THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:51

Bài học giữ biển, đảo từ Cách mạng tháng Tám

 

Tàu tên lửa của Vùng 2 Hải quân tuần dương trên biển. 

Đem sức ta mà giải phóng cho ta

Từ năm 1945, xã hội Việt Nam trong tình thế “thù trong giặc ngoài”. Trong nước, bọn phong kiến cấu kết với đế quốc Pháp và Nhật tiến hành quyền lực cai trị ở Việt Nam. Chúng cho rằng Việt Nam là “miếng mồi ngon” quyết không nhường nhịn. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến Nhật- Pháp lên đỉnh điểm mâu thuẫn. Trước tình hình ấy, Chủ tịch Hồ chí Minh nhận định, phải tiến hành nhanh chóng khởi nghĩa giành thắng lợi, thời cơ thuận lợi đã chín muồi, không thể chậm trễ. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào đã thông qua “10 chính sách lớn của Việt Nam” và “Lệnh tổng khởi nghĩa”. Tại đây, Đại hội đã quyết định Quốc kỳ nền đỏ sao vàng, chọn bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca và bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch. Trước tình thế không thể trì hoãn, để khơi dậy và phát huy lòng yêu nước khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, toàn thể đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 2 triệu dân từ Bắc đến Nam đã đồng loạt vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công. Cuộc tổng khởi nghĩa bắt đầu nổ ra từ ngày 14 đến 18/8 và giành được thắng lợi ở nông thôn, đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận các tỉnh miền Trung và các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hội An (Quảng Nam). Tại Hà Nội ngày 17/8, Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát thành phố. Cuộc mít tinh có hàng vạn người tham gia. Trong cuộc mít tinh ấy, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng, chiếm diễn đàn mít tinh. Cán bộ Việt Minh đã diễn thuyết thông báo cho nhân dân biết quân Nhật đã đầu hàng, kêu gọi nhân dân đứng dậy đánh đổ quân Nhật. Cuộc mít tinh đã trở thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy, bắt đầu từ Quảng trường Nhà hát thành phố qua phố Tràng Tiền, Hàng Đào, Hàng Ngang đến chợ Đồng Xuân ra cửa Bắc. Quần chúng vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh. Đả đảo bù nhìn. Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Cả Hà Nội bừng bừng khí thế cách mạng tiến công, sôi sục khởi nghĩa. Ở ngoại thành Hà Nội, cờ đỏ sao vàng giương cao công khai, một số nơi đã thành lập chính quyền cách mạng.

 

Một góc cuộc mít tinh khổng lồ tại Hà Nội ngày 2/9/1945. (ảnh tư liệu)

Cách mạng tháng Tám đã giành thắng lợi trọn vẹn ở Hà Nội ngày 19/8 và nhanh chóng lan tỏa đi cả nước. Cùng ngày với Hà Nội, chính quyền các tỉnh Yên Bái, Thái Bình, Phúc Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa đã về tay nhân dân. Thừa thắng, nhân dân cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa. Từ 20 đến 28/8 hầu hết các địa phương trên cả nước từ Móng Cái đến Hà Tiên khởi nghĩa giành thắng lợi. Địa phương cuối cùng khởi nghĩa giành thắng lợi là Đồng Nai và Hà Tiên ngày 28/8. Ngày 2/9/1945, trong tiết mùa thu tháng Tám, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và tuyên bố với thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành nước tự do độc lập”.

Sẵn sàng chiến đấu.

Bài học giữ biển, đảo ngày nay

Thành công vang dội của cách mạng tháng Tám không chỉ khẳng định cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, hoàn toàn có khả năng thắng lợi ở một nước thuộc địa bị đế quốc và tay sai bao vây bốn phía, mà còn khẳng định sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân. Sức mạnh ấy là đỉnh cao của lòng yêu nước nồng nàn, nó đã “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Sức mạnh ấy triệu người như một, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, giai cấp. Bên cạnh đó, chúng ta không bao giờ quên 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam bị bọn xâm lăng tàn sát đẫm máu ngoài đảo đá Gạc Ma- Trường Sa. Trước họng súng quân thù, Trung úy Trần Văn Phương đã kiên quyết cắm lá cờ đỏ sao vàng giữ cột mốc tiền tiêu. Trước lúc hy sinh ngã vào lòng biển, Trung úy Phương hô vang: “Hãy để lá cờ đỏ sao vàng tô thắm truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh giằng co với địch quyết cắm cờ Tổ quốc giữ đảo và bị địch bắn  và đâm lê vào vai trái.

Sau 29 năm xương cốt của 64 liệt sĩ Gạc Ma nằm lạnh cóng dưới tầng sóng lạnh, ngày 14/7/2017, Tổ quốc đã đón các anh trở về đất mẹ. Cuộc hành trình cuối cùng của 64 liệt sĩ từ biển trở về trầm mặc trong đau thương của những người mẹ, người vợ, người thân bên bến biển Mỹ Ca. Đó là cuộc trở về của niềm bi thương hùng tráng. 64 ngôi mộ gió trên bán đảo Cam Ranh là 64 linh hồn bất tử. Tổ quốc khắc ghi công lao các anh hùng liệt sĩ, thế hệ người Việt Nam ngàn đời tạc vào tâm khảm đức hy sinh quên mình cho biển đảo hồi sinh của 64 chiến sĩ Gạc Ma của thế kỷ XX.

Bài học giữ vững chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn cách mạng mới ngày nay chính là khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đó là sức mạnh của trí tuệ và tinh thần yêu nước vốn lấy yêu chuộng hòa bình làm nền tảng cho sự phát triển, lấy đạo nghĩa cho sự tồn tại, lấy hữu nghị đoàn kết cho thế giới hòa bình, mà “Sức mạnh đại đoàn kết” trong Cách mạng tháng Tám 1945 là một kinh nghiệm thực tiễn.

Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 là vùng biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam, là phần lãnh thổ thiêng liêng không tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây máu xương của bao người đã đổ để giữ đảo, giữ biển yên bình. Bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong Cách mạng tháng Tám cách đây 72 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị, và nó là “cẩm nang thần kỳ” để quân, dân Việt Nam đấu tranh giữ vững chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa DK1 của Tổ quốc.

TRẦN MẠNH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh