THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 01:44

Bảo hiểm thất nghiệp - "bạn đồng hành" vững vàng cho người lao động tỉnh Đồng Nai

BHTN chính là gói bảo hiểm để bảo đảm cho các quyền lợi mà NLĐ được hưởng khi thất nghiệp. Khi mất việc, NLĐ sẽ nhận được một khoản tiền mặt; ngoài ra, gói BHTN còn bao gồm cả bảo hiểm y tế cùng với đào tạo nghề trong quãng thời gian mà lao động chờ và đi tìm một công việc mới. Do đó, chính sách BHTN luôn đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng. Đồng thời, việc triển khai thực hiện BHTN đảm bảo theo phương châm 3 đúng (đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn). Từ vai trò trên mà hiện nay, BHTN thật sự trở thành điểm tựa của NLĐ và người sử dụng lao động, được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt hơn 1.750 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng nêu trên, trong đó đã chi hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong 8 tháng năm 2021, có trên 32 ngàn NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong 8 tháng năm 2021, có trên 32 ngàn NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Cụ thể, Đồng Nai hỗ trợ cho gần 140.000 lao động ngừng việc với số tiền trên 170 tỷ đồng. Tỉnh hỗ trợ gần 128.000 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền khoảng 430 tỷ đồng; đồng thời chi gần 945 tỷ đồng hỗ trợ gần 630.000 lao động tự do.

 

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong 8 tháng năm 2021, trên 32 ngàn NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều làm việc ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó lao động phổ thông làm việc ở các DN chiếm phần lớn. Nguyên nhân thất nghiệp do DN phá sản, giải thể, thay đổi cơ cấu, NLĐ hết hạn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, bị kỷ luật, sa thải…

Là một trong số những NLĐ được nhận số tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN, chị Nguyễn Thị Hạnh (quê ở Phú Yên) đang làm công nhân may tại Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết,  chị đã tham gia BHXH hơn 5 năm. Thời gian qua, chị nghỉ việc để phòng chống dịch, gia đình rất khó khăn. Nhận được khoản tiền BHTN đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. “Khoản trợ cấp thất nghiệp đã giúp gia đình tôi xoay xở trong vòng 5 tháng. Thời gian giãn cách xã hội, không đi làm lại phải chi phí tiền sinh hoạt và nhà trọ nên khó khăn chồng chất khó khăn. May là có khoản tiền trợ cấp thất nghiệp của hai vợ chồng nên cả gia đình bốn người có thể vượt qua thời gian khó khăn nhất. Hiện tại, hai vợ chồng tôi đã đi làm lại”, chị Hạnh nói.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, 475 lao động thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có 409 lao động tìm được việc làm mới

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, 475 lao động thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có 409 lao động tìm được việc làm mới

Nhằm hỗ trợ lao động thất nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề hơn 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Chị Trần Ngọc Mai, đang ở trọ tại P. Hóa An (TP. Biên Hòa) bộc bạch: “Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp không chỉ giúp NLĐ giải quyết khó khăn trước mắt, mà còn có thêm nhiều sự lựa chọn hơn khi muốn chuyển đổi nghề nghiệp để sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, những tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi chưa thể tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạng”.

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến hỗ trợ việc làm cho người lao động

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến hỗ trợ việc làm cho người lao động

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, 475 lao động thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có 409 lao động tìm được việc làm mới với những ngành nghề như: Lái xe, sửa chữa xe máy, may mặc, tin học, điện công nghiệp… Trong những tháng gần đây, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề buộc phải dừng lại để thực hiện phòng, chống dịch nên NLĐ không được tham gia học nghề. Trong khi về lâu dài, việc hỗ trợ đào tạo nghề sẽ giúp NLĐ có tay nghề vững để dễ dàng tìm được công việc mới.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, sau hơn một tháng triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, đến nay, ngành bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã chi hơn 1.600 tỷ đồng hỗ trợ trên 645.000 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và lao động đã nghỉ việc.

Ông Phạm Minh Thành cho rằng, Nghị quyết 116 và Quyết định 28 được ban hành kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan bảo hiểm thực hiện chi tiền hỗ trợ người lao động; phát huy tính nhân văn, đưa quỹ bảo hiểm thất nghiệp trở thành trụ cột an sinh xã hội của đất nước. Để giúp người lao động khó khăn sớm ổn định cuộc sống, bảo hiểm xã hội tỉnh đang huy động toàn bộ lực lượng làm việc cả ngày nghỉ nhằm giải quyết nhanh nhất hồ sơ của người lao động.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh