CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:11

Năm 2016: Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm

Cung - cầu  vẫn chưa gặp nhau?

Khảo sát của Bản tin thị trường lao động Việt Nam được Bộ LĐ-TB&XH công bố giữa tháng 3 cho thấy một nghịch lý: Tỉ lệ cung - cầu của nhóm lao động chuyên môn bậc trung đều cao, nhưng tại sao chưa gặp được nhau? Qua khảo sát số liệu của hơn 60 trung tâm dịch vụ việc làm thuộc hệ thống ngành LĐ-TB&XH trong quý 4/2015 cho thấy, thị trường lao động cần nhiều lao động bậc trung như nhân viên kinh doanh, bán hàng (8.850 người); kỹ thuật điện, điện tử (8.670 người), cơ khí chế tạo máy (2.220 người)…. So với quý 3/2015, nhu cầu tuyển dụng của thị trường với nhóm lao động trên cũng tăng: Nhân viên kinh doanh, bán hàng (tăng 2.130 người); kỹ thuật điện, điện tử (tăng 4.700 người). Phân tích ở góc độ nhóm lao động, kết quả của Bản tin lại cho thấy, nhóm lao động trình độ bậc trung đi tìm việc nhiều nhất với hơn 30%, tăng 1.600 người so với quý 3 /2015.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, thị trường lao động cần tuyển nhóm lao động trung cấp nhiều nhất và tỉ lệ người tìm việc ở nhóm này cũng nhiều nhất! Những số liệu chỉ phản ánh ở tầm vĩ mô. Câu trả lời chính xác dành cho các nhà quản lý và hệ thống kết nối cung - cầu trên thị trường lao động. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không gặp nhau ở cung - cầu của nhóm lao động bậc trung trong quý 4/2015 có thể còn do chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Mặt khác, tâm lý chọn việc của nhóm lao động trên cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng thành công. Bởi, không ít người kỳ vọng chọn những công việc có lương và vị trí cao hơn khả năng của mình, dẫn tới khả năng thành công chưa cao.

Khảo sát về nhóm nghề, công việc quản trị nhân sự có số lượt người tìm nhiều nhất (24.200 người, chiếm 10,8%), tiếp sau là kế toán (10,1%). Về mức lương, khoảng 51% người tìm việc sẵn sàng chấp nhận có lương theo thỏa thuận, khoảng 21% có nhu cầu mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Lan Hương, khuyến nghị cần có sự phân luồng và siết chặt số lượng cũng như chất lượng tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, công tác dự báo cũng rất quan trọng để định hướng thông tin cho học sinh. Phải có sự điều tiết, phân luồng ngay trong nhà trường. Điều này cần bàn tay của các nhà quản lý nhà nước. Ví dụ, đến bao nhiêu điểm là không được học đại học, không phải như bây giờ 12 điểm cũng đậu, như vậy vét đến 80% rồi. Nhà nước cũng nên tài trợ cho một số nghề để học sinh theo học, nhất là những ngành nặng nhọc như luyện kim, mỏ... Bên cạnh đó, chúng ta đang cho phép liên thông, tức là các em vào trung cấp và sau thời gian nào đó có thể đi tiếp đại học. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu của xã hội…

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng nhấn mạnh, các nhà trường nên sử dụng thông tin về thị trường lao động để làm công tác hướng nghiệp cho học sinh. Theo đó, căn cứ thông tin thị trường lao động hiện nay, sẽ có tư vấn, giáo dục hướng nghiệp phù hợp, tránh tình trạng học sinh đổ xô theo học một số ngành được coi là “hot” ở một thời điểm, nhưng lại “ế ẩm” ở những thời điểm khác. Tâm lý học sinh thường thích đại học, cao đẳng hơn, nhưng vấn đề phải nhìn bức tranh sau khi ra trường thế nào, công việc ra sao?.

Lực lượng lao động ngành nào sẽ tăng?

Bản tin Thị trường lao động số 8 đã đưa ra dự báo, trong năm 2016, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển mạnh nhờ các nỗ lực cùng cải cách trong nước, nhờ tiếp tục mở cửa tham gia các hiệp định tự do thương mại (ASEAN, TPP, FTA...). GDP của Việt Nam năm 2016 có khả năng đạt 6,6% (theo dự báo của Ngân hàng Thế giới).

Tăng trưởng kinh tế phục hồi sẽ tác động tích cực tới thị trường lao động. Về cung lao động, trong năm 2016, lực lượng lao động ước đạt 55,3 triệu người, chiếm 77,8% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. Dự báo lực lượng lao động có việc làm ước đạt 54,1 triệu người, trong đó nữ chiếm 48,3%, thành thị chiếm 31,9%.

Dự báo, đến quý 4/2016, lực lượng lao động có việc làm trong một số ngành sẽ tăng. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 692.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015); ngành vận tải kho bãi tăng 145.000 người (tăng 8,8%), thông tin và truyền thông tăng 115.000 người (4,5%). Cùng với đó, một số ngành sẽ giảm lao động: Nông, lâm và ngư nghiệp giảm 376.000 người (giảm 1,6% so với năm 2015); ngành khai khoáng giảm 20.000 người (giảm 8,8% so với năm 2015).

Đáng lưu ý, dự báo năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sẽ giữ ở mức thấp, còn 2,2%.

THIỀU VĂN LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh