THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:02

Bài 8: Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ để ngăn ngừa, giảm thiểu sa thải lao động

Đẩy mạnh các chính sách để hỗ trợ, ngăn ngừa, giảm thiểu sa thải lao động - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Trung.

* Trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh có nhóm chính sách về Bảo hiểm thất nghiệp. Cục Việc làm đã tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH về những chính sách Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Ông đánh giá như thế nào?

Ông Lê Quang Trung: - Trong bối cảnh mà dịch Covid-19 tác động trực tiếp nghiêm trọng đến người lao động và người sử dụng lao động, vì vậy việc đề xuất các chính sách hỗ này của Bộ LĐ-TB&XH là hết sức cần thiết và đáp ứng kịp thời trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách mà chúng ta đã thực hiện được 11 năm, đã phát huy được vai trò đối với bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động trong tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ cho người sử dụng lao động trong lúc khó khăn để giảm bớt chi phí về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; đồng thời giúp cho người lao động có được các thông tin hỗ trợ được tuyển dụng của người thất nghiệp.

Đây là những chính sách hết sức quan trọng của Bảo hiểm thất nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH trong thời gian vừa qua đã đề xuất sáu nhóm chính sách, trong đó có những chính sách về chậm đóng, miễn đóng Bảo hiểm xã hội nói chung và Bảo hiểm thất nghiệp nói riêng. Tôi cho rằng đây là những chính sách hết sức kịp thời và giải quyết được bớt khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động. Bởi, những chính sách này là những chính sách thể hiện tính nhân văn và thể hiện được sự hỗ trợ cũng như quan tâm của khối các vấn đề lao động, việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Vì vậy, tôi đánh giá rất cao những đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH vừa qua.

* Trong nhóm chính sách về Bảo hiểm thất nghiệp có 3 nội dung,  thứ nhất , tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp; thứ 2, sẽ tập trung miễn hoàn toàn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những người mà bị mất việc, bị dừng việc do tác động của Covid-19; thứ 3, sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cho người lao động. Vậy liệu Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có đủ để đáp ứng khi những chính sách này được thực hiện không, thưa ông?

- Khi xây dựng, thiết kế chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành cũng đã tính toán, cân nhắc các phương án để làm sao đảm bảo an toàn quĩ trong điều kiện mà khó khăn nhất. Vì vậy, trong 10 năm qua (tính đến năm 2019), quĩ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn là trên 79 nghìn tỷ. Do đó, đây là một nguồn quĩ kết dư rất quan trọng để chúng ta có cơ sở trình với các cấp có thẩm quyền, để có những chính sách phù hợp hơn đối với người lao động trong thời buổi dịch cúm Covid-19 này. Đặc biệt là các nhóm chính sách liên quan đến trợ cấp cho người thất nghiệp, như hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại nghề cho người lao động.

Đặc biệt, đối với nhóm này, những doanh nghiệp mà sử dụng nhiều lao động, trong đó phải sử dụng nhiều lao động nữ thì đây là những điều kiện mà chúng ta thực hiện. Tôi cho rằng, với nguồn kết dư của chính sách này, đảm bảo rằng sẽ thực hiện được các chính sách mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.

Đẩy mạnh các chính sách để hỗ trợ, ngăn ngừa, giảm thiểu sa thải lao động - Ảnh 2.

Lao động đến làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm. Ảnh minh họa.

* Thời điểm này do tác động của dịch Covid-19, báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp ngày một gia tăng. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tại các Trung tâm dịch vụ việc làm có gặp khó khăn gì không?

- Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác đều phải ngừng sản xuất; thậm chí nhiều đơn vị phải ngừng toàn bộ và một bộ phận do nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ thiếu nguyên liệu, sản phẩm không cung cấp được, kéo theo các điều kiện sản xuất gặp khó khăn. Sau đó, người lao động thất nghiệp, mất việc làm, ngừng việc làm hoặc thôi việc đến với các trung tâm dịch vụ việc làm ngày một tăng là điều tất yếu.

Vì vậy, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, chúng ta vẫn phải thực hiện làm sao để đảm bảo an toàn, thuận lợi và tốt nhất cho người lao động và cả cán bộ của các trung tâm dịch vụ việc làm. Do đó, nhiều trung tâm dịch vụ việc làm đã cải tiến, xây dựng qui trình để tác nghiệp, hướng dẫn người lao động đến các trung tâm hoặc thông qua hệ thống môi trường mạng để nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, thông báo nhu cầu tìm kiếm việc làm và hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đã đề xuất các giải pháp trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản hoặc qua hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm không tổ chức các hội chợ việc làm trực tiếp, nhưng đẩy mạnh giao dịch  làm việc làm qua online để người lao động nắm bắt được thông tin mà vẫn đảm bảo an toàn.

Tôi đánh giá rất cao các hoạt động, qui trình tác nghiệp, sáng kiến của các trung tâm dịch vụ việc làm cũng như cán bộ, nhân viên trung tâm mặc dù họ còn gặp những khó khăn về chiến đồ và điều kiện về tài chính…

* Chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ta hiện nay nặng về giải quyết hậu quả, nhưng lại nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể tiếp tục sử dụng lao động thay vì cho họ thôi việc, chấm dứt hợp đồng... "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Theo ông, thời gian tới, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cần phải thay đổi những gì cho phù hợp?

- Như tôi đã nói, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta thực hiện đến nay được 11 năm, trong chính sách đã có qui định cả về giải quyết hậu quả và ngăn ngừa. Trong đó, giải quyết hậu quả đối với những người đã thất nghiệp; ngăn ngừa, hạn chế cũng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp về việc đào tạo để tránh sa thải người lao động. Tuy nhiên, qui định hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề điều kiện còn khá khắt khe và chặt chẽ; đồng thời, chúng ta mới chỉ qui định chính sách cho việc đào tạo nghề chứ chưa có các qui định liên quan đến hỗ trợ các doanh nghiệp để giữ chân người lao động, thông qua việc trả cho một phần hoặc trả toàn bộ các khoản chi phí về tiền lương, hay các khoản đào tạo khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có chính sách đối với các nhóm lao động mang tính thời vụ, chưa có chính sách cho các doanh nghiệp sử dụng lao động có tính chất không ổn định.

Trong giai đoạn tới, chúng ta cần đẩy mạnh các chính sách để hỗ trợ, ngăn ngừa, giảm thiểu việc sa thải lao động. Trong đó xác định cho rõ các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp mà có nguy cơ sa thải, giao động nhiều, lao động không ổn định để đào tạo, giữ chân người lao động và làm sao để người lao động gắn bó với người sử dụng lao động.

Có thể với những doanh nghiêp mà công việc có tính thời vụ thì trong khoảng thời gian đó phải dành ra một khoản nhất định tương ứng với khoản trợ cấp thất nghiệp trả cho doanh nghiệp để doanh nghiệp trả cho người lao động giữ lại, không chuyển sang doanh nghiệp nữa. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhưng trên cơ sở các doanh nghiệp phải có các đề án cụ thể và có các phương án để xử lý vấn đề lao động; đồng thời chúng ta cũng giảm bớt các thủ tục, điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp để đào tạo người lao động.

Tuy nhiên, tất cả những phương án này trong thời gian tới cần tính toán, cân nhắc, tách biệt các khoản đóng vào quĩ Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó cũng phải tính đến bài toán cân đối quĩ của Bảo hiểm thất nghiệp, phương án quản lý và chống việc trục lợi, gian lận trong việc thực hiện chính sách này.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

THANH HÒA (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh