Ám ảnh những hình ảnh bạo lực trên mạng xã hội
- Công nghệ mới
- 17:32 - 19/03/2019
Bất cứ ai dùng các mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… đều không còn xa lạ với những cái giật tít “chém nhau kinh hoàng”; “tai nạn đẫm máu”, “đánh nhau toác đầu”... Những cụm từ mô tả đầy rùng rợn, bạo lực xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội của chúng ta đang dùng.
Nhiều hình ảnh bạo lực tràn lan trên mạng xã hội.
Cách đây không lâu, tại một quán karaoke ở TP. Đà Nẵng, Trần Võ Phương T (22 tuổi) trú tại TP.Hội An đã rủ bạn cùng sử dụng ma túy, đồng thời công khai livestream trên facebook cá nhân. Sau khi được đăng tải, đoạn clip đã gây xôn xao cộng đồng mạng, chỉ sau một thời gian ngắn có hàng nghìn lượt người bình luận và chia sẻ. Tại cơ quan công an, T khai nhận từ TP.Hội An ra TP.Đà Nẵng làm tiếp viên trong các quán karaoke. Do buồn bã vì một số chuyện, T đã rủ bạn cùng sử dụng ma túy rồi phát trực tiếp trên mạng xã hội. T cũng khẳng định việc làm trên nhằm giải tỏa nỗi buồn, đây chỉ là những phút giây bồng bột, đồng thời tỏ ra hối hận về việc làm này. Không chỉ livestream khi sử dụng ma túy mà một số đối tượng còn phát trực tiếp cảnh đi đòi nợ thuê lên mạng xã hội.
Chỉ vài dòng tin ngắn kèm hình ảnh người bị nạn máu me lênh láng trên đường đã thu hút hàng nghìn lượt like (thích), hàng trăm lượt share (chia sẻ), kèm nhiều bình luận, tranh cãi, đoán già đoán non sự việc.
Mỗi ngày, hàng trăm hội nhóm, tài khoản facebook đều đặn bày biện lên thế giới ảo những “ám ảnh” kinh hoàng bởi máu me, bạo lực. Theo quy định của mạng xã hội Facebook, những clip này chỉ được gỡ bỏ khi có người dùng báo cáo (report) và được Facebook xem xét, chấp nhận do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Tuy nhiên, số trường hợp bị gỡ bỏ vẫn chưa thấm vào đâu so với số lượng những thông tin, hình ảnh bạo lực tồn tại trên mạng xã hội mỗi ngày. Sự “bạo lực hóa” trên mạng xã hội dường như đang là một thú vui của một bộ phận cư dân mạng. Khi họ ngày càng cổ súy các hành động bạo lực, man rợ nhằm thỏa sự tò mò của bản thân bằng cách chia sẻ các hình ảnh thanh toán, xô xát lẫn nhau. Mặt khác, một số tài khoản nhằm tăng tương tác, câu like để bán hàng online, bán quảng cáo nên không ngừng chia sẻ những hình ảnh bạo lực để phục vụ các công chúng thế giới ảo.
Những hình ảnh bạo lực, clip sex được phát, đăng tải trên các nhóm đã tác động không nhỏ đến người dùng Facebook. Có người “lang thang” trên mạng xã hội chỉ để giải trí nhưng những hình ảnh phản cảm trên khiến họ cảm thấy khó chịu hoặc là bị tra tấn thị giác hoặc là bị cuốn hút, thậm chí nghiện với những hình ảnh gợi cảm dày đặc trên các trang mạng xã hội như hiện nay.
Những hành vi tàn độc, côn đồ diễn ra đã và đang đi ngược với những giá trị con người và lối sống nhân văn, tình nghĩa từ xưa đến nay. Đáng lo ngại, đa số những hình ảnh, video được phát tán hay những người tạo ra “bạo lực” lại ở nhóm tuổi còn rất trẻ. Không ít người tiếp cận những hình ảnh bạo lực đó lại chính là giới trẻ. Khi ở độ tuổi đang lớn, rất dễ tác động đến tâm lý thanh, thiếu niên học và làm theo. Cùng với đó, sự lan truyền của mạng xã hội rất nhanh, số lượng người tiếp cận lớn khiến những hình ảnh bạo lực càng dễ phổ biến.
Chính những hành vi bạo lực và những hình ảnh bạo lực được tung lên mạng xã hội đang dần vượt ra khỏi vòng kiểm soát của chế tài luật pháp, đã và đang gây bất an trong dư luận xã hội. Đối với một số người sử dụng mạng xã hội tích cực thì những dạng thông tin này không khác một dạng bạo lực tinh thần.
Quy định của Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật Viễn thông 2009, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 23/2013/TT-BTTTT, Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có những quy định về vấn đề này. Quyền nhân thân của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ theo quy định của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự và Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kích động bạo lực, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc… nếu miêu tả tỉ mỉ hoặc chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh… sẽ bị xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.