Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro
- Bài thuốc hay
- 13:29 - 15/02/2020
Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ, BNN nằm trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, do chỉ thực hiện những chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN sau khi người lao động (NLĐ) đã điều trị ổn định thương tật, còn việc chi trả các chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt; dụng cụ chỉnh hình, trợ cấp phục vụ, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật hầu như rất ít; chưa có cơ chế tái đầu tư để phòng ngừa TNLĐ, BNN… nên chưa hỗ trợ hiệu quả trong việc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp khi xảy ra TNLĐ. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp đã “né” đóng bảo hiểm cho NLĐ, và bản thân NLĐ cũng không “mặn mà” với việc tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Để tăng cường khả năng phòng ngừa TNLĐ, BNN được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, tránh có sự tản mạn quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, Luật ATVSLĐ 2015 có quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN từ Luật BHXH sang Luật ATVSLĐ, nhưng việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan BHXH thực hiện.
Luật ATVSLĐ quy định, người sử dụng lao động hàng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Ngoài các nội dung chính được quy định từ trong Luật BHXH nhằm chi trả, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ, BNN, Luật ATVSLĐ còn bổ sung thêm Điều 55 - Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc và Điều 56 - Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.
Cụ thể, tại Điều 55 quy định: Trường hợp người bị TNLĐ, BNN được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 38, nếu phải đào tạo NLĐ để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.
Theo ThS. Lê Thị Thu Hương - Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, xét ở mọi khía cạnh, nội dung chi mới này có phần tương đồng với chi chế độ trợ cấp cho NLĐ, chi trợ cấp cho NLĐ đã được xác định là gặp rủi ro do TNLĐ, BNN và có tỷ lệ thương tật nhất định. Trên thực tế, NLĐ bị TNLĐ, BNN chỉ cần thiết phải chuyển đổi nghề trong trường hợp tình trạng sức khỏe không còn đáp ứng đối với nghề trước khi bị TNLĐ, BNN đang làm và theo nguyện vọng của cá nhân người lao động.
Đối với Điều 56 quy định rõ, hàng năm, quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm: Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo yêu cầu của cơ quan BHXH; huấn luyện về ATVSLĐ cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN.
ThS. Lê Thị Thu Hương cho biết thêm, việc dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ cho hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN là một trong 3 nội dung chi mới từ Quỹ TNLĐ, BNN theo quy định của Luật. Đặc thù của nội dung chi này là mức chi sẽ được ấn định hàng năm trên tổng số thu, chứ không phải như giải quyết chế độ trợ cấp là khi phát sinh đối tượng đủ điều kiện theo quy định mới có công tác giải quyết hưởng. Cũng cần khẳng định, nội dung chi này không phụ thuộc vào nhu cầu phát sinh của đơn vị, mà mức chi được ấn định tối đa bằng một con số cụ thể và được xác định như chi thường xuyên của đơn vị. Ở góc độ tiếp cận nhất định, nội dung chi hỗ trợ này đã phần nào thay đổi bản chất và kết cấu của quỹ TNLĐ, BNN.