Báo chí trong công cuộc “phò chính, trừ tà”
- Văn hóa - Giải trí
- 08:03 - 21/06/2022
Nhiều vụ án lớn được báo chí phát hiện
Phải nói rằng trong hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn ở một số cơ quan Trung ương và địa phương được phát hiện, đưa ra trước ánh sáng công luận và xử lý đến nơi đến chốn đều có công đầu của báo chí. Ví như: Vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỷ đồng cùng bản án sơ thẩm “nhẹ như lông hồng”; vấn đề nhà công vụ biến thành nhà tư, vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka và những “ưu ái” khó hiểu từ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; vụ lừa đảo do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu; vụ tham nhũng của cựu đại biểu Quốc hội Mạc Kim Tôn; vụ “ăn chặn” tiền cứu trợ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh); vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (Đề án 112); vụ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); vụ chạy hạn ngạch (quota) dệt may tại Bộ Thương mại; vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO); vụ Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP. Hồ Chí Minh…
Nổi bật trong những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đã được báo chí phát hiện, điển hình nhất đó chính là vụ án Trịnh Xuân Thanh. Bắt đầu từ những hình ảnh về chiếc xe Lexus 570 trị giá hơn 5 tỷ đồng mang biển số xanh 95A-0699 của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chạy trên đường phố miền Tây được người dân chụp và đăng tải lên mạng xã hội vào cuối tháng 5/2016, ngay lập thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Và tại thời điểm đó hàng chục cơ quan báo chí lớn đã vào cuộc thông tin: “Phó Chủ tịch tỉnh bất ngờ đem xe riêng hạng sang sung công quỹ” (VietNamNet ngày 31/5/2016); “Xe Lexus hơn 5 tỷ của Phó Chủ tịch Hậu Giang được gắn biển xanh” (VnExpress ngày 1/6/2016); “Phó Chủ tịch tỉnh đổi xe 5 tỷ biển xanh sang biển trắng” (VietNamNet ngày 1/6/2016); “Nhập nhằng biển trắng, biển xanh” (Nhân Dân điện tử)… Khi đó, ông Trịnh Xuân Thanh và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giải thích, do địa phương còn khó khăn, chưa thể bố trí xe nên ông Thanh mượn của bạn chiếc xe hơn 5 tỷ đồng này để đi lại, phục vụ công tác. Không chấp nhận sự giải thích của tỉnh Hậu Giang, các cơ quan báo chí đã nhập cuộc để điều tra, làm rõ sự việc. Từ đó, hàng loạt sai phạm của đối tượng trong quá khứ đã được báo chí đưa ra trước ánh sáng công luận, giúp cho các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý vụ việc, đối tượng theo đúng quy định pháp luật.
“Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá; tham nhũng từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Đánh giá về vai trò của công cuộc phòng, chống tham nhũng, ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận xét, báo chí chính thống không chỉ “dẹp loạn” tin giả mà còn tạo được sự áp đảo đối với thông tin không chính thống, hiên ngang đấu tranh với những tiêu cực trong đời sống xã hội. Các tác phẩm báo chí mang tính chất phát hiện, là bước khởi đầu cho những cuộc điều tra sâu rộng, sau đó đã phanh phui được vụ án vô cùng nghiêm trọng, gây thất thoát cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Không những thế, báo chí còn theo đuổi đến cùng, làm sáng tỏ các vụ việc, không ngại “vùng cấm”… “Có thể khẳng định rằng, với trách nhiệm xã hội hết sức to lớn, trong những năm qua, báo chí đã tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo. Báo chí vừa tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh chống tham nhũng, vừa trực tiếp tham gia vạch trần không ít vụ án tham nhũng, tiêu cực, cung cấp nhiều thông tin quan trọng để cơ quan chức năng lấy làm căn cứ vào cuộc điều tra”, ông Lợi đánh giá.
Vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà
Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức là minh chứng thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với báo chí trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng; vừa tạo thêm động lực để báo giới tiếp tục sự nghiệp cao cả của mình.
Không phụ sự tin tưởng ấy, trong những năm qua, hàng loạt tác phẩm báo chí lớn về đề tài chống tham nhũng, lãng phí đã ra đời và được tôn vinh. Ở mùa giải đầu tiên, đã có 1.126 tác phẩm gửi về tham dự. Ở Mùa giải thứ hai của Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” chứng kiến một cuộc “bứt tốc” về chất lượng các tác phẩm dự giải. Mùa giải thứ ba, mặc dù gặp nhiều tác động của dịch bệnh, song vẫn có hơn 1.181 tác phẩm của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương gửi dự thi.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, sau 3 lần tổ chức, Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo. Nhiều nhà báo đã không ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, vượt qua mọi cám dỗ, cạm bẫy, vượt qua nỗi lo “cơm áo” thường ngày để dấn thân bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá; tham nhũng từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí nói chung và của các cơ quan báo chí phối hợp nói riêng. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực này, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của báo chí. Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tham gia giám sát, phản biện, theo dõi quá trình xử lý các vụ việc; phát hiện những hạn chế, bất cập của thể chế pháp luật, cơ chế chính sách dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; nêu gương và nhân rộng những tấm gương tốt, việc làm tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, tốt đẹp.
“Tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều nhà báo đã không ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, vượt qua mọi cám dỗ, cạm bẫy, vượt qua nỗi lo “cơm áo” thường ngày để dấn thân bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam.