Các kiểu chán sống, tự tìm cái chết
- Dược liệu
- 03:11 - 01/12/2016
Đứng trước của tử vì tích tắc thiếu kiềm chế
Mới đây, Khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận một bệnh nhân nam, 52 tuổi với vết thương ở ngực trái do dao đâm. Tình trạng của bệnh nhân lúc nhập viện: choáng, sốc, huyết áp và mạch không đo được, vã mồ hôi, niêm mạc tái nhợt, ngực trái có cây dao cắm vào.
Sau khi tiếp nhận từ Khoa Cấp cứu, các bác sỹ của Khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực đã nhanh chóng phẫu thuật lấy con dao ra khỏi lồng ngực, tiến hành cầm máu. Sau khoảng 30 phút, huyết áp đã tăng lên được 120/70, mạch đo được 100 lần/phút. Theo Bác sỹ Trần Văn Sơn, Trưởng khoa, khi tiếp nhận, bệnh nhân vẫn còn con dao dài 30cm cắm ở trong lồng ngực khoảng 20cm, đâm thủng phổi nhưng rất may, dao đi lệch màng tim 1cm và được đưa vào kịp thời nên bệnh nhân đã được cứu sống. Người nhà bệnh nhân cho biết, do thua cá độ bóng đá, về nhà lại bị vợ cằn nhằn nên người đàn ông này không kiềm chế được đã lấy dao đâm vào ngực để tự tử.
Người dàn ông dùng dao để tự tự khi cãi nhau với vợ
Con dao dài được lấy ra từ vết cắm rất sâu trong lồng ngực bệnh nhân
Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp nhận một nhân 17 tuổi là nữ sinh lớp 12 của một trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Tân Bình (TP.HCM). Sau hai ngày nhập viện, dù còn còn khá xanh nhưng tinh thần em đã tốt hơn rất nhiều. Tôi hỏi vui: “Lần sau giận mẹ còn uống nữa không?”. Th. cười: “Em chừa rồi. Em biết mình dại rồi ạ”.
Th. cũng sẵn lòng chia sẻ: “Hôm đó mẹ la nhiều quá, giận mẹ, em không biết làm thế nào nên lấy ngay cây mã tiền (một loại thuốc nam) có sẵn trong nhà. Cây này nhà em luôn có vì ba mang về để ngâm rượu. Trước đây thỉnh thoảng mẹ cũng hay dọa em là uống cây này để tự tử nên em biết được “công dụng” của cây này”. Th. vẫn còn chút cảm giác sợ hãi khi có bất cứ một vận động ngoại cảnh nào ở gần. Theo Thầy thuốc ưu tú. TS.BS Hoàng văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc đó là phản xạ tự nhiên, chỉ cần một cái vỗ nhẹ vào người, thậm chí một vận động mạnh ngoại thân là cơ thể bị co dúm lại. Đối với trường hợp này, bệnh nhân rất sợ những tiếng động sát bên, thậm chưa đụng tới cơ thể là họ đã tự co quắp lại. Đây là tác dụng phụ của cây mã tiền mà nếu dùng quá nhiều có thể dẫn đến tử vong.
Cô gái 17 tuổi này đã may mắn được cứu sống sau phút nông nổi. Trong ảnh TS.BS Hoàng văn Quang đang hỏi thăm bệnh nhân
Cách đây một thời gian, cũng khoa này tiếp nhận một bệnh nhân uống thuốc trừ sâu chỉ vì làm ăn thua lỗ, đang ôm một khoản nợ lớn. Đó là một bệnh nhân nam đã bước vào tuổi trung niên. Với món nợ từ công việc kinh doanh đổ vỡ, không biết khi nào mới trả xong, bế tắc và cùng quẫn, người đàn ông này đã tìm đến cái chết bằng việc uống thuốc trừ sâu. Rất may, người nhà phát hiện kịp thời và đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sỹ đã rất vất vả để đem lại mạng sống cho bệnh nhân trên.
Có thể nói, guồng quay của cuộc sống hiện đại đã gây nhiều áp đã gây nhiều áp lực tới con người, từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề ngoài tầm kiểm soát của lý trí. Nhiều người cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng, chán nản, bế tắc với chính bản thân mình, hệ quả là tìm đến cái chết để kết thúc bi kịch. Khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Thống Nhất (Tp. Hồ Chí Minh) có tháng tiếp nhận năm bảy trường hợp tự tử. Theo Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Hoàng Văn Quang – Trưởng Khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Thống Nhất, đa phần người tự tử đều còn khá trẻ, ở độ tuổi dưới 40. Mặc dù ở độ tuổi này, con người đã đủ chín chắn để sống thật nghiêm túc với cuộc đời của mình. Nhiều người đã có sự nghiệp, có gia đình, có mối quan hệ xã hội và có khoảng thời gian vừa đủ để gọi là từng trải nhưng khi bế tắc hoặc chỉ vì một vài lý do rất đơn giản thậm chí lãng xẹt là có thể tìm đến cái chết.
Chấn thương tâm lý là không hề nhỏ
Nếu để ý, cụm từ tự tử xuất hiện khá nhiều, đến nỗi tâm lý đón nhận của con người cũng đã trở nên bão hòa khi cứ vài ngày lại nghe đâu đó một, hai người nhảy cầu, uống thuốc… tự tử. Chúng tôi gặp Nguyễn Tiến A (25 tuổi), kế toán của một công ty xuất nhập khẩu tại TP. Hồ Chí Minh, khi A vừa trải qua đợt súc rửa ruột toàn diện do uống thuốc ngủ tự tử. A kiên quyết không gặp người lạ, vì mặc cảm với hành động của mình. Mẹ A bỏ hết công ăn việc làm chầu chực ở bệnh viện chăm con. Nước mắt ngắn dài, bà tâm sự, do gia đình không đồng ý cho A cưới cô gái người nước ngoài làm vợ. A rơi vào trạng thái trầm cảm một thời gian và một ngày tìm đến cái chết.
Hôm đó, A đi làm về sớm, vào phòng khóa cửa trong và mở nhạc thật to. Đến bữa cơm không thấy A xuống ăn, mọi người nghĩ chắc do mệt nên để cậu nghỉ ngơi khi nào đói thì ăn sau. Đến nửa đêm, gia đình vẫn thấy tiếng nhạc rất to trong phòng, em gái A đập cửa không được bốc điện thoại lên gọi vẫn không thấy A nghe máy. Nghĩ đến chuyện chẳng lành, cha A đã phá cửa xông vào thì thấy cậu đang chìm sâu vào giấc ngủ, lay gọi thế nào cũng không dậy. Dưới sàn nhà còn viên thuốc rơi ra, đoán A đã uống thuốc tự tử nên lập tức gọi xe cấp cứu. Qua xét nghiệm cho thấy, A dùng thuốc ngủ thuộc nhóm Benzodiazepine với liều khá nặng. Do phát hiện kịp thời nên cứu sống được. Tuy nhiên, theo bác sĩ, thì trường hợp của A sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh sau này, có thể gây trầm cảm nếu tiếp tục gặp phải những cú sốc tâm lý.
Có những trường hợp còn tìm đến cái chết một cách khủng khiếp và đau đớn. Chị Hoàng T. D (37 tuổi, quê Lâm Đồng) đã quyết định kết thúc cuộc sống bằng việc uống axit. Từ Lâm Đồng xuống TP. HCM làm công nhân. Lấy chồng sinh được một đứa con thì phát hiện chồng ngoại tình, chị D quá đau khổ đã đi mua nửa lít axit về uống. Nhưng vừa mới uống được một ngụm thì sức nóng của axit mạnh quá gây bỏng miệng, bỏng cổ họng khiến chị không thể tiếp tục. Chị D được hàng xóm đưa vào bệnh viện trong tình trạng khoang miệng co rút, thành họng dính vào nhau. Bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật cấy ghép thành họng, nong thực quản. Chị D được cứu sống nhưng di chứng để lại suốt đời. Sau thời gian nằm viện, chị D không muốn chết vì chồng nữa mà muốn chết vì chính sự đau đớn của vết thương do axit gây ra và sự xấu xí của cơ thể.
GS.TS.TTND Nguyễn Đức Công: “Di chứng về tâm lý không hề nhỏ đối với những trường hợp tự tử”
Theo TS.BS Hoàng Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức Chống độc Bệnh viện Thống Nhất, các nhóm thuốc người tự tử hay dùng gồm các loại như: Phenobarbital, Benzodiazepine (thuốc ngủ Seduxen) và nhóm ức chế 3 vòng Amitriptyline. Nhóm này khi uống vào lúc đói, uống quá liều thì sẽ gây biến chứng của tình trạng ngủ, như ức chế tim, gây ức chế thần kinh trung ương, gây xoắn đỉnh, thông thường chỉ khoảng 30 phút là đi vào giấc ngủ. Đối với bệnh nhân tự tử bằng thuốc, bệnh viện tiến hành cứu chữa tức thời, điều trị giải độc, sau đó mới đến các bước xét nghiệm định tính nồng độ thuốc.
“Nhiều trường hợp được cứu sống, khi lấy lại bình tĩnh họ thường tâm sự với chúng tôi rất thật lòng. Theo đó, đối tượng là nữ tìm đến cái chết bằng cách tự tử nhiều hơn nam giới. Trong đó, các bạn trẻ lập gia đình sớm, công ăn việc làm không ổn định, áp lực cuộc sống dẫn đến trầm cảm, ức chế, đã đi đến việc muốn kết thúc cuộc đời. Bộ phận trung niên và người cao tuổi thì lại bất mãn với gia đình, nhiều nhất là chồng cờ bạc, ngoại tình, vỡ nợ, khi họ không thể chịu đựng nổi nữa, thì họ không thể làm gì hơn ngoài việc tìm đến cái chết”. BS Quang cho biết.
Nói về hậu quả của những trường hợp tự tử, GS.TS.TTND Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết thêm: “Nếu phát hiện muộn, đã có biến chứng thì những trường hợp tự tự dù được cứu sống cũng vẫn ảnh hướng đến các cơ quan như: tim, gan, thận, lâu nữa sẽ gây viêm phổi. Những người đã trải qua một lần tự tử thì chắc chắn thần kinh của họ không còn được bình thường như trước. Hậu quả lớn nhất chính là chấn thương tâm lý không hề nhỏ cho chính bệnh nhân đó và cho gia đình của họ. Vì thế để tránh hiện tượng này xảy ra trong tương lai, lối sống của mỗi con người, sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp, gia đình đối với từng cá nhân là rất quan trọng. Sự bế tắc, nhất là về tinh thần của con người rất cần được giải tỏa. Trong tích tắc của sự u tối trong suy nghĩ, mạng sống của con người có thể bị đánh đổi”.