THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:49

BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI – TỪ TRUYỆN LÊN PHIM

 

Lần nào cũng xúc động rưng rưng. Tôi cũng đã đọc Hồi ký điện ảnh của Đặng Nhật Minh (ĐNM) nên biết rất rõ sự ra đời khá vất vả của bộ phim danh giá này. Phải qua 13 lần duyệt, cả Tổng Bí thư Trường Chinh cũng được mời duyệt phim. Tôi cũng đọc rất nhiều đánh giá trên thông tin đại chúng : BGCĐT10 là một bộ phim đã được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.  CNN ( Mỹ): "Bao giờ cho đến tháng Mười" là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại, là một bộ phim mang nhiều bản sắc dân tộc, một bộ phim thành công của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 1980”. Bộ phim đã làm nên thương hiệu  nữ diễn viên gạo cội Lê Vân trong vai Duyên. Phim nổi tiếng thế, sao anh ĐNM còn dặn đọc lại BGCĐT10 ? Anh muốn nhắn điều gì?

      Và tôi đọc. Truyện BGCĐ10 dài 66 trang in khổ 13 x 20,5 cm. Quả thật, truyện BGCĐT10 là truyện vừa rất hay. Tôi nhiều lần xúc động dàn dụa nước mắt. Đọc xong tôi điện ngay cho ĐNM: ” Anh ơi, đọc truyện BGCĐT10, em có cảm giác truyện hay hơn phim anh ạ!”. Anh cười trong điện thoại :” Ngô Minh là người đầu tiên nhận ra sự khác biệt (hay cái hay) trong truyện so với phim đấy. Tuy truyện này đã được công bố lâu rồi, nhưng ít người đọc nó, vì ai cũng nghi rằng đã xem phim rồi, đọc lại làm gì. Chỉ có anh là chịu khó đọc và nhận ra cái khác nhau giữa hai thể loại ( văn học và điện ảnh )”.

Đặng Nhật Minh

      Trở lại với BGCĐT10, tôi nhận ra những chất liệu văn học tác giả dụng công tìm kiếm trong truyện đã làm nên chiều sâu cho bộ phim cùng tên. Đọc truyện sau khi đã nhiều lần xẻm phim, tôi có cảm giác đây là bộ phim BGCĐT10 trên giấy. Chất trữ tình của ĐNM dẫn dắt người đọc  bằng những hình tượng giàu chất nhân văn, nhân hậu, có khi vượt qua những cấm kỵ cực đoan một thời như chợ âm-dương…

       Mở đầu truyện là cảnh Duyên về làng sau chuyến vào Nam thăm chồng. Chồng chị đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Vì nỗi đau quá bất ngờ, vì đường xa mệt nhọc nên khi qua đò chị bị ngất đi, rơi xuống sông. May có Khang, một giáo viên trong làng đi cùng vớt chị lên. Khang cũng vớt lên được tờ giấy báo tử của chồng Duyên nên anh trở thành người đầu tiên biết cái tin này. Tờ giấy báo tử ấy là đầu mối dẫn câu chuyện đi vào cõi tâm linh huyền ảo. Duyên lại muốn giấu tin dữ, không muốn làm cho bố chồng già yếu đau buồn. Chị đã nhờ Khang viết những lá thư giả để làm yên lòng những người trong gia đình chồng. cảm động trước sự hy sinh chịu đựng và nỗi mất mát của Duyên, Khang đã đem lòng yêu mến cô. Anh viết thư bộc lộ những tình cảm đó với Duyên. Không may bức thư lọt vào tay bà chị dâu và câu chuyện vỡ lở. Khang mang tiếng là người yêu phụ nữ có chồng là bộ đội đang chiến đấu ở xa. Anh bị điều đi dạy ở nơi khác. Còn Duyên vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau cho đến một ngày ông bố chồng sắp hấp hối giục cô phải đánh điện xin cho chồng về. Thấy Duyên chần chừ, đứa con trai lên bảy đã tự ý lên bưu điện huyện để đánh điện cho bố. Giữa đường nó xin đi nhờ xe bộ đội. Những người lính trên xe biết rõ sự tình bèn đánh xe quay về làng. Khi họ về đến làng, đứng bên giường của bố chồng Duyên thì cũng vừa lúc cụ trút hơi thở cuối cùng sau khi tin rằng con trai mình đã về. Mọi người trong làng bây giờ mới biết chồng Duyên đã hy sinh, họ không còn hiểu lầm Khang nữa, nhưng anh đã đi rồi. Bây giờ Duyên lại mong tin anh, mong anh trở lại...  

Cảnh trong phim "Bao giờ cho đến tháng 10"

         Truyện BGCĐT10 tóm tắt là thế. Nhưng ĐNM đã làm cho người đọc nhiều lần thổn thức với những giấc mơ của Duyên. Duyên nhiều lần gặp chồng trong mơ, lần nào cũng nghẹn ngào, đau đớn. Đó là tâm linh truyền thống dân tộc. Đó cũng là thủ thuật dựng truyện cao tay của tác giả. Giấc mơ đầu tiên của Duyên trong cơn hôn mê sau trận ngã xuống sông được giáo Khang vớt lên. …”… chồng cô hơi rướn mình rồi bỗng nhiên một tay bưng lấy mặt. Máu ứa ra từ kẽ các ngón tay… Có tiếng Duyên van nài: - Anh bỏ tay xuống đi… chồng cô vẫn lắc đầu. – Anh bỏ tay xuống đi, một lần thôi, em muốn nhìn thấy mặt anh…”. Được nhìn thấy mặt chồng, thật đơn giản, nhưng lại là điều không thể đối với Duyên! Một “giấc mơ” khác, nói theo cách của các nhà phê bình văn học Mỹ-La Tinh là “hiện thực huyền ảo” đã dẫn Duyên đến một sự hóa thân. Đó là trong đêm văn nghệ, Duyên được phân công đóng vai nữ trong vở chèo cổ Trương Viên diễn tả cảnh kẻ đi người ở. …” Khán giả im phăng phắc khi nghe tiếng hát của người con gái nghẹn lại giữa chừng và trên sân khấu nước mắt Duyên bỗng trào ra…Một giây im lặng. Đột nhiên Duyên chạy ùa vào sau cánh gà…”. Duyện nhập vai đến nỗi làm hỏng vỡ chèo. Cô tâm thần chạy ra chiếc miếu thờ dưới cây muỗn già. Và đây là cuộc đối thoại giữa Thành hoàng làng ( đã hóa thành tráng sĩ ra trận với chiếc gươm dài đeo bên mình, đúng như người cùng diễn với cô trong vở chèo lúc nãy) và Duyên:

-         Ngài là thần làng ta? – Tráng sĩ cười:

     - Ta chẳng phải là thấn, là thánh gì. Ngày trước ta cũng ra đi như chồng chị và cũng để lại làng quê này một người vợ như chị bây giờ.

-         Ngài biết chồng tôi?- Duyên ngạc nhiên hỏi

Tráng sĩ gật đầu:

-         Trước khi đi xa anh ấy có gửi lại ta chiếc diều giấy, chị quên rồi sao?

Duyên trở nên bình tĩnh hơn:

-         Vâng, anh ấy đốt chiếc diều giấy ở đây, tôi còn nhớ.

Vị thần làng quay lưng lấy ở sau bệ thờ chiếc diều giấy đưa cho Duyên :

     -Tôi trả lại cho chị kỷ vật này

     - Vậy là chồng tôi không còn sao?- Duyên đau đớn hỏi.

     -  Cũng như ta, chồng chị chỉ sống trong tâm tưởng của những người đời mà thôi…”

       Viết về chiến tranh, ĐNM không theo lệ thướng là tả cảnh bom rơi, đạn nổ. Qua giấc mơ của Duyên, anh đã sáng tạo nên một hình tượng chiến tranh rất cổ điển mà hoang dã, mang đậm tính huyền ảo: “…. Anh đi trong hàng quân,súng trên vai…Phía trước là những đám cháy đỏ rực chân trời…Duyện chạy theo hàng quân gọi chồng, nhưng anh không hề quay lại. Bỗng từ đám cháy trước mặt một người phi ngụa thật nhanh tiến lại. Tới gần Duyên, con ngựa dựng hai chân trước lên, hí vang. Người trên ngựa ngả vật xuống đất. Duyên vội chạy lại quỳ xuống bên ngụa. Cô nhận ra vị thành hoàng làng. Một mũi tên cắm sau lưng ông, mãu tuôn ra đẫm chiếc áo bào. Vị thành hoàng cố sức gương dậy, chỉ gươm về phía lửa cháy rồi gục xuống trên vũng máu…”

       Đêm chợ âm-dương có lẽ là đêm Duyên gặp chồng được lâu nhất. Vị Thành hoàng làng đưa Duyên đi giữa những người trong chợ tìm chồng. Anh chìa tay ra, cô nắm lấy bản tay anh. Anh đưa cô len lỏi qua đông người bên sông. Trong phiên chợ tâm linh dân gian nay, có đoạn đối thoại giữa vợ chồng Duyên rất thẳm sâu và ám ảnh:

“…- Anh có muốn dặn dò gì em không? Người chồng vãn im lặng nhìn ra sông phía trước.

-         Sao anh im lặng thế? .Duyên hỏi tiếp:- Hay anh có điều gì oan ức?

Người chồng lắc đầu: - Anh không có điều gì oan ức cả

-         Vậy sao anh buồn?

-         Anh muốn những người con sống được hạnh phúc

-         Hạnh phúc? Duyên hỏi lại chồng. Người chồng gật dầu:

-         Chỉ có những người còn sống mới làm được điều đó. Anh không làm gì được nữa. Anh đã làm xong phần việc của mình rồi.

-         Không. Anh vẫn còn sống, lúc nào em cũng nhìn thấy anh ở bên cạnh-Duyên nói một cách sôi nổi

Người chồng lắc đầu: - Cái còn lại mãi mãi là cái không nhìn thấy được….”

          Đọc truyện, tôi rơi nước mắt với những chi tiết rất đắt giá, rất nhân văn ấy. Cháu Tuấn (con Duyên) gặp xe bộ đội, họ chở em quay về nhà ông nội. Anh bộ đội biết bố cháu, bảo cháu rằng, bố cháu đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở phía Nam. “ Đột nhiên Tuấn ngước nhìn anh bộ đội, hỏi:” Sao chú còn sống?. Đó là một câu hỏi thời đại! Một câu hỏi xoáy vào tâm can những người còn sống sau chiến tranh. Rồi chi tiết: Ông cụ hỏi Tuấn rất khẽ: -Đi đâu về đấy cháu? – Cháu đi tìm bố cháu về cho ông. – Bố cháu về???...Anh bộ đội nắm lấy tay cụ, giọng run run:- Bố… ; - Con đã về - Ông cụ nói rồi đưa tay bám chặt lấy cánh tay anh bộ đội, vuốt nhẹ xuống lưng anh. Bàn tay chạm vào khẩu sứng lục đeo bên hông anh, dừng lại hồi lâu rồi buông thỗng xuống. Ông tin rằng con trai mình đã về”. Chi tiết giả mà thực, rất thực với ông cụ, thật xúc động!

        Trong truyện BGCĐT10 có hai nhân vật rất đẹp. Đó là thầy giáo Khang và cô giáo Thơm. Khang và Thơm yêu nhau. Nhưng rồi Khang bày tỏ tình cảm với Duyên. Nhưng Khang bị đổi đi địa phương khác dạy.  Thơm  biết tất cả điều đó và nén đau khổ vì hiểu được tình yêu cao thượng của Khang. Cuối truyện, khi Duyên đưa con đến trường học và hỏi Thơm về thầy Khang. Thơm hứa khi có địa chỉ sẽ đưa cho Duyên ngay. Tác giả hạ câu kết thúc truyện:”Buổi lễ chào cờ bắt đầu như thường lệ. Thơm nắm tay Tuấn ngước nhìn lá cờ bay trên cao… Cô đưa tay gạt giọt nước mắt lăn trên má”. Đó là giọt nước mắt của tình người cao cả!

         Tôi đã dẫn hơi dài để muốn nói truyện BGCĐT10 rất hay. Tôi biết từ  truyện lên phim phải thêm bao nhiêu tài năng, tâm lực của đạo diễn, diễn viên rồi quay phim, âm nhạc, trang phục, ánh sáng…, nên làm sao mà truyện hay hơn phim được!  Anh ĐNM bảo, các chi tiết hình ảnh xúc động nhất trong truyện BGCĐT10 đều lên phim cả. Nhưng khi xem phim, các hình ảnh lướt qua rất nhanh, không kịp đọng lại. Còn khi đọc sách thì hình ảnh bày ra trên giấy trắng mực đen, trong từng cân chữ, nên người đọc có cảm giác truyện hay hơn phim. Hay lời thoại, xem phim người ta không có thì giờ ngẫm nghĩ lời thoại vì nó thoáng qua rất nhanh.  như đoạn thoại Chợ âm dương... Thoại giữa anh bộ đội và em bé trên xe....Câu thoại cuối cùng của Chị Duyên trong phim này là hỏi thăm về anh giáo Khang. …Hay tại sao trong cảnh chợ Âm Dương lại xuất hiện bóng dáng anh Khang ? Là vì trong cõi vô thức của Duyên anh Khang đã hiện diện trong cuộc sống tâm linh của cô. Còn nhiều chi tiết , lời thoại , ẩn dụ trong phim mà người xem ít người  nhận ra. Vâng có thể như thế.

         Con đường thành tựu suốt đời của ĐNM là từ truyện lên phim. Truyện là cái bắt đầu, là cái gốc của phim. Đó là một đặc điểm trong sáng tạo điện ảnh của ĐNM. Nhờ cái gốc văn chương ấy mà phim ĐNM luôn sâu đậm chất nhân văn, lay động lòng người, được thể giới công nhận. Đó là điều mà các nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh Việt Nam phải phân tích làm rõ. Truyện ngắn ĐNM thường xuất hiện trên báo Văn Nghệ như Cô gái trên sông, Ngôi nhà xưa, Tin đồn, Gặp gỡ ở cửa rừng, Thị xã trong tầm tay; Trở về, Nước mắt khô... Truyện ngắn Thị xã trong tầm tay của anh đã được giải 3 cuộc thi truyện ngắn năm 1980 của báo Văn Nghệ. Tháng 4 năm 2012 để kỷ niệm 10 năm đặt chi nhánh tại Hà Nội, NXB Trẻ đã in 10 đầu sách của 10 nhà văn Hà Nội: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu v.v....và ĐNM với tuyển tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa. Nhiều truyện ngắn, truyện dài được anh chuyển thể thành những bộ phim ám ảnh người xem như Cô gái trên sông, BGCĐT10, Thị xã trong tầm tay, Ngôi nhà xưa (phim Mùa ổi)... Như vậy, nếu không là đạo diễn điện ảnh, ĐNM là một nhà văn, một nhà văn như tất cả các nhà văn Hà Nội có danh khác.

        Từ truyện lên phim tạo ra chiều sâu và sức hấp dẫn của phim ĐNM. Trước đây điện ảnh Việt Nam coi kịch bản điện ảnh là văn học ( Kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh được xếp vào thể loại văn học). Ngày nay nhiều người làm phim viết kịch bản điện ảnh không giống trước. Họ không coi trọng yếu tố văn chương mà chỉ chú trọng tới kỹ thuật, giống như một biên bản. Vì không đi từ truyện nên nhiều đạo diễn phim chỉ gạch dầu dòng, vừa quay cảnh này vừa nghĩ cảnh quay tiếp. Tôi xem phim Việt Nam hôm nay thấy chi tiết cuộc sống lên phim không đắt, lời thoại thiếu chiều sâu. Nhiều bộ phim chỉ tập trung vào chuyên gay cấn: tiền, tình, tù, tội,  với những cảnh quay rượt đuổi, làm tình, hôn, trang phục hở hang.v.v…Phim ảnh như thế chỉ là những trò giải trí dành cho “con sen” hay những khán giả con nhà giàu phõn chí, chứ không chinh phục được tầng lớp khán giả có văn hóa.

         Phim ĐNM (tiêu biểu là BGCĐT10) là một bài học lớn ngõ hầu giúp cho  điện ảnh Việt Nam thoát được cái vấn  nạn hời hợt, thiếu chất tư tưởng... Điện ảnh phải lấy văn chương làm gốc, mới đứng chân được lâu bền trong lòng khán giả như phim ĐNM. Vâng, hãy bắt đầu từ nền tảng văn học, bởi văn học làm cho điện ảnh trở nên sâu sắc hơn, lắng đọng hơn mặc dù mỗi lĩnh vực có một thứ ngôn ngữ riêng.  

Ngô Minh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh