THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:40

Báo chí quốc tế hoan nghênh hai nước đối thoại những khác biệt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama.

 

New York Times: Tổng thống Obama đã nồng ấm chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà Trắng và nói về chuyến thăm tương lai với Việt Nam.

Đây là một cơ hội khác để ông Obama - người tuần trước tuyên bố sẵn sàng khởi động lại quan hệ ngoại giao với Cuba, thể hiện quyết tâm của ông muốn giải quyết mọi việc với kẻ thù thông qua ngoại giao hơn là sự ghẻ lạnh.

"Tôi đã nhận được lời mời đến thăm Việt Nam. Tôi cho đó là chỉ dấu cho sự tiến bộ đáng kể diễn ra trong quan hệ giữa hai nước chúng ta trong 20 năm qua" - ông Obama nói tại phòng Bầu dục khi ngồi bên ông Trọng. "Tôi chắn chắn trông đợi đến thăm đất nước tươi đẹp của các vị vào một thời điểm nào đó trong tương lai".

Sputnik: Mỹ và Việt Nam vẫn còn có những bất đồng, nhưng Washington đang quan tâm đến cuộc đối thoại ngoại giao.

BBC: Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ với Tổng Bí thư ĐCS kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ 20 năm trước đây. Ông Obama nói rằng mặc dù triết lý chính trị khác nhau, hai nước đang làm sâu sắc hơn hợp tác song phương.

BBC cho hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mô tả cuộc đàm phán là "thân mật, có tính xây dựng, tích cực và thẳng thắn".

Reuters: Đây là cuộc gặp lịch sử ở Nhà Trắng, đánh dấu 2 thập kỷ gắn kết với nhau giữa hai cựu thù. Reuters dẫn lời Tổng thống Obama nói hai bên đã có thảo luận thẳng thắn về các khác biệt về nhân quyền, tự do tôn giáo cũng như TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).

VOA: Bên cạnh vấn đề TPP, nhân quyền, vấn đề Biển Đông và hợp tác quốc phòng song phương cũng sẽ là những chủ đề được bàn đến bên cạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ và có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama được xem là một sự kiện nổi bật trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt–Mỹ.

Tổng thống Obama ngay từ đầu khẳng định đây là một cơ hội tốt để trao đổi nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước Việt-Mỹ.

Truyền thông quốc tế nhận định sự kiện này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía, khi Mỹ với chiến lược "xoay trục về Châu Á" đang cần có sự hiện diện nhiều hơn trong khu vực Biển Đông mà Mỹ cũng đang có lợi ích trong đó.

Trong cuộc chiêu đãi tại Bộ Ngoại giao ngày 7.7, Phó Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử chuyến thăm của Tổng Bí thư, nói rằng lần đầu tiên ông ra tranh cử tổng thống khi mới 29 tuổi có quan điểm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Phó Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định: "Khi chúng tôi tiếp tục chiến lược tái cân bằng về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì những đối tác như Việt Nam chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này. Chúng ta chia sẻ lợi ích về hòa bình và ổn định trong khu vực, chia sẻ lợi ích trong khối ASEAN thịnh vượng và tăng cường quan hệ giữa hai nước chúng ta".

RFI: Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton, sau khi thiết lập bang giao với Hà Nội, đã đến Việt Nam trong động thái hòa giải lịch sử và Tổng thống Obama sẽ tiếp nối chiến lược này. Chính quyền Obama xem Châu Á - Thái Bình Dương là mục tiêu chiến lược trong chính sách đối ngoại, không che dấu quyết tâm cải thiện và tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Reuters dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết rằng nếu là 20 năm trước đây, rất ít người có thể tưởng tượng sẽ có một cuộc gặp chính thức giữa các nhà lãnh đạo giữa hai nước. Cả hai nhà lãnh đạo đều lưu ý rằng Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến trong mối quan hệ giữa hai bên.

"Tôi tin chắc rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai", Reuters trích dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh