THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:00

Bão số 5 gây mưa lớn, nhiều địa phương miền Trung bị cô lập

Bão số 5 áp sát, các địa phương miền Trung có mưa to diện rộng, nhiều nơi bị cô lập - Ảnh 1.

Nước lũ gây chia cắt, cô lập dân cư tại xã Phước Thành (Phước Sơn, Quảng Nam)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Từ nay đến ngày 12/9, vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh trên có gió giật cấp 7 - 8.

Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 11 đến 13/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 350mm. Từ ngày 12-14/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Chiều 11/9, ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, ảnh hưởng của bão Conson, từ trưa cùng ngày trên địa bàn huyện có mưa to kèm lốc xoáy đã gây ra thiệt hại về nhà cửa của người dân. Cụ thể, đến 15 giờ ngày 11/9, trên địa bàn huyện Phong Điền có 21 nhà dân tại 4 xã bị tốc mái, hư hại. Hiện các lực lượng xung kích của các xã đang cùng gia đình tiến hành khắc phục.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn; triển khai Công điện của Bộ y tế về phòng chống bão và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 .  Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, phối hợp với các địa phương sơ tán di dời dân; sẵn sàng lực lượng. Đến chiều 11/9, toàn tỉnh đã di dời 17.171 hộ dân với 55.132 nhân khẩu.

Bão số 5 áp sát, các địa phương miền Trung có mưa to diện rộng, nhiều nơi bị cô lập - Ảnh 2.

Bão số 5 áp sát, các địa phương miền Trung có mưa to diện rộng, nhiều nơi bị cô lập - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng Phong Điền giúp người dân khắc phục nhà bị tốc mái trong chiều 11/9

Tại Quảng Nam, theo ông Hồ Công Điểm, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, trên địa bàn huyện này đã có nhiều nơi đã cô lập cục bộ do mưa lớn. Trong đó, các tuyến đường đi 3 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nước lớn khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Rất may là trước đó địa phương đã kịp chuyển 14 tấn gạo dự trữ đến 3 xã này.

Đặc biệt, chiếc cầu nối vào thôn Trà Văn A (xã Phước Kim) bị cuốn trôi sau trận lũ quét cuối năm 2020 chưa được sửa chữa. Khi mưa lớn, nước trên thượng nguồn đổ về khiến ngôi làng này bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Tại xã Phước Kim, nước lũ cũng làm trôi ngầm tạm, gây cô lập hoàn toàn 76 hộ dân với hơn 250 nhân khẩu là đồng bào Giẻ Triêng. Ông Hồ Văn Thương, Phó chủ tịch UBND xã Phước Kim cho hay, địa phương đã yêu cầu người dân không được tự ý ra khỏi nhà, tuyệt đối không được băng qua dòng nước lũ để di chuyển.

"Địa phương sẽ dùng tời để vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm cần thiết tiếp tế cho các hộ dân bị cô lập. Hiện nay xã cũng đã di dời 40 hộ có nguy cơ sạt lở đến trú tạm tại nhà làng và trường học. Đảm bảo không còn hộ dân nào ở vùng nguy hiểm khi bão xảy ra", ông Thương thông tin.

Theo ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, hiện lượng mưa lớn khiến nước đầu nguồn đổ về mạnh. Địa bàn xã đã có 26 hộ với gần 200 nhân khẩu ở thôn 3 bi cô lập.

Cũng theo ông Phức, xã có 103 hộ phải di dời khẩn cấp. Hiện nay lực lượng công an, dân quân đã được phân công đứng điểm tại các vị trí xung yếu để không cho người dân qua lại. Ngoài ra, các lực lượng của xã cũng đang giúp 469 nhân khẩu di dời đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho người dân trước cơn bão số 5, trong sáng 11/9, địa phương này đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở núi.

Cụ thể, có khoảng 260 hộ dân trên địa bàn huyện Phước Sơn với gần 1.000 nhân khẩu sẽ được di dời đến nhà người thân, những nơi an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ, đồng thời bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Bão số 5 áp sát, các địa phương miền Trung có mưa to diện rộng, nhiều nơi bị cô lập - Ảnh 4.

Sạt lở đe doạ nhà dân ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam

Tại Đà Nẵng, từ chiều 10/9 đến trưa 11/9, mưa to kéo dài đã gây ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường trên địa bàn. Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, tính đến 12 giờ ngày 11/9, đã có 1.236 phương tiện tàu thuyền vào vị trí trú bão an toàn. Tại Âu thuyền Thọ Quang là 695 phương tiện/1.007 lao động (trong đó tàu Đà Nẵng là 381 phương tiện/158 lao động; tàu ngoại tỉnh: 314 tàu/849 lao động); các tàu du lịch trên sông Hàn đã di chuyển sông Cổ Cò, đã hoàn thành lúc 9h30 sáng 11/9.

Tại 25 công trình xây dựng với 39 cần trục hiện đã có 19 công trình với 25 cần trục đã neo, các công trình còn lại sẽ hoàn tất công tác neo trước 17h chiều ngày 11/9.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cũng đã rà soát, triển khai phương án cho phép các tàu cá cập Âu thuyền Thọ Quang để tránh bão và đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và trực ban, kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ đập. Toàn bộ thuyền viên khi sơ tán, di dời đều được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 khi cập cảng (và ở lại trên tàu). Khi có lệnh sơ tán, di dời ngư dân sẽ thực hiện di dời đến 3 vị trí tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang: khoảng 250 người; Trạm Thông tin liên lạc Biên phòng khoảng 50 người và các địa điểm tránh trú tại phường Nại Hiên Đông (Trường THCS Hai Bà Trưng), phường Thọ Quang khoảng 700 người.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã lên phương án di dời dân tránh bão số 5 theo 2 phương án. Nếu bão ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 3, tỉnh sơ tán gần 9.000 hộ với hơn 28.000 nhân khẩu thuộc các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ. Nếu lũ trên báo động 3 thì toàn tỉnh cần di dời trên 14.300 hộ với hơn 53.0000 nhân khẩu; vùng xảy ra lũ ống, lũ quét cần di dời hơn 2.240 hộ với gần 9.000 nhân khẩu; vùng xảy ra sạt lở đất cần di dời hơn 1.440 với hộ với trên 6.830 nhân khẩu.

Hiện nay tất cả 2.312 tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đều đã nhận được thông tin và hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Ngoài ra tỉnh cũng đã kêu gọi 63 tàu thuyền với 417 thuyền viên của tỉnh, thành phố khác vào neo đậu, tránh trú bão nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 10/9, học sinh nghỉ học và tạm dừng thi công các công trình từ ngày 12/9. Các địa phương đang khẩn trương hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch hơn 4.000 ha lúa Hè Thu còn lại để tránh thiệt hại do bão; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu; đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi di dời dân tránh bão.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến chiều 11/9, các địa phương vùng ảnh hưởng đã kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp an toàn cho 71.500 phương tiện/349.000 lao động. Hiện không còn tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm. Ban cũng đã hướng dẫn triển khai các biện pháp ứng phó trong điều kiện COVID-19 để sẵn sàng sơ tán đối với 331.000 người. Đảm bảo an toàn các hồ chứa và 25 trọng điểm đê điều xung yếu; đề nghị các nhà mạng đồng loạt nhắn tin đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão. Dừng tất cả các công trình đang thi công, tránh trường hợp như sự cố Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020. Chủ động triển khai các phương án khắc phục sau bão: bố trí các luồng xanh để vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị; sẵn sàng khôi phục, sửa chữa nhà cửa khi bão tan; không để tăng giá các mặt hàng thiết yếu.

Tất cả các tỉnh bị ảnh hưởng của bão đã ra lệnh cấm biển. Các địa phương từ Quảng Trị - Quảng Ngãi trong vùng ảnh hưởng của bão đã rà soát phương án sơ tán dân trong tình huống dịch COVID-19 .

Hiện có 220.697 ha lúa chưa thu hoạch tại các tỉnh từ Thanh Hóa – Bình Định. Các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi có 17.229 ha diện tích và 5.097 lồng, bè nuôi trồng thủy sản.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh