Bài học từ Trung tâm hành chính Đà Nẵng
- Tây Y
- 16:53 - 13/08/2016
Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng (trái) được "gói" trong lớp kính hứng trọn ánh nắng mặt trời. Ảnh: vnexpress.vn
Tòa nhà nghìn tỉ thiếu… oxy
Thông tin chính quyền Đà Nẵng muốn di dời Trung tâm hành chính tiết lộ tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hôm 11/8 khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Bởi vì, tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng được coi là biểu tượng của thành phố này (cao 166,8 mét và được bao phủ 21.000 mét vuông kính) có vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng và chỉ mới đưa vào sử dụng có hai năm.
Còn nhớ, tại buổi khánh Trung tâm hành chính ngày 8/9/2014, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (lúc đó), cho biết tòa nhà được thiết kế theo kiến trúc ngọn hải đăng dẫn đường và phần đế tạo hình chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm đang vươn ra khơi này “là điểm nhấn kiến trúc hiện đại, độc đáo”.
Tọa lạc tại số 24 đường Trần Phú, bên bờ sông Hàn, Trung tâm hành chính Đà Nẵng (xây dựng trên khu đất rộng 23.318 mét vuông và có tổng diện tích sàn 65.234 mét vuông) và được trang bị hệ thống tích hợp quản lý thông minh, tự động nên chính quyền Đà Nẵng khi đó kỳ vọng đây sẽ là nơi làm việc thân thiện, thoải mái của 24 sở, ban, ngành và UBND Thành phố Đà Nẵng.
Và, với việc tập trung gần như toàn bộ bộ máy chính quyền vào tòa nhà Trung tâm hành chính, nên chính quyền Đà Nẵng khi đó không chỉ coi tòa nhà là biểu tượng về kiến trúc mà còn là biểu tượng của nền hành chính “hiện đại - thống nhất - hiệu quả” - thân thiện và tận tụy phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau hai năm vận hành tòa nhà trung tâm hành chính, giờ đây chính quyền Đà Nẵng lại muốn xây dựng một trung tâm hành chính khác. Vì sao vậy?
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng hôm 11/8/2016, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết trung tâm hành chính hiện tại có nhiều ưu điểm (thúc đẩy việc cải cách thủ tục hành chính nhanh, tạo nên chỉ số PCI cao…) nhưng cũng có nhược điểm như không khí chưa sạch, nóng quá – thiếu oxy, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người làm việc trong tòa nhà.
Sai lầm trong thiết kế kiến trúc?
Việc có di dời trung tâm hành chính hay không, theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, cán bộ, công chức đang làm việc trong tòa nhà trung tâm này.
Tuy nhiên, nhận định về “sự cố” ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng, KTS Ngô Viết Nam Sơn, nói: “Vấn đề của tòa cao ốc này là chi phí vận hành quá cao chứ không phải chuyện thiếu oxy”.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, thiết kế kiến trúc của tòa nhà chỉ phù hợp với với vùng khí hậu lạnh, không phù hợp với khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Với kiến trúc hình cột tròn và bao phủ kín bít toàn bộ mặt ngoài là kính nên tòa nhà hứng trọn ánh nắng mặt trời từ sáng tới chiều. Do đó, tòa nhà này rất nóng - như ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng nói – là điều đương nhiên.
“Để giảm độ nóng cho tòa nhà thì phải đầu tư rất lớn cho hệ thống điều hòa nhiệt độ nên chắc chắn chi phí vận hành của tòa nhà sẽ rất cao. Dù chính quyền Đà Nẵng không công bố chi phí vận hành tòa nhà, nhưng theo tôi, đây mới chính là lý do thật sự để đi đến ý tưởng di dời trung tâm hành chính của chính quyền Đà Nẵng”, ông Ngô Viết Nam Sơn nói.
Ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để khắc nhược điểm của tòa nhà, chính quyền Đà Nẵng nên cải tạo lại tòa nhà theo hướng đầu tư thêm các lam che nắng và mở các không gian thông thoáng tự nhiên (tháo bớt kính bao phủ). Theo ông, nếu làm điều này sẽ giảm được 50% độ nóng của tòa nhà. Và khi đó, Đà Nẵng không cần phải di dời trung tâm hành chính quá tốn kém nữa!
Từ sai lầm trong việc lựa chọn thiết kế kiến trúc của Trung tâm hành chính Đà Nẵng nhìn ra và thấy rằng, không chỉ chính quyền Đà Nẵng sai lầm mà cả một số ông chủ tư nhân cũng đã mắc sai lầm tương tự. Vì vậy, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để tránh những sai lầm tương tự (những công trình cao ốc có kiến trúc không thân thiện môi trường) Bộ Xây dựng cần ban hành quy định về tỷ lệ phần trăm diện tích kính bao mặt tiền của các cao ốc cũng như kiểm soát các công trình có kiến trúc hao tốn điện năng.