THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:13

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động

Tại cuộc họp báo chuyên đề về BHHTTN vừa diễn ra, trước lo ngại về sự cạnh tranh giữa các sản phẩm BH hưu trí hiện hành với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mới được Chính phủ phê duyệt triển khai từ đầu tháng 7/2016 tại Nghị định số 88/2016/NĐ-CP, bà Trần Thanh Hà- Trưởng Phòng Bảo hiểm nhân thọ, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định, không có sự cạnh tranh giữa chương trình HTTN và BH hưu trí do cách thức triển khai khác nhau.


Không có cạnh tranh nhiều

Các chuyên gia phân tích, việc tham gia BHHTTN sẽ giúp cho lợi ích của người lao động được cải thiện, giúp người lao động tập trung làm việc phục vụ DN, tiết kiệm chi tiêu lúc trẻ để dành cho tuổi già, đảm bảo cho cuộc sống hưu trí không phải phụ thuộc vào con và phúc lợi xã hội của nhà nước. 

Giúp đa dạng hóa và cải thiện lương hưu cho người lao động khi nghỉ hưu, giảm rủi ro phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ hưu trí cơ bản đồng thời giảm gánh nặng cho các thế hệ lao động kế cận.

Đối với nhà nước, là đa dạng hóa nguồn thu nhập của người nghỉ hưu sẽ giúp giảm các tác động xấu đối với xã hội khi có vấn đề với hưu trí cơ bản. BHHTTN ra đời giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và quỹ hưu trí cơ bản: khi người dân tự lo được tương lai của mình, nhà nước sẽ bớt gánh nặng. Đồng thời, tạo nguồn lực dài hạn phát triển thị trường vốn, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Về việc triển khai các sản phẩm BH hưu trí, bà Hà cho hay: Đến nay, có 6 doanh nghiệp BH đang được phép triển khai BH hưu trí là Bảo Việt, Prudental, Daichi, AIA, Manulife và PVI Sunlife. Số lũy kế đến 30/6 là gần 300 tỷ đồng với khoảng 15 nghìn người tham gia, chủ yếu là do các doanh nghiệp mua cho người lao động.

Các sản phẩm BH hưu trí này được triển khai theo quy định của Luật Kinh doanh BH và thực hiện trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp BH với doanh nghiệp hoặc cá nhân là người lao động tham gia BH hưu trí. 

Trong khi đó, từ 1/8/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 88 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Chương trình này được thực hiện trên cơ sở ủy thác quản lý chương trình BH hưu trí.

Theo đó, bà Hà cho biết, cty quản lý quỹ hoặc các doanh nghiệp BH đáp ứng đủ một số điều kiện nhất định, được Bộ Tài chính cấp giấy phép thì sẽ được ủy thác quản lý các chương trình BH hưu trí do doanh nghiệp hoặc người lao động tham gia BH tự ủy thác. 

Bà Hà cho biết, tới đây, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể về các điều kiện tham gia của các công ty quản lý quỹ hoặc doanh nghiệp BH. Do cách thức triển khai khác nhau, một bên thực hiện trên cơ sở hợp đồng BH, một bên thực hiện trên cơ sở ủy thác nên về cơ bản không có cạnh tranh nhiều.

Xét về góc độ an sinh xã hội, cả 2 loại hình nói trên đều nên được khuyến khích thực hiện vì mục tiêu đảm bảo quyền lợi của người lao động khi họ nghỉ hưu, cũng là góp phần an sinh xã hội trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn.

 Đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện BHHTTN

Cũng theo các chuyên gia, đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện BHHTTN, bởi hiện Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng”, với lực lượng lao động hơn 58% dân số, đến 2020, con số này là gần 62%. Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khoảng 2.000 USD/người/năm và cơ sở hạ tầng để thực hiện BHTTN đã sẵn sàng với: 46 công ty quản lý quỹ, 9 ngân hàng có chức năng giám sát, các tập đoàn, DN bảo hiểm. Do đó, việc thực hiện BHHTTN càng sớm càng tốt vì việc trì hoãn sẽ làm cho việc đảm bảo cuộc sống người nghỉ hưu khó khăn hơn.

Để giải quyết được tình trạng mất cân đối thu- chi và tránh nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), các chuyên gia phân tích, chúng ta buộc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát triển Quỹ, trong đó giải pháp dài hơi là mở rộng đối tượng tham gia BHXH và phải hướng tới BHXH toàn dân. 

Trong khi các giải pháp khác nhằm cứu quỹ BHXH cần có chế tài chính và thời gian để triển khai thì việc triển khai hình thức BHHTTN được cho là một trong những giải pháp đã được triển khai nhằm giảm gánh nặng của quỹ BHXH, tăng an sinh xã hội cho người dân.

Theo thống kê, hiện có khoảng 80 nước trên thế giới, ngoài hưu trí cơ bản bắt buộc đã triển khai BHHTTN. Tại Việt Nam, loại hình BH này mới bắt đầu được triển khai và còn chưa được biết tới rộng rãi trên khắp thị trường. Việt Nam hiện đang có khoảng 10,8 triệu người tham gia BH hưu trí bắt buộc, nên lương hưu gắn chặt với quỹ BHXH. Việc tăng lương hưu cùng mức với tăng lương tối thiểu chung đã tạo áp lực rất lớn cho ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH.

Bên cạnh sức ép về ngân sách và quỹ bảo hiểm, bản thân các doanh nghiệp cũng có nhu cầu về BHHTTN, xuất phát từ nhu cầu của người lao động và mong muốn ổn định bộ máy, thu hút nhân sự chất lượng cao. Và trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp lập quỹ BHHT bổ sung cho lực lượng lao động của mình.

Chính vì vậy, triển khai cùng lúc nhiều loại hình BH hưu trí khác nhau như bảo hiểm hưu trí bắt buộc, BHHTTN (sản phẩm do các cty BH nhân thọ cung cấp) là một xu thế phát triển tất yếu.

Nguyễn Thanh/ Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh