Sơn La: Người dân kêu khốn khổ vì cao su, cán bộ nói: "Bà con nên cố gắng"
- Dược liệu
- 17:17 - 28/03/2019
Ông Lường Văn Khi, người dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: “Theo tôi được biết, từ khi trồng cây cao su từ năm 2008 đến nay, có cán bộ xã Mường Bo vào tuyên truyền, huyện cũng có nhiều người, cán bộ công ty đến vận động người dân tham gia, lúc họ vận động người dân không mấy nhiệt tình trồng cây cao su, về sau được vận động từ các trưởng bản, bí thư, bắt đầu trồng cao su thì năm nào cũng hỗ trợ cho công nhân nhưng đến nay chưa hỗ trợ gì cả, về sau đến năm 2015 cây cao su đã khép tán, việc làm cỏ, chăm sóc không phải làm nhiều nữa nên công nhân không có việc làm và không có thu nhập. Mà cây cao su hàng năm đến mùa lại chết cành, chết cây nên có khả năng cây cao su không mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Cho nên hơn 300 người ở xã Mường Bo bây giờ xin nghỉ, xin rút bảo hiểm và không còn ai là công nhân nữa. Về sau chúng tôi muốn lấy lại đất, người dân có làm đơn lên xã, huyện, tỉnh và công ty nhưng gần 3 năm nay rồi không có kết quả, thứ nhất chúng tôi đề nghị hỗ trợ, hai là trả lại đất cho người dân, thứ 3 là nếu không trả lại đất cho người dân thì đề nghị thầu đất của dân.
Dự án cao su được biết qua tuyên truyền miệng của trưởng bản, bí thư, cán bộ các cấp chứ không có văn bản gì cả, từ năm 2008 đến nay không có cam kết, hợp đồng gì cả, chỉ có ký giấy diện tích đất của mình, ví dụ 1ha… đất trước kia thì trồng mía, trồng sắn ngưòi dân có thu nhập".
Anh Lò Văn Hùng, bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: “Trong gia đình tôi từ trước đến giờ chỉ trồng ngô, sắn, đất của mình giáp sân bay Nà Sản, có hơn 8.000m, lần đầu tiên vợ bảo trồng cao su đi không mỗi nhà mình không trồng không được ăn, đợt đó đang trồng ngô mỗi năm được khoảng 10 – 12 triệu đồng. Sau đó cán bộ tuyên truyền với bà con, mỗi hộ góp đất từ 4.000 – 5.000m là được nhận vào làm công nhân, nhưng nhà tôi tách ra cho em trai một ít, nên cắt ra không đủ một ha không được vào, có hộ 9.000m không được vào nên họ rất thiệt thòi nên 10 năm qua không được gì. Theo tuyên truyền thì gia đình góp đất lúc đó giá đất khoảng 10tr/ha, nhưng từ khi trồng người dân chỉ được ký xác nhận đất đó là của mình thôi. Chứ còn văn bản ký kết hợp đồng 10 năm nay chưa có gì".
Hiện tại sổ đỏ diện tích đất anh Hùng vẫn giữ ở nhà, chưa có hợp đồng với công ty, còn đất canh tác không có nhưng đã đi làm thuê khắp nơi. "Trước mắt chúng tôi thống nhất muốn công ty giải quyết những yêu cầu cần thiết nhất của dân, nhưng ở trong bản có chú Hạnh không có tiền cho con đi học, đáng nhẽ con được học sinh tiên tiến nhưng bị cắt vì không có tiền đóng học. Còn chú Hinh từ ngày góp đất trồng cao su đi làm thuê ở Hải Phòng suốt, không ở nhà, vì ở nhà không biết làm gì. Lúc đầu, làm công nhân nghe nói hai ba năm đầu thì có việc làm, có việc nhưng hiện nay còn đâu có 6 người đang cạo mủ, mỗi ha được 6 tạ, nếu bán giá hiện nay thì không có lãi. Mà thực trạng của công nhân hiện tại bỏ vào nhà máy đường, sắn, đi làm xây dựng rất đông, vì làm ở công ty không có lương nên có một số người đi làm nơi khác đóng bảo hiểm. Hiện tại chúng tôi muốn công ty trả lại đất, nếu thầu đất phải rõ ràng" - ông Hùng nói.
Ông Hồ Anh Đức, Tổng Giám đốc công ty Cao su Sơn La trao đổi với PV.
Về việc người dân cho rằng phía công ty không giữ lời hứa như “Khi tuyên truyền, có nói sản lượng của toàn bộ chu kỳ là 1.6 tấn. Những năm đầu khai thác ngoài này chỉ được 5.5-6 tạ… Lúc cao nhất là được 2-3 tấn/ha/năm. Thì những năm sau sẽ đạt được thu nhập cao hơn rất nhiều, tính trung bình ra là như vậy” – Ông Hồ Anh Đức, TGĐ Công ty CP Cao su Sơn La nói.
Có những chuyên gia cho rằng cây cao su không phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở phía Bắc, ông Đức cho hay: “Từ ngày đầu tiên đã có rất nhiều ý kiến là có trồng được không, sống được không, ra mủ không, giá thế nào? Bước đầu đúng là gặp nhiều khó khăn so với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Dân hầu như chưa biết về cây cao su, địa hình thì phức tạp. Cán bộ đều trong kia ra nên hướng dẫn dân nắm được kỹ thuật tốt. 2010 – 2011, rét lịch sử, một số cây chết, Tây Bắc không ảnh hưởng lắm nhưng Đông Bắc chết nhiều. Sau lấy những giống chịu lạnh, giờ thì cây phát triển tốt. Đến nay sau 3 năm khai thác, sản lượng đã vượt ngoài kỳ vọng nên đã khởi công xây nhà máy và khánh thành cuối năm ngoái".
Việc một số hộ gia đình thu hoạch mủ cao su nhưng được hưởng rất ít ông Đức cho rằng: “Lương khai thác trung bình 2-3 triệu. Họ so sánh trồng ngô nhưng không tính vốn giống, công chăm ngô, không tính lương tháng.
Người dân lo lắng, hàng trăm cuộc họp bàn nhưng chưa tìm ra giải pháp tối ưu cho bài toán an sinh.
Ngoài ra với 7.300 hộ, chính sách hỗ trợ 7 triệu/7 năm với những hộ diện tích dưới 1ha. Cây cao su giữ rừng, giữ nước, có thu nhập, sau này là cây gỗ lớn, sau này thanh lý bình quân phải 300-600tr/ha gỗ thanh lý. 95% lao động của công ty là dân tộc thiểu số của tỉnh. Công ty cũng đã đóng góp nhiều về an sinh, đường sá, nhà trẻ, cho dân vay không lãi để làm ăn, mua phân bón ứng cho dân…
Đó là an sinh, nhưng cái cấp bách và bức bối nhất là miếng cơm hằng ngày, công việc hằng ngày, thì mình sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào, ngay trước mắt?".
Theo ông Đức, 3 năm nay người dân không chịu đưa cây vào khai thác, trong khi cứ kêu không có việc làm, không có thu nhập. Hơn 300 ha mà không khai thác thì thiệt hại của công ty là rất lớn. Củ Pe chỉ là một điểm. Nhưng đây là vấn đề chung, nếu mình không giải quyết ổn thoả, thì rất có thể sẽ có Mường Bon thứ 2. Mình có hướng giải quyết như thế nào? Tỉnh, huyện cũng nói người dân vướng mắc thế nào thì đề xuất cho công ty hỗ trợ.
"Người dân chưa thực hiện hết trách nhiệm"
UBND Tỉnh Sơn La đưa ra Nghị quyết trồng cao su. Dân góp đất trồng cao su trở thành chính sách của Tỉnh. Do vậy, cán bộ địa phương được giao nhiệm vụ đi vận động các hộ góp đất.
Ông Lường Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Mường Bon, huyện Mai Sơn cho biết: "Tổng công ty cao su vừa qua đã họp, mời các hộ dân trên địa bàn xã họp, họ đang có phương án, công ty làm với huyện, xã đưa ra các phương án hỗ trợ sản xuất, một là được hỗ trợ vay ngân hàng mua bò, lợn, gà, hỗ trợ trồng cây dưới tán cao su, hỗ trợ giống nhưng dân không làm và muốn khai thác mủ mà mủ chưa đến tuổi khai thác. Tôi sẵn sàng xin việc cho người dân sở tại đến các nhà máy làm chứ không phải tái định cư đâu. Còn hỗ trợ các hộ dân khó khăn phân bón… chúng tôi ở xã lo rất nhiều mặt cho bà con nhân dân, như tết lo cho bà con khai thác mủ... nhưng bà con không ký hợp đồng khai thác mủ, giá chung, mủ thì được 75% nhưng bà con không làm.
Xã có 300 ha, có gần 700 hộ dân, 6.337 khẩu, 1.547 hộ, đất nông nghiệp 3.944 ha, đất nông nghiệp hơn 2.000ha, cao su đa số trồng trên đất lâm nghiệp và được hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng. Bà con năm đầu tiên khai thác được ít, năm sau sẽ nhiều hơn, đã mở hội nghị với bà con. Còn ưu tiên trồng cà phê dưới tán nhưng bà con không tham gia chúng tôi không biết làm sao".
Ông Tòng Văn May, Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Bon nói: Xã Mường Bon có 8 bản tham gia, trước không có rừng cao su chỉ có cây chó đẻ, chăn thả châu bò, có chủ trương trồng cao su rất tốt, giờ có nước từ các ao hồ bơm ra ruộng cấy. Những hộ tái định cư xen ghép được các hộ tạo điều kiện giao đất, mới chuyển đến, ngay cả bản thân tôi cũng phải góp đất, mình có đất mình mới trồng, chủ trương của đảng và nhà nước mình ủng hộ và thực hiện theo…
Theo ông May, "người dân có ý kiến này ý kiến là họ ngại lao động, nếu đã vậy thì không riêng gì có cơm mà cháo cũng khó có mà ăn. Như tôi, về nhà là phải thay quần áo đi làm ngay. Chứ muốn tháng 8 triệu lấy đâu ra. Công nhân ban đầu 4 – 5 triệu cũng có, bà con bằng lòng là rõ ràng, lúc đó bà con có việc. Giờ không có việc xã vận động bà con vào nhà máy sắn và một số nhà máy ở khu công nghiệp nhưng người dân muốn tự do, thích vào thì vào, thích làm thì làm chứ không muốn gò bó ngày làm 8 tiếng. Có phải cái gì cũng làm được ngay đâu. Mình không đi làm sao mà có ăn" - ông May nhấn mạnh.
Ông Lường Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Tông Lạnh phụ trách mảng kinh tế.
Ông Lường Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Tông Lạnh cho biết: "Đầu tiên mới khai hoang thì nhiều việc, nhưng khai hoang xong thì việc cứ ít dần, công nhân bỏ nhiều. Công nhân cạo mủ cao su đi từ 3-4 giờ sáng, chăm thì lương tháng cũng được 3-4 triệu. Tông Lạnh có 61 công nhân, 40 công nhân có đóng bảo hiểm, còn 21 công nhân theo thời vụ. Lương trung bình bây giờ chỉ 1,2 triệu/tháng. Bà con ở đây thì chỉ làm ruộng nương thôi. Xã có 2552 hộ, 11.300 mấy khẩu.
Tương lai ảnh hưởng kinh tế thì chắc chắn là ảnh hưởng rồi, người dân muốn có hỗ trợ một chút, nhưng nhiều hộ 10 năm nay chưa có hỗ trợ gì. Toàn xã là 400ha. Bà con đi về xuôi làm thuê, đi buôn bán nhiều, 2 năm nay những hộ dân nào có diện tích cạo mủ thì cũng có thu nhập rồi. Môi trường thì được, bảo vệ xanh sạch đẹp, nhưng về kinh tế thì không ổn. Không ổn từ ngày trồng đến giờ".
Ông Trần Hữu Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp Thuận Châu cũng nói: "Bây giờ chỉ giải quyết được ở mấy kiến nghị, một là đất của bà con mà chưa trồng thì trả lại cho bà con. Đến giờ công ty cũng đã trả. Còn những cây 10-11 năm thì đã to lắm rồi. Lúc vận động thì nói thế, sau giá vậy, sản lượng vậy thì cũng chỉ biết động viên bà con thôi".
Ông Nguyễn Sơn Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Mai Sơn cho biết: “Bà con Củ Pe khi di dân đến đây cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên bằng việc song song với cây cao su bà con phải cố gắng công việc của mình, bà con nên cố gắng. Họ đã đến đây vì di dân là sự hi sinh rồi, đó là câu chuyện của cả nước, họ đòi hỏi chính sách là đúng, nhưng điều kiện mỗi vùng về kinh tế xã hội khác nhau, chính quyền có sự khắc phục, sao cho cuộc sống tốt nhất cho người dân, nói lên được những điều hạn chế, làm sao cho người dân thấy mình cần cố gắng, cơ quan chức năng khắc phục”.
Cũng theo ông Hải, người dân đang chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, nếu nói giấy trắng mực đen đã có thỏa thuận, hợp đồng dân sự, giờ đến lúc khai thác mà người dân không khai thác mà muốn chặt là không đồng hành với chủ trương chung. Huyện đã mấy lần cùng công ty cao su đối thoại trực tiếp với người dân.
"Ngày trước bà con bảo không có đất sản xuất, huyện đã mượn đất thao trường của quốc phòng giao tạm cho dân sản xuất, hoặc nhà máy sắn có nhiều việc làm cho công nhân. Tôi cho rằng, người dân kêu nghèo do chưa nỗ lực vươn lên, chứ cố gắng thì người dân Mai Sơn không nghèo", ông Hải nói.