CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:00

Bản quyền Ngoại hạng Anh ở Việt Nam: Phá sản kế hoạch chống độc quyền

 

Nỗ lực bất thành của VNPayTV

Để đối phó với việc đối tác ép giá và sẽ có nhà đài Việt Nam muốn độc quyền, 10 đơn vị truyền hình trả tiền Việt Nam đã thống nhất lập ra Ban đàm phán bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh ba mùa giải sắp tới, đứng đầu là ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VNPayTV. “Các nhà đài phải đoàn kết với nhau để được mua với giá hợp lý, có lợi cho người xem. Việc có đơn vị nào đó tự đàm phán hay đi đêm sẽ gây thiệt hại với các đài còn lại, giúp cho đối tác thu lợi”, ông Cường cho biết.

Ban đàm phán thống nhất sẽ mua toàn bộ các trận đấu Ngoại hạng Anh (không có gói độc quyền), mức giá mua không vượt quá 20% của ba mùa trước đó và Ban đàm phán là đơn vị duy nhất đứng ra làm việc với MP&Silva - đơn vị được cấp phép sở hữu bản quyền giải ngoại hạng ba mùa giải 2016 - 2019 tại Việt Nam.

Ngay sau khi thành lập Ban đàm phán, VNPayTV đã liên tiếp có 2 công văn gửi tới MP&Silva đề nghị sắp xếp cuộc họp nhằm thống nhất mức giá bán, giá mua. Tuy nhiên, MP&Silva im lặng với lời đề nghị của Ban đàm phán. Đối tác này hiện đang chào mời riêng các đài truyền hình tại Việt Nam, với ý định nâng  giá gấp đôi so với ba mùa giải trước - khoảng 80 triệu USD.

 Sau thời gian im lặng khá lâu, mới đây nhất, MP&Silva đã chính thức từ chối các đề nghị của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV). Trong công văn mới nhất gửi VNPayTV, MP&Silva khẳng định: “MP&Silva giữ toàn quyền tìm kiếm và lựa chọn đài truyền hình tốt nhất tại Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm thương mại và các yêu cầu do giải bóng đá Ngoại hạng Anh đặt ra. MP&Silva đang tìm cách đa dạng hóa các gói bản quyền nhận được từ giải bóng đá Ngoại hạng Anh để có thể đáp ứng được một số lượng đông đảo các nhà đài khai thác truyền thông tại Việt Nam”.

Với thông báo này, rõ ràng MP&Silva muốn nói rằng tập đoàn này không bắt buộc phải đàm phán với Ban đàm phán từ phía Việt Nam, mà có thể tự do chào hàng các đơn vị truyền hình nào có nhu cầu mua. Điều này cũng có nghĩa MP&Silva sẽ lại chia bản quyền thành nhiều gói và sẽ lại có gói độc quyền với giá cao.

K+ lại muốn có độc quyền

Thực tế, việc MP&Silva muốn tự do đàm phán với từng nhà đài riêng lẻ để có thể bán được nhiều gói khác nhau, qua đó thu lợi với giá cao nhất, là điều không bất ngờ. Đứng trên góc độ kinh doanh, các đối tác nước ngoài luôn nhìn thấy thị trường tiềm năng tại Việt Nam, bởi nhu cầu thưởng thức bóng đá, nhất là giải Ngoại hạng Anh của người hâm mộ Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, nếu như đúng mong muốn của VNPayTV là các đơn vị truyền hình, các đài Việt Nam nếu có sự liên kết lại với nhau và nói không với độc quyền và không mua bản quyền bằng mọi giá, thì MP&Silva chắc chắn sẽ phải xuống nước, chấp nhận bán với giá hợp lý nhất.

Song, câu chuyện độc quyền ở Việt Nam vốn có quá nhiều những chuyện không hay và thực tế lần này cũng vậy. VSTV - đơn vị sở hữu hệ thống kênh truyền hình K+, vừa có công văn gửi tới VNPayTV nhấn mạnh rằng: “Trước sau chúng tôi vẫn khẳng định ý kiến chỉ đạo của Bộ TT & TT và hành động của Hiệp hội trong việc thành lập Ban đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh với mọi giá là đúng đắn.

Chính vì thế, chúng tôi đã ký biên bản tham gia ngay tại cuộc họp đầu tiên vào ngày 17/11/2015. Giải Ngoại hạng Anh mang tính chất khác với những giải đấu quảng bá như World Cup, Euro hay Olympic. Vì vậy, việc mua bản quyền giải đấu này cần có sự tôn trọng cho phù hợp với chiến lược kinh doanh của mỗi nhà đài”.

Đặc biệt, K+ nhắc lại rằng chính các nhà đài đã yêu cầu VNPayTV sớm đưa ra quy chế hoạt động của Ban đàm phán và thống nhất phương án mua, phân phối sau mua để có cơ sở đàm phán với đơn vị nắm bản quyền. K+ cũng đã “tố” Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam chậm trễ trong việc triển khai đàm phán với đối tác.

“Ai chịu trách nhiệm về thiệt hại của các doanh nghiệp trong trường hợp việc mua bản quyền không thành hoặc chậm trễ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh? Tính ràng buộc của các cam kết giữa các thành viên và Ban đàm phán cũng là một vấn đề pháp lý quan trọng vì sẽ liên quan tới số tiền không nhỏ và việc không thực hiện đúng cam kết của một trong các bên có thể để lại hậu quả pháp lý rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị thực sự có nhu cầu", K+ nhấn mạnh.

K+ cho biết sau 5 tháng không có tiến triển, nhà đài này không thể chờ thêm VNPayTV. Vì vậy K+ yêu cầu tự do đàm phán hợp đồng mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh.

K+ rõ ràng là lại muốn có độc quyền giải Ngoại hạng Anh khi muốn được chủ động đàm phán với đối tác, thay vì theo “liên minh” của VNPayTV. Kế hoạch chống độc quyền của VNPayTV và các nhà đài còn lại xem ra đã bị phá sản, dù họ vẫn đang nỗ lực nhờ sự can thiệp của các cấp cao hơn về vấn đề đang rất nóng bỏng này!

LINH QUÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh