THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:21

Bảo quản đúng cách để không mất dinh dưỡng của thực phẩm

 

Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh thực chất chỉ là cách kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Làm cho quá trình sinh sôi phát triển của chúng bị chậm lại chứ không thể giết chết được vi khuẩn. Tuy nhiên những thói quen tưởng chừng như vô hại của người nội trợ khi lưu trữ thức ăn trong tủ lạnh không những làm mất dinh dưỡng của thực phẩm mà còn tạo ra nhiều vi khuẩn trong chính tủ lạnh nhà mình.

Nhiều người có thói quen sử dụng túi nylon để chứa thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh.

 

Một trong những sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh mà nhiều người thường mắc phải là sử dụng túi nylon để chứa thực phẩm khi cất trong ngăn đá. Túi nylon thông thường được làm từ các loại nhựa tái chế. Vì thế nó không đảm bảo an toàn vệ sinh khi chứa đựng thực phẩm tươi sống, gây ra nhiều nguy cơ nhiễm chì và cadium... Sử dụng túi nylon để gói, bọc thực phẩm nói chung sẽ dẫn đến khả năng thôi nhiễm chất độc vào thực phẩm, gây hại sức khỏe khi chúng ta hấp thụ vào cơ thể. Thậm chí một số người có thói quen tận dụng lại các túi nylon đựng thực phẩm khi mua ở chợ về để đựng thực phẩm cất vào tủ lạnh. Chính quá trình ấy khiến cho các vi khuẩn bám vào thực phẩm nhiều hơn.

Đối với những thực phẩm đã bảo quan trong ngăn đá tủ lạnh, khi lấy ra sử dụng cần phải rã đông đúng cách và tuyệt không không cấp động thêm một lần nữa. Bởi thực phẩm sau khi đã đông đá lấy ra rã đông để chế biến, vi khuẩn bị kìm hãm được giải phóng sẽ sinh sôi phát triển rất nhanh. Nếu cấp đông trở lại, vi khuẩn sẽ tiếp tục gia tăng về số lượng có thể gây ngộ độc cấp tính và một số bệnh lý khác cho cơ thể. Nên chứa thực phẩm vào các túi vừa đủ dùng cho từng bữa, tránh tình trạng rã đông nguyên khối thức ăn mà chỉ cắt ra ăn ít rồi lại cấp đông lại. Với thực phẩm dù cấp đông lại nhưng độc tố tụ cầu đã chết ngấm vào thực phẩm, khi nấu chín vẫn có thể gây ngộ độc.

Quá trình cấp đông và rã đông làm mất khoảng 1/3 chất béo hòa tan trong thịt, một số chất dinh dưỡng gần như mất hết. Nói chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần được rã đông đều hao hụt, giảm từ 20% trở lên. Một số thực phẩm như: rau, củ, quả, thịt, cá và những món ăn chế biến sẵn như dăm bông, thịt hun khói, patê, xúc xích để bảo quản lâu ngày trong tủ lạnh có thể sinh ra hàm lượng Nitrite khi kết hợp với acid amine trong thực phẩm sẽ tạo ra Nitroamine-là chất gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Về nguyên tắc bảo quản thực phẩm an toàn, sau khi giết mổ gia cầm, gia súc xong, phải cấp đông càng sớm càng tốt. Thời gian để ngoài môi trường kéo dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Người tiêu dùng cần lưu ý, không nên để thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu vì dinh dưỡng có thể bị hư hao. Các gia đình chỉ nên mua lượng thực phẩm bảo quản trong tủ một tuần là tốt nhất. Đối với rau xanh, thời gian bảo quản chỉ nên để 3-4 ngày. Rau xanh để càng lâu trong tủ lạnh sẽ làm mất đi các vitamin và khoáng chất, giảm giá trị dinh dưỡng.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, cần phải làm sạch thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Bởi quá trình giết mổ gia súc, vận chuyển, bán tới tay người tiêu dùng, thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn. Nếu không làm sạch trước khi bảo quản trong tủ lạnh sẽ khiến vi khuẩn lây lan sang các thực phẩm khác và bám vào tủ lạnh.

Một sai lầm mà nhiều người thường mắc phải khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh đó là để lẫn lộn thực phẩm sống – chín với nhau. Thực phẩm bảo quản trong các ngăn tủ lạnh phải tuân thủ nguyên tắc không lây nhiễm chéo từ thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín, từ thực phẩm chưa sạch sang thực phẩm sạch. Nên cho thực phẩm vào các hộp nhựa có nắp đậy kín, rồi mới xếp vào các ngăn trong tủ lạnh theo thứ tự thực phẩm chín ở ngăn trên và thực phẩm sống ở ngăn dưới, thực phẩm tươi sống cần giữ lâu ngày thì để ở ngăn lạnh đông. Không nên cất, trữ quá nhiều thực phẩm trong ngăn tủ lạnh vì có thể vượt quá công suất, dẫn tới nhiệt độ lạnh không đều, thực phẩm ở giữa khối không đủ độ lạnh do nhiệt độ khu vực này cao hơn từ đó dẫn đến hư hỏng trước. Cá, thịt sống bắt buộc phải để ngăn đá. Ở ngăn mát là thực phẩm đã nấu chín, tuy nhiên, trước khi cất thực phẩm chin vào tủ lạnh phải đun lại, rồi để nguội, sau đó mới cho vào tủ lạnh. Thức ăn bảo quản nhất thiết phải có nắp đậy, bao bọc kỹ càng. Không để lẫn thức ăn sống chín vì có thể lây nhiễm chéo. Thực phẩm trong ngăn mát lấy ra phải nấu lại, không được ăn ngay.

Thói quen mở tủ lạnh quá lâu, hoặc những gia đình có trẻ nhỏ thưởng hay mở tủ lạnh để khám phá sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn thâm nhập. Một số vi khuẩn không ngừng sinh sôi trong tủ lạnh nên có thể là nguồn gây ngộ độc thực phẩm như khuẩn listeria có thể phát triển ở nhiệt độ từ -1 - 4 độC và thường tồn tại trong các thực phẩm như pho mát mềm, thịt, cá…

Cuộc sống hiện đại nhiều bận rộn nên với nhiều gia đình, tủ lạnh là nơi tích trữ thức ăn thuận tiện nhất cho bữa cơm gia đình. Vì thế, để giữ thực phẩm luôn tươi ngon và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người cần thiết phải vệ sinh tủ lạnh định kỳ để đảm bảo an toàn.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh