Bài 4: 6 nhóm giải pháp do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất là cần thiết, cấp bách, kịp thời
- Dược liệu
- 14:51 - 29/03/2020
*Xin ông cho biết những tác động của dịch Covid 19 đối với việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội của Việt Nam?
- Dịch Covid-19 vô cùng nguy hiểm, tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người, nguy cơ lây lan rất cao, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân đều vào cuộc để phòng chống với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nó là nguyên nhân dẫn đến ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, thu hẹp và hạn chế giao lưu xuất, nhập khẩu làm cho doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, cá biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dệt may, da dày, túi xách, du lịch, dịch vụ, giao thông và xuất nhập khẩu... sẽ bị tác động mạnh. Theo dự báo của Bộ lao động - Thương binh và xã hội, khoảng 3 triệu lao động và 200 nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Điều này, tác động mạnh đến mục tiêu an sinh xã hội của nước ta do tình trạng lao động mất việc làm, thất nghiệp, thiếu việc làm mà vẫn phải chi phí bảo đảm cuộc sống và trang bị phương tiện phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu giáo dục, y tế, giao thông đi lại… rất khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, khẩn trương và căn cơ.
Trong trung hạn và dài hạn: Các tác động đến tăng trưởng GDP là khó tránh khỏi và đây là dự báo của hầu hết các quốc gia có dịch bệnh COVID-19. Nhà nước sẽ phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc ẩy sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn. Đời sống của người dân sẽ chịu tác động khi có những biến động về thị trường lao động, giá cả, tiền lương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
* Nhằm tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Vậy ông đánh giá như thế nào về các nhóm giải pháp Bộ đưa ra?
- Về cơ bản 6 giải pháp Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải rà soát để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động theo nguyên tắc cùng chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; những vấn đề chưa được pháp luật quy định cần tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Trong 6 chính sách, Bộ đề xuất hầu hết đã được quy định trong pháp luật như: Chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội; Hỗ trợ doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 47 Luật Việc làm…
* Nếu các giải pháp này được thông qua sẽ có tác động tích cực như thế nào đối với doanh nghiệp và người lao động?
- Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp này đã được thông qua. Vấn đề quan trọng là bảo đảm được đời sống của người lao động và gia đình họ; thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, ổn định đời sống, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Doanh nghiệp có điều kiện khắc phục khó khăn trước mắt, duy trì sản xuất, kinh doanh; giữ chân được người lao động hoặc dạy nghề chuyển đổi nghề nghiệp để bảo đảm việc làm cho người lao động; thể hiện sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động không chỉ trong sản xuất, kinh doanh mà cả góp phần ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh; đáp ứng yêu cầu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
* Để các giải pháp có hiệu quả, theo ông trong triển khai thực hiện cần lưu ý điều gì?
- Đây là những chính sách cần thiết, cấp bách, kịp thời; nhưng trong triển khai thực hiện cần tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và có sự giám sát để bảo đảm hiệu quả, đạt mục tiêu, tạo tiền đề để duy trì phát triển và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng trong dài hạn.
Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Số lao động làm trong các doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 triệu lao động.
Trong tháng 2, qua báo cáo nhanh của các doanh nghiệp thì có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.