THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:19

Báo chí - “Người gác cổng thông tin”

Chạy theo bề nổi của mạng xã hội, nhiều tờ báo đang đánh mất “quyền lực thông tin”

Nhắc đến “công lao” của mạng xã hội với báo chí không thể không nhắc đến những vụ việc gây chấn động thời gian qua như sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung; nước ngọt C2, Rồng Đỏ nhiễm chì; “con ruồi” Tân Hiệp Phát, các vụ việc thực phẩm bẩn liên tục bị vạch trần; chiến dịch chặt hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội; du khách bị cướp giật ở Sài Gòn; vụ ném phao thi ở Bắc Giang,… Nói một cách dễ hiểu, tất cả những “tâm bão” trên mạng xã hội thời gian qua đều trở thành những đề tài “nóng” được khai thác triệt để mọi ngóc ngách trên báo chí.

Thực tế cho thấy không thể phủ định vai trò của mạng xã hội đối với báo chí. Không chỉ là là nơi cung cấp thông tin, đề tài cho các nhà báo mà nhờ mạng xã hội, thông tin từ báo chí được quảng bá rộng rãi theo cấp số nhân. Có thể khẳng định, mạng xã hội chính là kênh tương tác giữa báo chí với độc giả và làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống.

Tuy có sự tương hỗ lẫn nhau trong quá trình tiếp cận với công chúng, song cũng phải khẳng định một điều: Những thông tin trên mạng xã hội không phải là báo chí, sự tác động qua lại giữa một hình thức chuyển tải thông tin chính thống như báo chí với một loại hình giao tiếp mới mẻ, năng động như mạng xã hội có thể kéo theo nhiều hệ lụy cần được nhận thức rõ ràng.

 

Báo Lao động & Xã hội đến với các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa (Ảnh: Ngọc Ước)

Trong khi mạng xã hội tạo ra một cuộc cách mạng tác động mạnh đến bức tranh báo chí toàn cảnh thì nó cũng dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực. Để chạy đua với mạng xã hội, việc kiểm chứng thông tin trên báo chí dường như không còn được kỹ càng như trước đây. Sự kiểm chứng đó nhiều khi được thay thế bằng sự kiểm chứng của đám đông, nhiều tòa soạn cũng như các nhà báo đang áp dụng cách làm nguy hiểm là “đăng trước, sửa sau nếu cần thiết”. Có những trường hợp mà chính báo chí, và kể cả các cơ quan chức năng, bị cuốn theo áp lực trên mạng xã hội dù rằng ai cũng hiểu không phải lúc nào số đông cũng có ý kiến đúng.

“Báo chí phải tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thông tin truyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Báo chí không được bỏ trống trận địa này, phải sử dụng công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội, thay vì đưa nội dung báo mình lên mạng xã hội của người khác thì mỗi báo phải là một mạng xã hội thu nhỏ của mình.”- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT.

Không ít trường hợp tin bài trên báo chí chính thống không hề được kiểm chứng và không đảm bảo tính công bằng và cân bằng – giá trị cốt lõi của báo chí. Tin giả trên mạng xã hội đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến cho niềm tin đối với báo chí, cả trên thế giới và ở Việt Nam, rơi xuống mức thấp chưa từng thấy. Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đăng tải những thông tin sai sự thật và thiếu kiểm chứng đã phải chịu án phạt của cơ quan quản lý báo chí. Câu chuyện này không chỉ ít nhiều làm mất niềm tin của công chúng đối với báo chí nói chung mà còn dấy lên mối lo ngại về quy trình tác nghiệp của một số phóng viên trước áp lực tin bài. Những phóng viên này, hàng ngày chỉ cần ngồi tại tòa soạn, lướt qua các trang mạng xã hội để nắm bắt thông tin rồi “thêm mắm thêm muối” hoặc chỉ đơn giản là “giật tít câu view” nhằm “đánh” vào sự tò mò của công chúng. Thời gian qua, nhiều thông tin trên báo chí được sử dụng từ mạng xã hội liên quan đến đời tư của nghệ sỹ, chuyện sử dụng hàng hiệu đắt tiền, tình yêu tay ba, tay tư hay chuyện nghệ sỹ “mạt sát”, hạ bệ nhau… chính là ví dụ trực quan nhất cho hệ lụy này. Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng truyền thông xã hội, một mặt giúp nâng hiệu suất làm việc của các nhà báo, nhưng mặt khác đang làm xói mòn những giá trị báo chí truyền thống.

Nhìn một cách vĩ mô hơn, hệ lụy lớn nhất chính là báo chí đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội. Báo mạng chạy đua từng giây với Facebook, Twitter; Youtube lấn át truyền hình. Cho đến khi công cụ “phát trực tiếp” (livestream)  trên mạng xã hội bùng nổ, báo chí truyền thống dường như bị bỏ lại khá xa. Báo chí không chỉ bị mạng xã hội “cướp” mất công chúng mà doanh thu quảng cáo, PR của thị phần báo chí truyền thống cũng bị thu hẹp lại. Đây cũng là một trong những lý do một số tờ báo đôi lúc “đánh mất quyền lực thông tin” của mình là truy đến cùng sự thật chỉ vì mải chạy theo bề nổi của mạng xã hội.

Trách nhiệm xã hội sẽ giúp báo chí làm tốt sứ mệnh “gác cổng thông tin”

Khi sự tương tác giữa mạng xã hội và báo chí đã là tất yếu thì vấn đề đặt ra là phải làm như thế nào để tận dụng được ưu thế về tính tương tác ấy cũng như hạn chế những mặt tiêu cực của mạng xã hội, góp phần đưa mạng xã hội phát triển đúng hướng và báo chí cũng tận dụng được điểm mạnh để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Không phải ngẫu nhiên mà các tờ báo lớn ở nước ngoài đều có quy định về việc sử dụng mạng xã hội đối với phóng viên, biên tập viên. Mỗi phóng viên khi sử dụng mạng xã hội phải xác định rõ việc họ đang đăng tải một status với tư cách cá nhân hay vì công việc. Và bắt buộc phải có những hạn chế về phát ngôn trên mạng xã hội đối với phóng viên, biên tập viên vì ranh giới giữa sử dụng vì mục đích cá nhân và mục đích công việc là rất mong manh. Khi phóng viên làm việc cho một tờ báo thì bài viết chính là tài sản chung của cả phóng viên và tòa soạn, và phiên bản được xuất bản trên báo mới là sản phẩm chính thức và duy nhất. Phóng viên, biên tập viên không được phép công bố những nội dung làm hiểu sai quan điểm của tờ báo.

Phóng viên tác nghiệp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Mạnh Dũng)

Khác với mạng xã hội, báo chí - bao gồm cả tòa soạn và cá nhân các nhà báo - có thêm một yếu tố là trách nhiệm xã hội. Khi một tòa soạn quyết định đăng một nội dung nào đó, họ phải đưa ra một quyết định dựa trên trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Thực tế và kinh nghiệm cho thấy không phải sự thực nào cũng biến thành tin tức. Sự khác biệt của những tờ báo chính thống với những mạng xã hội là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Một khi người cầm bút bắt đầu xa rời những chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp ấy, họ đã tự đồng hóa công việc cao quý của mình với việc đưa tin vỉa hè!

Do vậy, hơn ai hết, chính những người cầm bút cần “tỉnh táo”, nâng cao trách nhiệm, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp. Việc nắm bắt nhu cầu công chúng, sàng lọc, kiểm chứng, xác minh độ tin cậy của thông tin cũng như mở rộng phân tích theo chủ đề là việc làm tối cần thiết đối với mỗi nhà báo. Chính phóng viên là “bộ lọc” đầu tiên và cùng với bộ máy của tòa soạn trở thành “người gác cổng thông tin”.

Nhiều người vẫn nói, nhà báo khi tham gia mạng xã hội cần giữ cho mình một cái đầu lạnh. Nhưng giữ như thế nào, giữ ra sao không phải là câu chuyện dễ. Người làm báo chuyên nghiệp có lòng tự trọng nghề nghiệp, dù viết báo hay viết trên trang cá nhân cũng cân nhắc tính chính xác của thông tin, vì thế thông tin trên facebook của nhà báo thường đáng tin cậy. Hay nói như nhà báo Lê Đức Dục, báo Tuổi trẻ: “Giữa tờ báo và FB có một khoảng hở, và tôi chỉ bày tỏ trong khoảng hở ấy cố gắng theo nguyên tắc “chòng chành nhưng không chìm”. Tất nhiên dù viết báo hay facebook thì tôi vẫn nhất quán một điều như ông Sáu Dân viết trong một bài báo cách đây gần 10 năm mà tôi rất tâm đắc: “Sứ mệnh của báo chí”. Câu cuối cùng ông Sáu Dân đúc kết là: “Tôi nghĩ phần lớn các nhà báo không chọn báo chí như một nghề chỉ để kiếm sống. Tôi tin báo chí đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi ở mình: hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc”.

Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, hiện nay, mạng xã hội là một thách thức lớn với báo chí. Báo chí không được chạy theo mạng xã hội mà phải thắng, vượt lên ở độ chính xác. Báo chí phải trả lời vấn đề mạng xã hội đưa ra. Trách nhiệm của báo chí là xác lập nên độ tin cậy của thông tin. Người làm báo phải chuẩn mực, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội. Nói cách khác, mọi cơ quan báo chí truyền thông cần nhận thức đúng về Cách mạng công nghiệp 4.0 và tính tất yếu của sự đổi mới, để xây dựng cách thức quản lý báo chí truyền thông trước thách thức và sự phát triển mạng xã hội, truyền thông xã hội,.

“Do đó, mỗi nhà báo cần nâng cao trách nhiệm, trau dồi kiến thức và kỹ năng tác nghiệp trong môi trường số, thực hiện nghiêm Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức người làm báo; phát huy vai trò định hướng dư luận xã hội, vun đắp niềm tin của công chúng. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của lãnh đạo cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhất là báo mạng điện tử phải chỉ đạo sao cho phóng viên viết đúng theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo…”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh