CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:24

Bâng khuâng ngày Tết nàng dâu lấy chồng xa xứ

Quê tôi nằm ở hạ nguồn sông Kiến Giang (Quảng Bình), con sông nổi danh với những lễ hội đua thuyền truyền thống. Dòng sông trải dài uốn lượn mỹ miều như mái tóc đen mượt mà óng ả của cô gái kiêu sa.

Những ngày cuối năm, người dân quê tôi lại xuống ruộng để gieo sạ cho một vụ lúa mới. Cái rét căm căm run người nhưng không thể ngăn được bàn tay những người nông dân rải hạt giống xuống mặt ruộng đã được kỳ công cày bừa bằng phẳng để màu xanh non mơn mởn bao phủ lấy những một cánh đồng rộng lớn khi Tết đến Xuân về.

Nỗi nhớ quê ngày cuối năm còn là những kỷ niệm buồn. Nằm ở nơi quanh năm phải gánh chịu những trận bão tố, mưa gió, trong ký ức tôi vẫn in dấu nỗi ám ảnh cơn lũ lịch sử năm 2010. Chỉ trong một đêm mọi thứ trôi theo dòng nước, heo, gà, vịt, lúa, trâu, bò, gạo, lúa… Mọi thứ tan hoang, có những người chỉ còn duy nhất một bộ quần áo.

Có những gia đình khi lũ rút, tha thẩn đi từng con đường làng, ngõ xóm, bụi tre, bụi cỏ, cây xoan… mong tìm thấy, vớt vát những gì của gia đình mình bị cuốn đi và mắc kẹt ở đấy. May mà còn tình làng nghĩa xóm, mọi người đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Những bữa cơm chỉ có chén mắm ruốc với dưa cà, hoặc những gói mỳ tôm qua bữa, nhưng ai cũng ấm lòng.

Kỳ diệu là sau những trận lũ tang thương, mảnh đất được bồi đắp phù sa, những vườn hoa rạng rỡ những gam màu vàng, đỏ… khoe sắc nở rực, trải dài khắp xóm làng mang đến một không khí tràn ngập sắc hoa mỗi dịp Xuân sang.

Mỗi năm, vào chừng giữa tháng Chạp, người người, nhà nhà lại rộn rã người mua kẻ bán mang những chậu hoa phục vụ cho bà con trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Nơi đây được xem như vựa hoa chính cung cấp trong dịp Tết Nguyên đán của toàn huyện Lệ Thủy.

Những cái Tết trong ký ức của tôi, có dòng sông xanh ngắt, mặt nước lượn lờ từng con sóng lướt nhẹ, những người dân chài đi thả lưới đánh cá. Trên đồng những người nông dân tất bật chăm bón những vựa hành, những cánh đồng su hào, những vườn cải xanh tốt…

Nơi nơi tấp nập tiếng trò chuyện, tiếng cười rôm rả. Còn có những khung cảnh thơ mộng của những vườn hoa chờ khoe sắc cho cái tết sum vầy. Nhưng nay nhớ lại những ấn tượng đẹp ấy, sao nay lại buồn man mác.

Nay làm dâu xứ người, cách xa quê mẹ hơn 1000km. Chỉ cần lên xe khách hoặc tàu hỏa ngồi ít tiếng là trở về, nhưng sao quá đỗi dài với những người lấy chồng xa xứ.

Ai lấy chồng xa, thường những nỗi day dứt, những mong mỏi đến đỏ hoe khóe mắt mỗi dịp Tết lại len lén tìm về. Một người bạn tôi lấy chồng ở Hà Nội, đã hơn ba năm nay chị không về quê sum họp gia đình vào dịp Tết.

Công việc cơ quan, công việc gia đình, phải chăm sóc những đứa con, rồi bao lấn cấn bận bịu khác… Chị kể cứ độ đầu tháng Chạp, cha mẹ vẫn lại điện thoại: “Năm nay có về quê ăn tết không con”. Không dám hứa “có”, nhưng cũng không nỡ nói “không”, năm nào cũng một câu lần chần “con chưa hứa, nhưng con sẽ cố gắng cha mẹ ạ”…

Chiều cuối năm tĩnh lặng, tim tôi lại thổn thức. Đã bao năm tôi vẫn chưa thể làm trọn lời hứa với ba mẹ, với em thơ để trở về với những ruộng vườn rực rỡ sắc màu, trở về với tiếng gọi quê hương, những hàng tre, con sông dài, cánh đồng xanh ngắt... Lại lỗi hẹn với gia đình, với quê mẹ đã bao năm, nhưng vì những bon chen của cuộc sống, những tất bật lo toan cho gia đình riêng của mình trong những ngày này.

Cha mẹ ở quê mong sao hiểu cho con, cố gạt đi nỗi nhớ mong, gạt đi những giọt nước mắt thiếu vắng con đêm giao thừa. Để rồi cứ thế, Tết này qua đi, Tết sau lại đến, những đứa con gái xa quê vẫn cứ lỗi hẹn để mẹ nhớ, cha mong.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh