàn bộ thuyền viên trên tàu phải vào bờ, không để vì xét nghiệm COVID-19 chậm dẫn đến để thuyền viên ở lại tàu.

Các địa phương tuyệt đối không được để dân trên lồng bè, chòi canh. Khu vực này là khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản rất lớn nên cần vận động bà con, tránh trường đáng tiếc như thời gian trước.

Tất cả các địa phương cũng rà soát lại khu vực ngập lụt, có phương án đảm bảo tính mạng và tài sản người dân. Đặc biệt một số địa phương như TP Huế, Hội An, Tam Kỳ là những rốn ngập cần có tính toán kỹ.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương dứt khoát dừng thi công các công trình, phải rút kinh nghiệm từ một số vụ như Rào Trăng 3 năm ngoái.

Bên cạnh sự kiên quyết trong việc dừng các công trình đang thi công, các địa phương cũng phải bố trí chỗ tránh trú bão an toàn cho người dân ở các công trình này.

Thông tin trên báo plo.vn cho biết, từ đầu cầu Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã gọi được tất cả tàu thuyền của thành phố và đưa 314 tàu thuyền/849 người của địa phương bạn vào trú tránh tại âu thuyền Thọ Quang.

Toàn bộ số thuyền viên ngoại tỉnh được bố trí trú tránh ở khu vực riêng để quản lý. Trước mắt toàn bộ thủy thủ và ngư dân trên tàu tạm thời để dưới tàu và thực hiện test COVID-19, khi có lệnh sẽ thực hiện việc di chuyển các ngư dân và tàu thuyền lên bờ một cách an toàn.

Đà Nẵng cũng sẵn sàng các phương án di dời dân với khoảng 39.000 người ở các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn.

Bão số 5 rất phức tạp, sẵn sàng họp đêm ứng phó - Ảnh 3.

Tàu thuyền tránh bão. (Nguồn: TTXVN).

Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào trú ẩn an toàn. Riêng 54 phương tiện/316 lao động ngoại  tỉnh đang neo đậu tại cảng cá Thuận An thì địa phương đã bố trí các điểm sơ tán, vừa đảm bảo an toàn về thiên tai, và đảm bảo an toàn về phòng chống dịch COVID-19.

Tỉnh cũng dự trữ được 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo, rà soát di dời 18.000 hộ/64.000 người nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến 18 giờ hôm nay, tỉnh sẽ cố gắng di tản 95.000 người dân, trong đó có 85.000 người dân ở sáu huyện thị, thành phố ven biển và gần 10.000 hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Theo ông Bửu, sáng nay đã phát sinh 11 ca F0 tại thị xã Điện Bàn, ở đó có khu công nghiệp tập trung 25.000 công nhân, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

"Ngay sáng nay, Bí thư tỉnh ủy đã chỉ đạo phải áp dụng chỉ thị 16+ tại thị xã Điện Bàn. Với tình hình mưa bão như hiện nay, việc áp dụng Chỉ thị 16+ thì rất khó khăn cho công tác triển khai ứng phó phòng chống thiên tai và phòng chống dịch" - ông Bửu chia sẻ.

Hòa Thanh (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh