Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 31:
Bàn đạp “tấn công” đấu trường châu lục, thế giới
- Văn hóa - Giải trí
- 16:21 - 21/06/2022
Thành công không chỉ của ngành thể thao
Nồng nhiệt chúc mừng và đặc biệt biểu dương những thành tích xuất sắc đoàn TTVN đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Các đồng chí và các bạn đã mang lại cho đất nước, cho nhân dân, cho hàng triệu người hâm mộ niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm tự hào với những cung bậc cảm xúc khó quên. Đã có thật nhiều nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc trong những ngày vừa qua.
Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 với rất nhiều khó khăn và thách thức, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thậm chí kế hoạch tổ chức đã phải lùi lại 6 tháng so dự kiến ban đầu.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, quyết liệt của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân và đặc biệt là sự cố gắng vượt bậc trong tập luyện và thi đấu của gần 5.000 VĐV ở 40 môn thể thao với 523 nội dung mà phần lớn là các môn Olympic và Asiad, chúng ta đã có một kỳ SEA Games thành công rực rỡ, công bằng, trung thực, trong sáng với tinh thần thể thao cao thượng.
Đó cũng là minh chứng cho việc Việt Nam đã ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, tự tin mở cửa với thế giới”.
Thủ tướng bày tỏ, để giành được những tấm huy chương, để bước lên đài vinh quang, khoác lên mình lá cờ Việt Nam, các VĐV đã đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả tuổi thanh xuân của mình.
“Chúng ta còn rất nhiều mục tiêu, nhiều việc phải làm, nhiều giải đấu lớn khác ở châu lục và quốc tế. Chúng ta phải phấn đấu nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa để chinh phục những đỉnh cao mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Những con số biết nói
Với thành tích đạt được 446 huy chương các loại, trong đó có 205 HCV, TTVN đã ghi dấu son lịch sử của SEA Games với số lượng HCV lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, một số môn thể thao cũng đã đi vào lịch sử. Đáng chú ý, đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 7 vô địch SEA Games, 3 lần liên tiếp đoạt HCV. Đội tuyển bóng đá nam lần thứ 2 liên tiếp đoạt HCV SEA Games. Lần thứ 2 cả hai đội tuyển bóng đá nam, nữ đoạt HCV SEA Games.
Đội tuyển điền kinh quốc gia đạt tới 22 HCV và 3 lần liên tiếp dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, phá thế thống trị của Thái Lan. Bên cạnh đó, một số môn thể thao Olympic và Asiad cũng đạt được thành tích vượt trội, như: Bơi 11 HCV, judo 9 HCV, taekwondo 9 HCV, vật 17 HCV, rowing-canoeing 8HCV, wushu 10 HCV...
Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn cho biết, trong tổng số 40 môn tham dự, đã có 38 môn của đoàn TTVN đoạt huy chương (chiếm 95%), 2 môn không đoạt huy chương là golf và bowling (chiếm 5%).
Có 22/23 môn thể thao Olympic đoạt huy chương (chiếm 95,65%), trong đó 18/23 môn thể thao Olympic đoạt HCV (chiếm 78,26%). Có 13/14 môn thể thao trong chương trình của Asiad đoạt huy chương (chiếm 92,85), trong đó có 12/14 môn đạt HCV.
Trong tổng số 41 kỷ lục SEA Games, các VĐV nam xác lập 21 kỷ lục mới ở các môn: Điền kinh, bơi, cử tạ, xe đạp và lặn. Những thành tích đạt được tại SEA Games 31 cho thấy TTVN đang có sự chuyển mình đáng kể và là bước đột phá vượt trội thành tích với các môn thể thao Olympic và Asiad.
Một kỳ SEA Games fair-play
Theo thống kê, đoàn TTVN giành được 119 HCV các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024, chiếm 58% tổng số HCV đã đoạt được tại SEA Games 31.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN, ông Nguyễn Đức Phấn đánh giá: "Ở các môn Olympic, đoàn TTVN thi đấu tốt và có thành tích vượt dự liệu. Chúng ta giành được thành tích cao không phải vì nhờ tới những môn đặc thù chủ nhà để vượt lên các đối thủ. Điều này cho thấy TTVN đang đi đúng hướng".
SEA Games 31 là sân chơi công bằng, sòng phẳng. Việt Nam không đưa thế mạnh của mình, mà hạn chế thế mạnh của bạn. Việc đoàn TTVN thi đấu thành công phần lớn đến từ việc nhiều VĐV đã vượt qua chính mình khi thể hiện quyết tâm cao nhất. Những kỳ SEA Games gần đây ta luôn đứng trong 3 nước dẫn đầu Đại hội, nên lần này giành ngôi nhất không phải là bất ngờ".
Thực tế cho thấy, những cuộc tranh tài ở điền kinh, bơi lội, bắn súng, đua thuyền, taekwondo, vật... luôn diễn ra một cách sòng phẳng. Đáng chú ý, tại SEA Games năm nay, BTC đã mời hơn 1.300 trọng tài quốc tế điều hành các trận đấu để tạo tính khách quan, công bằng.
Có những môn chấm điểm cảm tính như pencak silat thậm chí còn có "công nghệ VAR" để xem lại những tình huống gây tranh cãi. Các môn điền kinh, bơi lội, bắn súng... đều có các thiết bị tính điểm hiện đại nhất.
Sự quyết tâm tạo nên một kỳ SEA Games "fair-play" nhất trong lịch sử của chủ nhà Việt Nam càng khiến những tấm HCV mà các VĐV giành được là thực chất, gần như không có những cuộc kiện cáo tốn nhiều giấy mực báo chí như các kỳ đại hội trước.
Từ SEA Games tới Asiad, Olympic
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dù SEA Games 31 đã khép lại nhưng sắp tới ngành sẽ tập trung vào nhiều công việc. Đó là việc hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TTVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó có các môn thể thao thành tích cao mà Việt Nam có ưu thế.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng, đặc biệt là thể thao trong trường học; tập trung đầu tư, phát triển các môn thể thao trọng điểm có trong chương trình Olympic, Asiad để nâng cao thành tích; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu thể thao.
“Hiện, Asiad 19 đã được nước chủ nhà Trung Quốc báo hoãn mà chưa có thời gian tổ chức lại. Sau SEA Games 31, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào kế hoạch đầu tư cho 30 VĐV trọng điểm để tranh tài ở Á vận hội.
Mặc dù giành 205 HCV ở SEA Games 31, nhưng Asiad là sân chơi hoàn toàn khác đối với chúng ta. Sau khi rà soát lực lượng, chúng tôi cân nhắc đặt mục tiêu giành từ 3-5 HCV ở sân chơi này”, ông Trần Đức Phấn cho biết:
Phải có chiến lược bài bản để đầu tư cho các VĐV, các nội dung ở một số môn thi có khả năng giành HCV Asiad, huy chương Olympic. Với thực lực hiện nay thì 20 năm nữa bơi lội, điền kinh Việt Nam cũng không có huy chương Olympic. “Kình ngư Huy Hoàng rất xuất sắc nhưng chỉ đặt mục tiêu ở Asiad chứ giành huy chương Olympic là không khả thi", ông Phấn thừa nhận.
Sự thừa nhận của ông Phấn là hoàn toàn thực tế. Số lượng 205 HCV ở SEA Games, phần nhiều trong số đó nằm ở những môn Olympic, Asiad, không đồng nghĩa với việc bảo đảm cho vinh quang tại đấu trường thế giới và châu lục.
Cần nhắc đến bài học 19 năm trước, khi Việt Nam cũng là nước chủ nhà SEA Games 2003 xếp nhất toàn đoàn với 156 HCV, với một bầu không khí bùng cháy, nhưng ngay năm sau dự Olympic 2004, thành tích tốt nhất chỉ là vị trí thứ 5 của cử tạ, không có dấu ấn gì.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn TTVN tại nhiều Đại hội quốc tế, đánh giá: “Điều duy nhất của thành tích thể thao cần phải nhìn thấy đó là sự ổn định ở khu vực, đứng đầu khu vực nhưng mà thành tích thì lên một trình độ khác thì đó là một bài toán còn cần phải nghiên cứu trong nhiều năm tới.
Muốn như thế thì phải đầu tư cho VĐV trẻ có trình độ cao, giúp các VĐV có sự phát triển hơn. Tức là khi chúng ta muốn tiến lên một đấu trường lớn hơn, là châu lục và Olympic thì cần phải tập luyện, phải đào tạo VĐV trọng điểm ở môn thi đấu trong chương trình Olympic”.