Bài toán giải quyết nhà ở xã hội tại TP.HCM
- Huyệt vị
- 13:56 - 26/02/2019
Gần 500.000 hộ chưa có sở hữu nhà ở
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2 triệu hộ gia đình, trong đó, có gần 500.000 hộ chưa có sở hữu nhà ở, ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình đông người trong những căn nhà nhỏ có diện tích ở bình quân thấp hơn 10m2/người. Năm 1990, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng 1.000 căn nhà ở xã hội bán trả góp trong thời hạn 10 năm đạt hiệu quả rất tốt.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn...
Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra. Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện khảo sát mẫu thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000; đa số trong các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%. Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.
Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ
Nhưng trên thực tế nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh công nghiệp hóa cao, mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và giải pháp thực hiện thật khả thi.
Một số chuyên gia tính toán, với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 1 triệu dân cư đô thị và hiện trạng phát triển nhà ở thì đến năm 2020, nỗ lực lắm cũng chỉ đảm bảo thực hiện được 40% so với mục tiêu đề ra.
Làm sao để “cung” đáp ứng đủ “cầu”
Hiện nay, trong khi nhu cầu nhà ở ngày một cao, tộc độ đô thị gia tăng mạnh thì nguồn đất đai lại hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn vay là lực cản lớn nhất đối với người mua nhà và chủ đầu tư.
Về chính sách tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, những chính sách này chưa thực sự phù hợp và sát với nhu cầu thực tế nên các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản không mấy mặn mà.
Vì vậy, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản số 14/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về việc đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội (NOXH) tại khu vực đô thị.
HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất như lãi suất trên đây đối với cả người mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
Nhiều giải pháp gỡ khó cho chính sách nhà ở xã hội
Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất cùng một loại lãi suất và cùng thực hiện cơ chế gửi tiết kiệm nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV.
Bên cạnh đó, Hiệp hội còn kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua NOXH từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị.
Thực tế, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Nhiều địa phương có quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng lại ưu tiên cho mục đích thương mại.
Một trong những khó khăn lớn nhất đối với những người mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư dự án là vốn. Trong số hàng chục ngân hàng hô hào sẵn sàng cung vốn, nhưng chỉ có 4 ngân hàng áp dụng mức lãi suất tín dụng ưu đãi 5%/năm cho người mua nhà ở xã hội như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank.
Do mức thu nhập thấp và tâm lý thích “sở hữu” thay vì thuê mua nhà nên người dân khó tiếp cận được với những dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, giá cả trên thị trường nhà ở xã hội thấp nhất cũng phải từ 400 - 500 triệu đồng/căn...
Theo HoREA, tất cả các yếu tố trên đã tạo ra lực cản đối việc phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến cung cầu không thể gặp nhau. Để cung cầu nhà ở xã hội gặp nhau, trước mắt và lâu dài luôn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.