Bảo hiểm thất nghiệp: "Điểm tựa" của lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19
- Bài thuốc hay
- 16:25 - 05/11/2021
BHTN chính là gói bảo hiểm để bảo đảm cho các quyền lợi mà người lao động (NLĐ) được hưởng khi thất nghiệp. Khi mất việc, NLĐ sẽ nhận được một khoản tiền mặt; ngoài ra, gói BHTN còn bao gồm cả bảo hiểm y tế cùng với đào tạo nghề trong quãng thời gian mà lao động chờ và đi tìm một công việc mới. Do đó, chính sách BHTN luôn đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng. Đồng thời, việc triển khai thực hiện BHTN đảm bảo theo phương châm 3 đúng (đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn). Từ vai trò trên mà hiện nay BHTN thật sự trở thành điểm tựa của NLĐ và người sử dụng lao động, được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.
Thực tế cho thấy, BHTN đã đóng vai trò bù đắp các tổn thất về mặt tài chính cho NLĐ và giúp họ có cơ hội để quay lại với thị trường việc làm. Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hồng (công nhân của một công ty xuất khẩu thủy sản tại TP.HCM) có thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng, đã tham gia BHTN trên 6 năm, những tháng đầu năm do dịch Covid-19 nên công ty đóng cửa và anh bị mất việc. Theo quy định, anh Hồng sẽ được lĩnh 6 tháng tiền trợ cấp BHTN. Anh Hồng chia sẻ: “Tôi là lao động chính trong gia đình, chẳng may do dịch Covid-19 xảy ra nên phải thất nghiệp, không có thu nhập để trang trải cuộc sống cho gia đình khiến tôi phải đau đầu suy nghĩ. Tuy nhiên, nhờ số tiền trợ cấp thất nghiệp hơn 18 triệu đồng đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn những tháng giãn cách xã hội. Tôi nghĩ nếu không có khoản tiền đó không biết gia đình 4 người phải xoay sở thế nào nữa”.
Thời gian qua, để tăng cường nhận thức của NLĐ và người sử dụng lao động về chính sách BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chính sách BHTN, tư vấn việc làm, học nghề cho NLĐ, các đơn vị doanh nghiệp tại các buổi tư vấn, các phiên giao dịch việc làm và thông tin thị trường lao động.
Ông Phan Văn Mến – GĐ BHXH TP.HCM cho biết, thời gian qua BHXH.TP.HCM đã phối hợp với cơ quan LĐ-TB&XH xác nhận cho 112.000 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp để được nhận hỗ trợ từ 1.800.000 đồng đến 3.710.000 đồng. Chính từ chính sách hỗ trợ nêu trên đã giúp cho doanh nghiệp và người lao động bớt phần khó khăn để vươn lên.
Chị Nguyễn Thị Thùy Anh (sinh năm 1984, công nhân may tại công ty ở quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 5/2021 công ty đóng cửa, các công nhân đều mất việc, chị đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Với thời gian tham gia BHTN hơn 7 năm, chị sẽ được hưởng một khoản tiền cũng kha khá. "Trong giai đoạn khó khăn này, có được số tiền mỗi tháng nó rất có ý nghĩa và quan trọng, như phao cứu sinh cho cả nhà tôi vậy. Không ngờ dịch bệnh kéo dài như hiện nay, nếu không có khoản tiền trợ cấp thất nghiệp không biết cả gia đình bốn người nhà tôi phải sống sao nữa". Chị Thùy Anh tâm sự.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM chính sách BHTN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch COVID-19, vai trò của hệ thống BHTN càng trở nên vô cùng quan trọng trong hạn chế không ít rủi ro cho NLĐ cũng như thị trường lao động, nhất là vấn đề an sinh xã hội.
Theo bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, để hỗ trợ người lao động nhanh chóng nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, ổn định cuộc sống, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố đã tiến hành tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, vừa đảm bảo người lao động nhận được bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tiếp nhận 90.479 hồ sơ người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đạt 57% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15- 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kéo dài. Thêm vào đó, thời hạn nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là trong vòng 3 tháng kể từ ngày nghỉ việc nên người lao động có tâm lý chờ hết giãn cách, đi lại thuận lợi mới nộp hồ sơ.
Cùng với đó, Trung tâm càng chú trọng hơn đối với công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, được thực hiện xuyên suốt quá trình người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp như: tư vấn ban đầu trước khi lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn khi lao động đến nhận kết quả hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn mỗi lần lao động đến thông báo tình trạng việc làm hàng tháng. Đồng thời, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chính sách BHXH, BHTN càng khẳng định vai trò trụ cột trong việc bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp, hỗ trợ người tham gia vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.