THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 02:15

Bán thận để...thoát nghèo

 

Bài 1: Nghèo quá hóa liều

Không ai muốn bán đi một phần cơ thể của mình nhưng bởi quá nghèo túng, thiếu hiểu biết, nhiều người dân ở miền Tây đã quẫn chí làm liều. Do chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem… vết mổ bán thận” nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, số người “bán thận mưu sinh” ở miền Tây không hề ít...

70 triệu đồng một... quả thận  

Năm 2007 ông Dương Lâm Nhi (SN 1972, ngụ ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) quyết định bán thận với giá 70 triệu đồng sau khi được một người trong xóm làm “cò” dắt mối. Hoàn cảnh gia đình nghèo túng vì không có đất sản xuất, nên ông muốn “hi sinh” một quả thận nhằm cứu vãn kinh tế gia đình. Nhờ người dắt mối, ông được đưa lên một bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục xét nghiệm rồi nằm ở đó suốt 22 ngày để chờ... người mua. Theo lời ông Nhi, khi có người đồng ý mua, cò dắt mối liền đưa ông ra Hà Nội bắt xe đi Móng Cái xuất cảnh sang Trung Quốc phẫu thuật lấy thận. Toàn bộ thủ tục, giấy tờ và tiền bạc đều do “cò” tên Tám ngụ cùng địa phương lo tất tần tật. Sang bên Trung Quốc tôi được các bác sĩ ở bệnh viện chuyên ghép nội tạng phẫu thuật. Nằm ở bệnh viện bên Trung Quốc dưỡng sức 7 ngày,  sau đó tôi được đưa về quê. Còn người nhận thận nghe nói ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có cho tôi số điện thoại để liên hệ, nhưng về tới nhà một thời gian thì tôi mất số, thực tình tôi cũng muốn xem người đó đang dùng quả thận của mình ra sao, nó có chạy tốt không. Ông Nhi bảo, trong đời ông chưa một lần xuất ngoại và đó là lần duy nhất ông đi nước ngoài. Và, sau chuyến “du lịch xứ người” ấy, gia đình ông đã có 70 triệu đồng, một gia tài mà cả đời ông ao ước. Kể về chuyện bán thận, ông Nhi không khỏi bùi ngùi: “Nghèo quá đành làm liều chứ biết làm sao bây giờ.

Gia đình ông Nhi lại lâm vào khó khăn

Người ta xuất ngoại để đi lao động hay du lịch, còn dân nghèo chúng tôi đi bán nội tạng nên giấu được lúc nào hay lúc ấy chứ có hay ho gì đâu”. Theo ông Nhi, lúc đầu không biết nên đã bị “cò” ăn chặn đầu, chặn đuôi gần hết số tiền bán thận. Qua tìm hiểu ông Nhi mới biết quả thận của mình được bán với giá hơn 200 triệu đồng nhưng cuối cùng ông nhận chẳng được bao nhiêu. Tuy nhiên, lúc đó thấy có tiền ông còn định cho vợ mình đi bán thận luôn để có vốn làm ăn. Sau một thời gian, thấy sức khỏe giảm nên ông bảo Vợ từ bỏ ý định này. Ông Nguyễn Phú Lục, Phó trưởng ấp Nhà Thờ cho biết: “Chuyện xuất ngoại bán thận của ông Nhi sau này mới được chính quyền địa phương phát hiện và đã có giáo dục, khuyên can nên từ đó đến nay không còn ai dám đi bán thận nữa. Cùng đi đợt đó cũng có mấy người ở ấp Chợ kế bên nhưng chuyện này người ta không dám hé lộ tin tức gì sợ phiền phức, xóm làng dị nghị. Riêng “cò” bán thận tên Tám sau này cũng bỏ đi biệt xứ, giờ cũng không biết ông ta ở đâu”.

Trốn vợ đi “hiến thận”

Câu chuyện trốn vợ để đi “hiến” thận kiếm tiền trả nợ cách đây 2 năm của ông Danh Lang (32 tuổi, ngụ ấp 7 xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) cũng khiến nhiều người rơi nước mắt. Hai Vợ chồng ông Lang lấy nhau gần 10 năm nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo rồi 2 đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình thêm khó khăn, vất vả. Số nợ gần 50 triệu đồng làm hoài mà trả không nổi vì suốt ngày chỉ đi làm thuê làm mướn do không có đất sản xuất. Vợ chồng ông phải đùm túm nhau lên tận tỉnh Bình Dương làm thuê, làm mướn sống qua ngày. Cách đây hơn 2 năm, trong lần tình cờ gặp người đàn ông mới quen, ông Lang kể về hoàn cảnh gia đình khó khăn và được ông này “mách” đi “hiến thận cứu người” sẽ được trả ơn 100 triệu đồng. Nghe người đàn ông này nói đã từng cắt 1 quả thận mà sức khỏe vẫn tốt, ông Lang về bàn với Vợ chuyện đi “hiến” thận mong có tiền trả nợ. Tuy nhiên, Vợ ông Lang nhất quyết không cho đi vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe. Tình cảnh quá ngặt nghèo, ông Lang đành nói dối Vợ lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê một thời gian, nhưng thực chất là đi làm cái việc mà bấy nay ông “ấp ủ”. Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm, khám sức khỏe, thử máu, nước tiểu..., ông được đưa về nhà trọ nằm dưỡng sức khoảng 2 tuần lễ. Sau đó, cũng nhờ người môi giới, ông Lang được đưa vô bệnh viện để tiến hành phẫu thuật. Ca cắt thận diễn ra nhanh chóng, ông Lang cũng phải nằm tại bệnh viện gần chục ngày nữa mới được cho về. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lang cho biết: “Gần tới ngày xuất viện người thanh niên làm môi giới đến trực tiếp đưa cho tôi 100 triệu đồng gọi là đền ơn.

Vết mổ vẫn còn trên người ông Nhi sau 7 năm

Khi về nhà, vợ tôi biết chuyện, bả khóc hoài nhưng việc đã rồi nên cũng chẳng biết phải làm sao!”. Ông Lang bảo, hai vợ chồng cầm tiền “hiến thận” về quê để trả nợ, còn dư chút đỉnh dùng để đầu tư chăn nuôi. Sau khi bán thận, ông Lang tưởng đời mình sẽ thoát cảnh nghèo, không phải làm thuê nay đây mai đó, nào ngờ do mất một quả thận nên sức khỏe ông Lang yếu đi trông thấy. Không làm được việc nặng, nên gánh vác gia đình giờ một mình vợ ông lo. Bởi thế, gia cảnh ông đã nghèo giờ lại càng túng quẫn.

Như bán hàng đa cấp

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay trên địa bàn xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) rộ lên phong trào nông dân lực điền đi “hiến thận”. Nói là “hiến” nhưng mỗi quả thận đều có giá từ 100 đến 150 triệu đồng. Điều đáng nói là việc “hiến” đều thông qua “cò” sau khi hoàn thành hợp đồng thì “cò” tiếp tục rủ người đã “hiến thận” về quê tìm người khác bán thận để được hưởng tiền hoa hồng, chẳng khác nào bán hàng đa cấp. Đầu năm 2014, ông Hồ Văn Tranh, ngụ ấp 6, sau khi đi “hiến thận” được 120 triệu đồng, lúc chuẩn bị về quê được “cò” bảo rủ rê, tìm người khác “hiến” sẽ được hưởng hoa hồng. Trước đó, ông Tranh được chính người em rể của mình rủ đi bán “bộ phận không thể thiếu” của cơ thể ấy. Trò chuyện với phóng viên, ông Tranh cho biết: “Khi đó người em rể của tôi ngụ cùng địa phương vừa bán quả thận của mình với giá hơn 100 triệu đồng. Em rể tôi bảo cứ cho đi rồi người ta trả tiền cho mình. Cho một quả thận không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Thấy sau khi nó cho thận vẫn khỏe mạnh nên tôi tin tưởng làm liều để được có tiền”. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Bí thư Chi bộ ấp 6, xã Thạnh Phú cho biết: “Gần đây, có nhiều người đã trình đơn lên ấp, xã xin được hiến thận cho người thân. Chúng tôi biết là họ không phải hiến mà là bán. Đặc biệt những người này sau khi bán thận về họ lại vận động nhiều người khác cùng đi bán”. Theo ông Hòa, ngoài trường hợp của anh Tranh, địa phương còn xác nhận trường hợp của ông Lê Văn Giòn cũng đã từng xin giấy xác nhận hiến thận cho người thân. Tuy nhiên sau khi chính quyền địa phương không đồng ý xác nhận cho đơn xin hiến thận này, thì ông Giòn đi đâu không rõ. Phía người nhà của ông Giòn lại cho biết, gia đình không hề hay biết việc ông Giòn trình đơn lên xã. Tuy nhiên từ mùng 4 Tết đến nay, ông Giòn đi đâu biệt tích cùng với người em rể của mình. Theo nhận định của nhiều người, ông Giòn đi biệt tích khả năng liên quan đến việc bán thận.  Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Thạch Phú “phong trào” bán thận đã lan ra nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Và, với những cảnh ngộ này, khi đã có ý định bán thận thì chính quyền, đoàn thể rất khó tuyên truyền, ngăn cản.         

(Còn nữa)

Hoàng Lê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh