Bán hàng rong hay bị ép đi ăn xin?
- Tây Y
- 21:59 - 10/05/2018
Theo nguồn tin từ bạn đọc, chúng tôi tiếp cận một nhóm người già, người tàn tật đang ngày ngày phải rong ruổi khắp các đường phố ở Hà Nội để xin tiền, bán hàng rong, bất kể mưa nắng, rét mướt. Họ phải làm việc giữa các thời tiết khắc nghiệt gần như không ngơi nghỉ. Có lẽ thời gian an nhàn nhất của họ là lúc trời bắt đầu tối khuya, khi đường phố vắng vẻ không còn người để mà xin, mà bán những thứ rẻ tiền như bông tai, kẹo cao su, bút, dũa móng tay…
Nguyên bán hàng rong tại nút giao trên đường Nghiêm Xuân Yêm – Linh Đàm
Từ hơn 5h sáng, chúng tôi đã đợi sẵn một địa điểm mà những người bán hàng rong thường xuyên có mặt như thông tin bạn đọc cung cấp. Không phải chờ lâu, chừng 30 phút sau liền xuất hiện một người đàn ông đi xe máy đến nút giao trên đường Nghiêm Xuân Yêm – Linh Đàm, thì dừng xe, phía sau chở hai người đàn ông gầy gò, ốm yếu. Sau một vài lời căn dặn, người này thả một người xuống cùng với một rổ hàng được sắp đặt ngăn nắp.
Người đàn ông vừa được thả xuống chỉ cao chừng 1,3 mét, chân bị tật nên đi lại bước cao bước thấp. Thấy chúng tôi hỏi mua đồ, nguyên mời chào chúng tôi rất lịch sự. Sau một hồi vừa xem hàng, vừa dò hỏi thông tin, anh này cho biết mình tên Nguyên (30 tuổi, quê ở Diễn Châu, Nghệ An). Nguyên bị bại liệt từ nhỏ, được một người đàn ông đưa về nuôi để đi bán hàng rong.
Nguyên cho biết, ở chỗ mình còn có mấy người, ai cũng phải đi bán hàng từ sáng đến tối mới về. Nhìn thấy hình dạng đáng thương của Nguyên, mỗi khi đến ngã ba chờ đèn đỏ, nhiều người đã dừng xe mua hàng, thậm chí cho Nguyên tiền hoặc đồ ăn, thức uống. Mỗi ngày Nguyên có thể kiếm được từ 300.000 – 500.000 đồng, tuy nhiên công việc cũng rất mệt mỏi vì phải ngồi giữa đường cả ngày trời.
Người đàn ông thường ngày chở Nguyên và một số người khác đi bán hàng thường xuyên giám sát
Làm việc nặng nhọc là vậy, thế nhưng đối với Nguyên thì đó đã trở thành quen, đó là “quy định” phải thế. Dù mệt, nhưng anh không được nghỉ ngơi khi chưa hết ngày...làm việc. Thi thoảng, anh chỉ dời khỏi vị trí để đi vệ sinh rồi lại nhanh chóng quay trở lại vị trí. Thi thoảng, người đàn ông đưa Nguyên đến khi sáng lại ra kiểm tra, nhiều khi người này còn đỗ xe gần nơi Nguyên bán hàng và lặng lẽ quan sát.
Khi trời đã về khuya, vắng bóng người thì lúc đó Nguyên mới bắt đầu thu gom đồ đạc để đi về phía phố Nguyễn Hữu Thọ. Ngay sau đó, người đàn ông đi xe máy phóng đến, nhanh chóng bế Nguyên lên xe rồi đi về hướng đường Giải Phóng. Sau một lúc đi vòng vèo với vận tốc cao và thường xuyên vượt đèn đỏ, đến ngõ 521 Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội), người đàn ông đưa Nguyên về một dãy trọ cấp 4.
Tối 8/5, PV lại tiếp tục có mặt tại nút giao Linh Đàm - Nghiêm Xuân Yêm để ghi nhận những gì đang xảy ra. Lúc này người đàn ông có khuôn mặt dữ dằn thường ngày chở Nguyên đến điểm hẹn đã có mặt để chuẩn bị đón những người tàn tật bán hàng về. Trước đó, người này đã liên tục xuất hiện để "thị sát" việc Nguyên bán hàng, thi thoảng lại đến kiểm đếm tiền trong giỏ xách. Khác với thời điểm trước Tết, bây giờ người đàn ông thường đứng xa hơn, nhưng tần suất kiểm tra thì dày hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người tàn tật dưới sự quản lý của người đàn ông nêu trên được liên tục điều chuyển đến các địa bàn khác nhau.
Đến khoảng 22h45, người đàn ông gọi điện thoại, ngay sau đó chúng tôi thấy Nguyên dịch chuyển sang đường Linh Đàm. Tiếp đến, gã phóng xe máy qua đón một bà già bị tật ở tay. Thường ngày, bà cụ này bán hàng rong cách chỗ Nguyên đang đi bộ không xa. Sau đó, người đàn ông chở cả Nguyên và bà cụ phóng nhanh ra hướng đường Giải Phóng.
Hàng ngày, Nguyên phải bán hàng từ 6h sáng đến tận 23h đêm mới được về
Đang đi với tốc độ cao, gã đỗ xe vào lề đường, rút điện thoại gọi cho ai đó. Khoảng 15 phút sau, từ phía nút giao Giải Phóng - Yên Sở xuất hiện một người phụ nữ khoảng trên 40 tuổi. Người này đến rồi cũng leo lên xe máy. Chiếc xe phóng đi theo đường vành đai 3 về hướng công viên Yên Sở. Đích cuối cùng là khu trọ ở tổ 15, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Theo tìm hiểu của PV, người đàn ông nêu trong bài còn liên kết với một số người khác để đưa đón người tàn tật. Đặc biệt từ tháng 12/2017 đến nay, người này đã ít nhất 2 lần chuyển nơi ở trọ.
Ngày hôm sau, chúng tôi quay trở lại khu vực này. Theo tìm hiểu, căn phòng trọ do người đàn ông tên K thuê, rộng chừng 20m2 có một gác xép. Gác xép là nơi ở của vợ chồng K và hai đứa con, phía dưới là chỗ ngủ của Nguyên và một số người khuyết tật khác.
Người dân tại địa bàn cho biết, K quê ở Thanh Hóa, chuyên “quản lý” những người tàn tật. Những người tàn tật này được K đưa đi từ rất sớm và về lúc nửa đêm. Người thân của K không liên quan gì đến công việc này. "Công việc hàng ngày của người đàn ông này là đưa những người tàn tật ra các điểm như ngã tư Pháp Vân, ngã Tư Vọng, ngã Tư Sở, ngã Tư Linh Đàm… để bán hàng rong kiếm tiền rồi đến tối đón về”, một người dân sống cạnh khu trọ của K cho hay.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Chỉ, Tổ trưởng Tổ dân phố 32 (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nơi có căn nhà trọ nêu trên cho biết: “Nơi K thuê trọ như phóng viên phản ánh có rất đông người nên chúng tôi không nắm được. Hơn nữa, công tác tạm trú, tạm vắng thuộc sự quản lý của công an khu vực và dân phòng. Việc chăn dắt người tàn tật đúng là trước đây có nhưng sau đó người ta đã bỏ rồi. Nếu tái diễn tình trạng này chúng tôi sẽ báo cho bên công an đến kiểm tra”.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
2 tháng trước
Tin nên đọc