CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:15

Bản tin thị trường số 9: Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng!

Hơn 1 triệu người trong độ tuổi bị thất nghiệp

Theo Bản tin  thị trường số 9, so với quý 4/2015 thì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) quý 1/2016 giảm. Cùng đó là số người có việc làm giảm 211.120 người; số lượng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, theo ông Đào Quang Vinh, thị trường lao động cho đến thời điểm này có những điểm sáng, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tiếp tục tăng, đạt 44,1%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị và thất nghiệp thanh niên đã có phần giảm so với cùng thời điểm này năm ngoái. Quý 1/2016, cả nước có 53,29 triệu người có việc làm, trong đó khu vực thành thị có 16,88 triệu người. So với cùng quý năm 2015 thì số người có việc làm đã tăng 859.080 người, trong đó khu vực thành thị tăng 490.490 người.

Nguồn: TCTK (2015, 2016), Điều tra LĐ-VL quý 4/2015 và quý 1/2016.

Nếu so với quý 4/2015, bốn ngành có lao động tăng nhiều nhất lần lượt là: Xây dựng tăng 127.000 người; tài chính, ngân hàng tăng 36.000 người; dịch vụ tăng 34.200 người; cung cấp nước, quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 28.500 người. Tuy nhiên có 3 ngành giảm nhiều lao động nhất, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 94.200 người; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản  giảm 82.300 người và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giảm 74.000 người.

Bản tin đã ghi nhận  trong quý 1/2016, cả nước có hơn 1 triệu  người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20.700 người so với quý 4/2015 và giảm 87.500 người so với cùng kỳ năm 2015. So với quý 4/2015, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giảm còn 1,95%; khu vực thành thị giảm còn 3,08% (so với 3,15% của quý 4/2015). Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nam và khu vực nông thôn tăng nhẹ tương ứng là 2,50% và 1,83%. Đặc biệt nhóm thanh niên  ở lứa tuổi 15 - 24 có 540.700 người thất nghiệp, giảm 18.700 người so với quý 4/2015 nhưng vẫn chiếm đến 50,4% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là 6,63%, thấp hơn so với quý 4/2015 và cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị, thanh niên từ 20 - 24 tuổi có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và trình độ đại học trở lên vẫn rất đáng lo ngại (tương ứng là 10,2%, 16,3% và 19,6%).

Có đến 190.900 người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp; tiếp đến là 118.900 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp; 10.000 người có trình độ cao đẳng nghề; 60.200 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp; 17.500 người có trình độ trung cấp nghề; 32.300 người có trình độ sơ cấp nghề và 11.200 người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng.

Chênh lệch thu nhập giữa các nhóm tăng

Thu nhập của lao động làm công hưởng lương tiếp tục tăng; chênh lệch thu nhập giữa các nhóm tăng lên. Quý 1/2016, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,09 triệu đồng, tăng so với quý 1/2015 là 189.000 đồng (3,8%) và tăng so với quý 4/2015 là 417.000 đồng (8,94%). Giải thích điều này ông Vinh cho hay, do quý 1/2016 có thưởng tết (mức thưởng tết năm 2016 được đánh giá cao hơn tết năm 2015), cũng như áp dụng điều chỉnh tiền lương tối thiểu 2016.

Xét theo nghề, nhóm “quản lý”, “CMKT bậc cao” và “thợ vận hành máy móc” có thu nhập cao nhất. Hầu hết các nhóm nghề đều có mức thu nhập cao hơn quý 1/2015 và quý 4/2015, trừ nhóm nghề “lao động kỹ thuật trong nông nghiệp” và “lao động giản đơn”. “Đa số các ngành đều có thu nhập tăng so quý 1/2015 và quý 4/2015, riêng thu nhập ngành NLTS giảm so với quý 1/2015”, ông Vinh nhận xét.

Theo hình thức sở hữu, lao động trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân tháng cao nhất (7,61 triệu đồng), tăng 754.000 đồng (11%) so với quý 1/2015 và tăng 1,4 triệu đồng (22%) so với quý 4/2015. Quý 1/2016 có 24,4% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp (dưới 3 triệu đồng/tháng).

Theo các chuyên gia lao động, việc phản ánh “sức khỏe” của thị trường lao động được đánh giá bởi 19 tiêu chí khác nhau. Ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại châu Á - Thái Bình Dương cho hay, bên cạnh tiêu chí thất nghiệp, thiếu việc làm thì việc theo dõi thị trường lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam cần có thêm những chỉ số thể hiện được chất lượng việc làm, như: Tỉ lệ lao động nghèo, tỉ lệ việc làm dễ bị tổn thương, tỉ lệ nền kinh tế phi chính thức, tỉ lệ ngành nông nghiệp trong số việc làm, năng suất lao động và lương bình quân… “Hạn chế của việc sử dụng tỉ lệ thất nghiệp làm thước đo cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam là chưa thể hiện đầy đủ tình trạng của thị trường lao động. Những nước này không có đủ những việc làm tốt, bền vững với năng suất cao, dẫn đến việc không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động như tỉ lệ thiếu việc làm cao, thu nhập thấp và năng suất lao động thấp”, ông Phú Huỳnh nhận định.

THIỀU VĂN LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh