THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:22

Báo chí góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất

Các phóng viên báo chí tham gia tập huấn.

Các phóng viên báo chí tham gia tập huấn.

Ngày 28/10 tại Hà Nội, Vụ bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp cùng Cơ quan Liên hợp quốc vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức chương trình tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn ông Lê Khánh Lương - Quyền Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, truyền thông trong lĩnh vực bình đẳng giới được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương, đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Từ năm 2016 khi Việt Nam bắt đầu triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới đã có những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng cũng như các địa phương. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bình đẳng giới, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về chính sách, pháp luật về bình đẳng giới của công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, chuyển đổi hành vi và sự ủng hộ tích cực của toàn xã hội trong công tác bình đẳng giới, ngày 23-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1790/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, trong đó, việc triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm là một trong 5 mục tiêu của chương trình.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021. Chỉ số Phát triển con người (HDI) năm 2021 tăng hai bậc so với năm 2019.

Theo ông Lê Khánh Lương, việc phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực cả trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách nhằm đảm bảo mọi người dân được tham gia, đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại. “Để làm được điều này, cần sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí, đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, các cộng tác viên truyền thông” - Quyền Vụ trưởng vụ bình đẳng giới nhấn mạnh.

Các đại biểu thể hiện cam kết xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Các đại biểu thể hiện cam kết xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Trong khuôn khổ chương trình, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về công tác truyền thông và hiểu biết sâu sắc về bình đẳng giới như PGS.TS Đinh Thu Hằng, Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình; TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; chuyên gia của UN Women và nhiều đại biểu, nhà báo là những người đã gắn bó lâu năm với lĩnh vực bình đẳng giới… đã cùng chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến truyền thông về bình đẳng giới; thực trạng truyền thông về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam; nguyên tắc truyền thông về bình đẳng giới; cách thức đặt vấn đề, đưa tin và giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới…

Năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định chọn chủ đề Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, nhằm khẳng định ưu tiên và cam kết trong việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Thời gian thực hiện tháng hành động từ ngày 15/11-15/12 với các thông điệp truyền thông:

- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2022

- Hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2022.

- Thực hiện Bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh.

- Đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển bền vững của đất nước.

- Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

- Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.

- Thực hiện Bình đẳng giói là tiêu chí của tiến bộ, văn minh.

- Bình đẳng giới góp phần đầu tư cho tương lai, công bằng xã hội và phát triển bền vững.

- Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

- Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại.

- Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

- Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại

- Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.

- Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục.

- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

- Hãy lên tiếng khi bị bạo lực, mọi người sẽ giúp bạn!

 

 

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh