CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 09:10

Báo động tình trạng trầm cảm ở trẻ em

Trầm cảm được xem là bệnh của xã hội hiện đại

Bố mẹ thường xuyên đi công tác xa nhà, nên bé gái H.Q.H. (15 tuổi ở Hà Nội) chủ yếu sống cùng bà nội. Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, bỗng H. lầm lì, ít nói, sao nhãng việc học hành. Chỉ đến khi giáo viên chủ nhiệm phản ánh về tình hình học tập ngày một sa sút, mẹ H. mới để ý thấy con gái có những biểu hiện bất thường, thường xuyên mất ngủ, thậm chí còn tìm hiểu về cách tự sát trên mạng xã hội. Sau khi được khám bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi trung ương kết luận, H. có dấu hiệu của trầm cảm nặng. Những câu chuyện trẻ bị trầm cảm và nảy sinh các hành vi tiêu cực như trên không còn là cá biệt.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi bị mất ngủ, rối loạn lo âu.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi bị mất ngủ, rối loạn lo âu.

Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh trầm cảm sẽ tiến triển nặng, khiến trẻ mệt mỏi, buồn chán, bi quan. Điều đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều trẻ xuất hiện ý nghĩ muốn tự tử, vì không còn cảm thấy hứng thú trong cuộc sống. Ngay tại bệnh viện, các bác sĩ đều phải giám sát chặt việc sử dụng các thuốc hướng thần. Bởi, ở những trẻ khi mắc trầm cảm nặng, dễ nảy sinh suy nghĩ tích trữ thuốc ngủ để tự tử… Trầm cảm cũng được xem là bệnh của xã hội hiện đại. Đặc điểm chung của những trẻ này là gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, cha mẹ, hoặc do áp lực của việc học tập, rồi trẻ bị nghiện trò chơi điện tử (games), mạng xã hội…

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, bệnh viện đã điều trị cho một bé trai 12 tuổi (ở Hà Nội) đang đi học bình thường, nhưng đợt nghỉ học vì dịch Covid-19, ở nhà chơi game quá nhiều, dẫn đến trầm cảm. Lúc nào bé trai này cũng chỉ ngồi một chỗ, không thích tiếp xúc với ai. Có những trường hợp đang đi du học nước ngoài, buộc phải về nước vì bị trầm cảm, u uất…

Theo báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4% đến 6%. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe tâm thần cho rằng, bệnh trầm cảm không tự biến mất, nếu không điều trị. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng trầm cảm tiếp tục trong nhiều tuần hoặc vài tháng, thậm chí nhiều năm…

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở nước ta là từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Một khảo sát dịch tễ học được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố của nước ta cho thấy, mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em cũng vào khoảng 12%, tương đương với hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở trẻ em là các vấn đề hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn...) và các vấn đề hướng ngoại (tăng động và giảm chú ý…).

Cần tăng cường kết nối trực tiếp với người thân, bạn bè, thầy cô giáo

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiền (Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, người mắc chứng trầm cảm nói chung thường là do phải tự mình đối mặt với những áp lực, lo âu, thấp thỏm, những nỗi niềm không biết bày tỏ cùng ai. Số ít khác trầm cảm do cả sa sút trí tuệ, rối loạn giấc ngủ… Chứng trầm cảm thường diễn tiến theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, người bệnh thường chán nản không lý do, không muốn làm gì, thích ở một mình. Giai đoạn 2, người bệnh cảm thấy sợ hãi, muốn buông xuôi, ảo tưởng, khó ngủ, không muốn tâm sự… Giai đoạn 3, người bệnh tuyệt vọng, mất niềm tin, bi quan; một số người hướng đến việc tự gây tổn hại cho chính mình… Chứng trầm cảm cần được phát hiện kịp thời và điều trị bằng phương pháp tâm lý và hóa dược.

Theo Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, việc mất kết nối giữa các thành viên trong gia đình giai đoạn hậu Covid-19 dễ dẫn tới chứng trầm cảm ở người trẻ. Việc cần tăng cường kết nối, chia sẻ giữa người với người trong bối cảnh xã hội hiện đại, thông tin trên mạng xã hội nhiều, có thể tác động theo các mức độ khác nhau với từng người.

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà Văn hóa phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chúng ta vừa trải qua giai đoạn dài chống dịch Covid-19 với nhiều vấn đề phải đối mặt, từ đó dẫn đến việc những thành viên trong gia đình, trường lớp, xã hội dần mất kết nối với nhau, do ai cũng phải đối mặt với vấn đề lo lắng của riêng mình. Điều này khiến các bạn trẻ, nhất là trẻ vị thành niên và những người sống hướng nội trở nên cô đơn hơn, dễ trầm cảm hơn”.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, việc tăng cường kết nối giữa người thân, bạn bè, thầy, cô giáo một cách trực tiếp chứ không phải thông qua internet sẽ giúp các bạn trẻ dễ bộc lộ bản thân, thấy được chia sẻ. Cùng với đó, người thân cũng sẽ sớm phát hiện những biểu hiện của chứng trầm cảm để có những phương án giải quyết kịp thời, giúp các bạn trẻ sớm vượt qua áp lực bản thân để hòa nhập và vươn lên sau những khó khăn.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh