THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:46

Bàn về Nhà nước kiến tạo phát triển

 

Một góc của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Quý Đức.

Nghị quyết số 10, 11, 12 – NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội Nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đã tạo tiền đề để xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa... Bài viết xin góp thêm ý kiến về nhận thức và về ý nghĩa của Nhà nước kiến tạo phát triển.

Theo nguyên tắc pháp quyền, sự tôn trọng và thượng tôn pháp luật của mọi chủ thể là một yêu cầu quan trọng bậc nhất. Nguyên tắc pháp quyền yêu cầu mọi chủ thể phải tuân thủ pháp luật, trong đó, đương nhiên phải cả những người nắm trong tay quyền lực Nhà nước. Pháp luật ràng buộc Nhà nước, ràng buộc các cơ quan công quyền, công chức, viên chức Nhà nước. Tuân thủ pháp luật tức là tuân thủ cái đúng, cái lẽ phải, cái công bằng, cái bác ái mà mọi người đều chấp nhận. Nhà nước, nhà chức trách nhà nước, công chức Nhà nước sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. Đồng thời chính cơ quan Nhà nước, nhà chức trách Nhà nước, công chức Nhà nước phải tuân thủ pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước. Không ai, không một chủ thể nào đứng trên pháp luật.

Một là, Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước tuân thủ nguyên tắc pháp quyền. Theo nguyên tắc pháp quyền, người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn công chức, viên chức Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Từ việc xây dựng dự án, đề ra chính sách đến việc thực thi pháp luật các công chức đều cần hành động theo quy định pháp luật. Khi tiến hành các hoạt động, mọi cơ quan công quyền, mọi công chức thực thi công vụ đều phải chỉ ra được điều luật cho phép họ hành động. Việc các nhà chức trách, các công chức muốn làm gì cũng được, còn người dân muốn làm gì cũng phải xin phép là không thể chấp nhận được đối với một Nhà nước kiến tạo phát triển.

Như vậy, trong Nhà nước kiến tạo, có luật là cần thiết, nhưng như thế chưa đủ nói lên tính pháp quyền của Nhà nước đó. Chỉ khi nào Nhà nước, các thiết chế chính trị cầm quyền, mặc dù là chủ thể làm ra chính sách và pháp luật, nhưng không đứng trên pháp luật mà phải chịu ràng buộc bởi pháp luật, chịu trách nhiệm pháp lý trước nhân dân, thì khi đó mới có chế độ pháp quyền.

Hai là, Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên nền tảng dân chủ. Ở Việt Nam thực tiễn đã cho thấy, dân chủ là nhân tố hết sức quan trọng tạo ra sự đồng thuận xã hội; phát huy tốt dân chủ chính là động lực để toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua khó khăn, chung sức, đồng lòng đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững. Chính vì vậy, dân chủ là tư tưởng chủ đạo trong tổ chức và thực hiện Nhà nước ta và đã được thể hiện trong nội dung Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Trong cơ chế thực hiện dân chủ, một mặt cần phải củng cố và phát huy dân chủ đại diện, mặt khác cần tăng cường dân chủ trực tiếp. Hiến pháp nước ta đã quy định nhiều hình thức dân chủ như: trưng cầu ý dân; bầu, bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước; khiếu nại, tố cáo; đóng góp ý kiến đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các hình thức như tham gia ý kiến, thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí...  Tuy nhiên, đây đó có quy định của Hiến pháp về các hình thức dân chủ chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế cuộc sống. Một số hình thức dân chủ tuy đã được pháp luật ghi nhận nhưng vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện, chẳng hạn.

Thực hiện dân chủ, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật là rất quan trọng. Chỉ với điều kiện bảo đảm sự tham gia của người dân thì chính sách, pháp luật gần với cuộc sống hơn, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân. Tham vấn người dân, lấy ý kiến nhân dân trong việc ban hành chính sách, pháp luật là việc cần thiết. Tuy nhiên, cần khắc phục hiện tượng lấy ý kiến một cách hình thức, lấy ý kiến để hợp thức hóa ý muốn chủ quan của cơ quan soạn thảo.

Để xác lập được nền dân chủ, cùng nhận thức đúng về dân chủ thì còn cần có quyết tâm chính trị trong thực hiện. Nếu không có quyết tâm chính trị thì sẽ nửa vời, chắp vá.   

 

Ba là, Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Nhà nước càng cởi mở thì mức độ hài lòng của người dân với các nỗ lực của Nhà nước càng gia tăng. Một khi các cấp chính quyền các cấp thực hiện giải trình đầy đủ với người dân thì khoảng cách giữa nhà nước và nhân dân sẽ dần thu hẹp lại và người dân sẽ đánh giá cao hơn việc làm của chính quyền.

Ở Trung ương, chính sách và hoạt động của các cơ quan trực thuộc Chính phủ cần rõ ràng, minh bạch. Chính tại diễn đàn của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ giải trình trước Quốc hội, trước đông đảo nhân dân về chính sách, về hành động của Chính phủ. Thông qua việc giải trình tại các phiên họp của Quốc hội, các quyết định chính sách của Chính phủ trở nên minh bạch trước nhân dân. Đây là phương thức để nhân dân có sự tương tác với Chính phủ. Đây cũng là cơ sở để tạo ra sự đồng thuận giữa Nhà nước và công dân.

Thứ tư, Nhà nước kiến tạo phát triển là Nhà nước bảo vệ công dân. Trong Nhà nước kiến tạo phát triển, tất cả các cơ quan nhà nước chịu sự ràng buộc bởi trật tự pháp luật. Quyền lực Nhà nước phải bị giới hạn để không xâm hại con người, công dân. Không gian hành động của công dân trong Nhà nước kiến tạo phát triển tỷ lệ nghịch với phạm vi tác động của quyền lực nhà nước. Trong Nhà nước kiến tạo, pháp luật là cơ sở và giới hạn của hành động Nhà nước. Hiệu lực tối cao của hiến pháp và pháp luật chi phối mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước, làm cho quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân chuyển từ quan hệ quyền lực sang quan hệ pháp lý, ở đó Nhà nước không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ đối với công dân. Như vậy, một trong những yêu cầu không thể thiếu của Nhà nước kiến tạo là tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Mức độ bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân là chỉ số đánh giá tính kiến tạo, tính pháp quyền của một Nhà nước kiến tạo. Nhờ tuân thủ nguyên tắc tối cao của pháp luật, Nhà nước kiến tạo có khả năng tạo ra cơ chế giải quyết tranh chấp giữa quyền của công dân và quyền lực nhà nước, đồng thời vạch ra ranh giới được làm của công dân và không được làm của Nhà nước. Bảo vệ quyền con người, quyền công dân chính là chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước kiến tạo.

Từ góc độ kinh tế, Nhà nước kiến tạo là Nhà nước tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể phát triển, mưu cầu hạnh phúc. Ở đây hệ thống pháp luật rất quan trọng. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải hướng tới bảo đảm các quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do hợp đồng; bảo đảm các cam kết hợp đồng phải được tôn trọng và thực thi; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả; các vi phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực xã hội phải được xử lý công bằng, nghiêm minh.

PGS, TS PHẠM HỮU NGHỊ (Viện Nhà nước và Pháp luật)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh