THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:58

Bảo đảm điều kiện để học viên yên tâm cai nghiện

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc.

 

Cơ sở xuống cấp, quá tải

Báo cáo nhanh tại buổi làm việc, ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho biết, đến sáng ngày 7/11, có 133 học viên bỏ trốn, đến cuối giờ chiều cùng ngày đã đưa về lại 73 học viên.

Trước đó, tại Cơ sở cai nghiện Đồng Nai đã xảy ra 3 vụ học viên điều trị cai nghiện, đập phá cơ sở thoát ra ngoài. Đỉnh điểm là đêm 23/10, 562 học viên đã phá cửa phòng, đục thủng tường rồi đồng loạt bỏ trốn, đến nay còn 80/562 học viên chưa tìm về được.

Theo ông Lộc, xảy ra tình trạng trên là do mâu thuẫn, một số học viên đã manh động, kích động lôi kéo các học viên khác bỏ trốn. Mặt khác, do số lượng học viên quá đông trong khi lực lượng cán bộ quản lý quá mỏng chỉ có 44 cán bộ/1481 học viên. “Nguyên nhân sâu xa là do không gian sinh hoạt bị hạn chế, các học viên khi ở ngoài được tự do thoải mái, khi vào cơ sở chịu sự quản lý thì ức chế. Cộng với tâm lý trước khi bị đưa vào cơ sở phải qua xét xử của tòa án xem nên sợ có án tích”, ông Lộc cho biết.

Đại diện Viện KSND và Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, cơ sở vật chất không đảm bảo là nguyên nhân gây ra tình trạng học viên bỏ trốn. “Một trong những nguyên nhân là do trong quá trình tiếp nhận đã không sàng lọc được đối tượng. Các học viên khi đưa vào cơ sở đều sinh hoạt tập trung,  gây ra sự ức chế, dễ bị kích động, hùa theo những đối tượng cầm đầu trước, manh động, kích động lôi kéo”, đại diện ngành Công an nêu ý kiến.

Công an tỉnh Đồng Nai đề xuất, về cơ bản lâu dài cần khắc phục xây dựng ngay cơ sở, tăng cường lực lượng bảo vệ, quản lý đối tượng. Đối với những học viên quá khích cần phải có biện pháp xử lí mạnh để tránh tình trạng tâm lý lây lan. Ngành Công an sẽ hỗ trợ huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ về chuyên môn, tâm lý...Khẳng định, Cơ sở cai nghiện của huyện đã quá cũ, chật chội, xuống cấp trầm trọng, ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch huyện Xuân Lộc cho rằng, với khoảng 20 - 40 học viên/phòng, mỗi học viên chỉ đủ sinh hoạt trong không gian 1m2, trong khi quy định là 2,5 m2 đã không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại. Các khu lại quá gần nhau, rất dễ gây hiệu ứng lây lan.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi, động viên các học viên tại cơ sở cai nghiện tỉnh Đồng Nai.

 Theo đại diện ngành Y tế Đồng Nai, hiện đối với những đối tượng nghiện ma túy đá chưa có giải pháp nào để cai nghiện hiệu quả, biện pháp uống Methadone hầu như không có tác dụng.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Ngay sau khi xảy ra sự việc, tỉnh đã có cuộc họp khẩn cấp và nhận định, do tình hình cơ sở quá tải và không phù hợp (xây dựng từ năm 1993 chủ yêu dành cho đào tạo nghề). Tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại tại các địa phương có số lượng đưa học viên vào Cơ sở điều trị nghiện. Từ tháng 3/2016 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có chỉ đạo sửa chữa nâng cấp Cơ sở với kinh phí là 15 tỷ đồng. Đây là cơ sở được tận dụng lại nên rất tạm bợ. Chủ tịch tỉnh đã xuống tận nơi để kiểm tra và xem xét xây dựng một cơ sở khác”.

Cũng theo bà Hiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, là do lực lượng cán bộ nhân viên của cơ sở quá mỏng, biên chế hiện chỉ 44 người, tỉnh đã cho phép HĐLĐ lên 70 người nhưng việc tìm kiếm nhân sự rất khó khăn, lương của cán bộ lại thấp, chỉ trên 2 triệu đồng/người. Đời sống khó khăn cùng áp lực công việc khiến việc tuyển hợp đồng lao động khó khăn. “Trước mắt, tỉnh sẽ thành lập hội đồng để rà soát, nhằm xác định trong số hơn 1.400 học viên, ai có người bảo lãnh sẽ cho về để giảm tải cho cơ sở cai nghiện...”, bà Hiệp cho biết.

Bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học viên

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Thủ tướng Chính phủ đang rất quan tâm đến sự việc trên và đã có công điện chỉ đạo xung quanh vấn đề tăng cường quản lý và đảm bảo duy trì hoạt động của các cơ sở cai nghiện”.

Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, tỉnh Đồng Nai phải thành lập ngay hội đồng để rà soát lại  trong số 1481 đối tượng đang cai nghiện tại cơ sở, để phân loại, số nào có nơi cư trú ổn định, có địa phương bảo lãnh, đối tượng đang chữa bệnh, đối tượng sử dụng ma túy nhưng chưa đến mức nghiện thì có thể đưa về địa phương và các cơ sở y tế chữa bệnh để giảm tải số lượng học viên. “Sàng lọc gấp để phân loại những đối tượng quá khích hoàn tất hồ sơ có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục. Lắp đặt camera ở khu vực xung quanh, tăng cường lực lượng bảo vệ cả bên trong và ngoài cơ sở, giao cho Cục PCTNXH tập huấn kỹ năng, chuyên môn...”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Lực lượng chức năng đưa các học viên trở lại cơ sở cai nghiện. 

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Hiện cả nước có  202. 604 người có hồ sơ quản lý nghiện tập trung, với 132 cơ sở cai nghiện nhưng vấn đề đặt ra là tại sao ở địa phương khác không xảy ra tình trạng này, trong khi Đồng Nai không phải là địa bàn nóng lại để xảy ra liên tiếp sự việc trên?”.

Bộ trưởng nhận định, nguyên nhân sâu xa nhất chính là tình trạng quá tải, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Theo báo cáo của tỉnh thì cơ sở chỉ có khả năng tiếp nhận và quản lý từ 700 - 800 học viên trong khi số học viên tại cơ sở hiện nay đã đã lên gấp đôi, trong đó 30% đối tượng có tiền án tiền sự, là những đối tượng nguy hiểm, phức tạp, tâm lý thích sống tự do, luôn có tư tưởng muốn thoát ra ngoài. “Vì vậy, trước mắt tỉnh phải thuê ngay địa điểm mới có đủ điều kiện cơ sở vật chất do ngành lao động - thương binh và xã hội trực tiếp quản lý trong lúc chờ đợi xây dựng cơ sở mới; lực lượng cán bộ hiện nay quá mỏng, chưa đủ chuyên môn và kinh nghiệm cũng cần phải nhanh chóng khắc phục, đặc biệt phải chú trọng nâng cao đời sống của cán bộ quản lý để họ không bị áp lực với công việc và yên tâm công tác, gắn bó với ngành”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.

Bộ trưởng Dung cũng yêu cầu, tỉnh Đồng Nai nên học tập kinh nghiệm ở các tỉnh khác để phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban ngành, kiên quyết không để tái diễn tình trạng học viên bỏ trốn, gây rối tình hình an ninh trật tự địa phương.Sau buổi làm việc, Bộ trưởng đã trực tiếp xuống cơ sở cai nghiện, đi thăm hỏi các học viên ở khu E, khu G và ghi nhận sự xuống cấp, quá tải là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc quá khích, đập phá, gây rối và bỏ trốn khỏi cơ sở.

Tăng cường công tác quản lý, cai nghiện

Ngày 7/11, Thủ tướng  Chính phủ đã có Công điện số 1995/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện ma túy. Công điện nêu rõ:

Thực hiện Nghị quyết số 77/2014/QH13, trong đó có nội dung về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết: Số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 về tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm soát và cai nghiện trong tình hình mới; Nghị quyết số 86/NQ - CP, số 97/NQ -CP, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và 10/2016 về tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở cai nghiện. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ - TTg ngày 28/12/2013 về đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 1640/QĐ -TTg ngày 14/7/2016 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Để công tác quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy trên cả nước đạt hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan thực hiện quản lý chặt chẽ học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: Nghị quyết số 89/NQ - CP ngày 10/10/2016, Nghị quyết số 97/NQ - CP ngày 10/10/2016 về việc rà soát, phân loại người nghiện ma túy khi tiếp nhận vào cơ sở cai nghiện; tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở cai nghiện; hoàn thành việc chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy trên toàn quốc theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ trước ngày 31/12/2016, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

 Bộ Công an, chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện tốt việc xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy, nhất là người không có nơi cư trú ổn định; phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH tăng cường, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực có cơ sở cai nghiện ma túy; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát những quy định của pháp luật trong việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.Bộ TT&TT, Đài THVN, Đài TNVN, TTX Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cai nghiện ma túy.   

NGỌC ƯỚC

ĐINH HOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh