THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:15

Bài 3: Sơn La - Vì sao người dân Củ Pe… "đòi lại" đất?

 

Chuyện buồn dưới tán rừng cao su trên đất mới

Anh Lường Văn Bui, bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La cũng như 10 hộ dân ở Quỳnh Nhai tái định cư về đây, đều là những hộ di dân làm thuỷ điện, đến nơi ở mới từ 2008. Đây cũng là thời điểm những hộ dân tái định cư có mặt cũng là lúc chủ trương trồng cao su đang được tiến hành. Theo người dân cho biết, mỗi hộ được cấp 1,5ha/ gia đình 4 người; 2ha/ gia đình 6 người.

 

Những cánh rừng cao su phát triển tốt nhưng nỗi lo hiển hiện là sản lượng mủ rất thấp.

 

“Nhà tôi có 5 khẩu, 1,2ha trồng cao su hết rồi, xuống đây thấy họ trồng hết rồi thì mình cũng trồng theo thôi. Các hộ sở tại thì vẫn có ao hồ, vườn, có ruộng, có chỗ làm mà kiếm ăn nhưng 10 hộ trong diện tái định cư thì không có gì cả, đất canh tác cũng chưa có bìa đỏ”, anh Bui tâm sự.

Cũng chung cảnh ngộ với anh Bui, anh Lò Văn Hai cho biết: “Lúc mới trồng thì được tuyên truyền là 7 năm sẽ được thu hoạch nhưng lại không hiệu quả. Làm công nhân từ 2008 – 2011, mỗi tháng 500 – 600 nghìn đồng làm cỏ, trồng cây. Sau không có việc làm nữa, thu nhập thì kém. Ngoài đất trồng cao su ra không còn đất nào. Tôi cũng đi làm thuê mướn nhiều để kiếm miếng ăn qua ngày như chặt mía, hái cà phê, phụ hồ. Dân toàn phải cắm đồ lấy tiền ăn, hiện nay mỗi nhà nợ tầm 5-6 triệu”.

 

Niềm vui của bà con với công việc mới, thu nhập mới chẳng được bao lâu, khi những “cánh rừng” cao su khép tán, việc làm cỏ, bón phân công nhân cao su không có việc nữa, đặc biệt từ năm 2011 đến nay. “Trước mỗi gia đình được 1 công nhân vào làm cao su. Bây giờ đòi trả đất thì họ nói phải đóng 800 triệu đồng/ha mới trả. Họ hứa là lương công nhân thu hoạch là 5-6 triệu nhưng năm ngoái đi thu làm gì có mủ” – anh Hai kể.

Ông Lường Văn Quyết, bản Nà Bon, xã Hát Lót, Mai Sơn chia sẻ: “Ở xã Hát Lót kiên quyết không nghe lời… không trồng cao su. Cả trưởng bản cũng không đồng ý. Vì trước đây chúng tôi chưa di dân sang đây thì bên Quỳnh Nhai đã trồng từ 2000 – 2001 nhưng không có hiệu quả, bao năm bao con người phải chầu chực. Bây giờ phải có 1ha bảo đảm lương thực cho mỗi nhà, thừa đâu mới trồng cao su thì còn nghe được”.

Riêng hộ gia đình ông Lò Văn Pành, là một trong những hộ ban đầu không tham gia trồng cao su, nhưng sau khi được “vận động” ông đã bán mía non trồng cao su. “Năm đấy đang có mía tháng 8, và tới 2ha mía ngang vai. Tôi không trồng cao su vì không biết nó như thế nào, chưa ai biết, cụ kị nhà tôi cũng không biết. Hồi đấy nhà tôi bán mía chỉ 300đ/kg, mà mỗi năm 2ha cho thu 46 triệu (giá mía hiện tại là 800đ/kg). Hôm đấy tôi uống rượu với ông thông gia, hai ông cùng vừa bán mía xong, cùng có tiền. Họ ép tôi phải ký biên bản, mà đến giờ tôi cũng không biết biên bản đấy viết gì!”.

Được biết, ông Pành là 1 trong 29 hộ cuối cùng của Mường Bon trồng cao su. Vì cả 29 hộ đều đang trồng mía. “Hồi đấy tôi có cái giấy khen là có diện tích trồng cao su nhiều nhất (2,7ha), cũng nhờ có nhiều diện tích góp mà con tôi được nhận vào làm công nhân cho Công ty Cao su".

 

Dự án trồng cao su để xóa nghèo, nhưng thực tế sau 10 năm đợi chờ, người dân đã mất niềm tin và hi vọng vào cây cao su.

 

Có lẽ, khi nhắc đến những hộ dân góp đất trồng cao su nhưng chưa có nguồn thu thì ai ở Củ Pe cũng biết đến hộ gia đình anh Quàng Văn Hạnh. Con anh Hạnh học lớp mẫu giáo lớn, do không có tiền nên đóng học phí thiếu 50 nghìn – nhà không có tiền – nên không được giấy khen. Bà Phóng – bà nội nó gần 70 tuổi vẫn phải đi mò cua bắt ốc kiếm miếng ăn.

Trên đây là những câu chuyện mà phóng viên “nhặt” được từ những người dân tái định cư. Còn đối với ông Tòng Văn Quân lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, ông Quân nói: “Tôi từng làm đội trưởng đội sản xuất của công ty cao su, đội có 200 người. Tôi làm việc ở đấy, nhưng thấy có gì khuất tất nên tôi nghỉ. Cả đội giờ cũng còn khoảng 60 người thôi. Nói chung là đời sống khó khăn”.

Ông Quân nhớ lại: “Năm 2007 cây cao su mới trồng ở Ít Ong – Thuận Châu 70 ha, rồi Mai Sơn… Trước khi làm cao su ở xã tôi cũng được đi gặp gỡ tiếp xúc các hội nghị tuyên truyền chỉ đạo của tỉnh, huyện có cả ban chỉ đạo phát triển cây cao su, xã cũng có, các trưởng bản cũng là thành viên của ban chỉ đạo.

Kinh tế Mường Bon khi đó khó khăn, nên khi nghe người ta nói về dự án cao su này thì tôi khi đấy còn trẻ, nhiệt huyết, cũng hy vọng là có bước đột phá cho bà con. Vì họ nói là cây tỷ đô cơ mà, nên cũng hy vọng và cũng muốn được nhìn thấy cây cao su mà bấy lâu nay chỉ nghe nói đến ở Bình Phước, Đồng Nai. Rồi cũng được đi nhìn, nhưng chỉ đi trong tỉnh thôi, thấy nó giống cây gạo".

Làm cao su thì người đó cần quản lý từ kỹ thuật giai đoạn 2009 – 2012 cây cao su đang lớn, đang phát triển tốt, vẫn có chính sách hỗ trợ lao động, gọi là giai đoạn kiến thiết cơ bản đấy. Từ 2013, công việc bắt đầu thu hẹp lại. 2014-2015 cây khép tán, không xen canh ngô, khoai được nữa. Việc chăm sóc cây cũng giảm theo chu kỳ phát triển, bón phân hay rẫy cỏ cũng không cần nhiều lao động nữa.

“Mỗi khi đi họp ở công ty thì toàn thấy họ nói những cái nó không đúng với thực tế mình nhìn thấy, như thế cũng không đúng với con người mình, tôi không thích nên xin nghỉ từ 2016. Tôi cũng gặp nhiều áp lực từ dân”, ông Quân chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Quân, việc khai thác mủ nếu tốt thì công nhân không bao giờ nghỉ. Giai đoạn 2014-2015 công nhân bỏ nghỉ đi làm thuê rất nhiều. Từ năm 2015, họ không đóng bảo hiểm vì lý do công nhân không làm đủ công, nhưng có việc cho công nhân làm đâu mà đòi đủ công.

Người dân trồng cao su mong đợi gì?

Sau bao năm mòn mỏi chờ đợi, đến thời điểm này sự kiên nhẫn của người dân đang đứng trước áp lực rất lớn là cuộc sống, sinh hoạt thường ngày, họ phải trải qua bao vất vả, khó khăn. Người dân đã kiến nghị các giải pháp để giải quyết vấn đề hiện tại bao gồm những mong muốn như Công ty Cao su tăng mức lợi tức đề bù lại những mất mát của dân, mức lợi tức ít nhất phải tương đương với hộ canh tác ngô hoặc sắn (20-30 triệu/ha/năm), và Công ty Cao su Sơn La trả lại đất cho dân để dân canh tác, ngoài ra họ có một mong muốn là công ty mua đứt đất của dân, để dân lấy tiền làm việc khác.

 

Dự án nhà máy chế biến mủ cao su Châu Thuận dự báo sẽ khó khăn trong thời gian tới.

 

Còn với cương vị là người đã từng nhiều năm là đội trưởng quản lý 200 “quân”, ông Quân mong muốn có thêm những cuộc đối thoại, cam kết chu kỳ 20 năm, nhưng bước đầu khai thác không có hiệu quả thì phải nhìn lại, xem xét lại cho bà con. Vì 10 năm đó hầu như không có thu nhập gì từ nông lâm sản xuất”. Đặc biệt ông Quân đề nghị “Có thể thầu đất của dân nếu không có phương án khả thi nào khác”.

Khi mọi sự chờ đợi không có kết quả. “Chúng tôi làm đơn nhiều lần, công ty cứ đẩy đi đẩy lại suốt. Về sau chúng tôi làm đơn đến Công an huyện Mai Sơn, Công an điều tra tỉnh sơn là kiến nghị về việc chúng tôi không được hưởng lợi ích từ cao su. Cuối năm 2018 chúng tôi tiếp tục làm đơn gửi đến Bộ Công an để xem xét giải quyết, đến tháng 10 không thấy phản hồi chúng tôi làm thông báo kế hoạch để gửi Công an tỉnh, huyện là 31/10 chúng tôi sẽ chuyển cây cao su, đến ngày đó chúng tôi có kế hoạch chuyển cây cao su ra khỏi đất của tôi. Nhưng cuối cùng chúng tôi không thực hiện vì nhiều lý do. Mong muốn của chúng tôi đề nghị trả lại đất vì không thấy hiệu quả”.

Được biết, trước khi việc dự kiến chuyển cây cao su ra khỏi đất của bà con, ngày 28/10/2018 một cuộc đối thoại tại UBND xã Mường Bon với sự tham gia của Bí thư huyện ủy Mai Sơn, lấy ký kiến khắc phục. Tuy nhiên mọi việc đến nay vẫn chỉ dừng lại ở cuộc đối thoại.

Ông Lường Văn Hùng, người dân xã Mường Bon mong muốn “Đối với cơ quan nhà nước chúng tôi mong muốn UBND huyện, tỉnh chung tay vào cuộc để giải quyết cho bà con, nếu xem xét không thành công thì trả lại đất cho bà con”.

Còn anh Lường Văn Khi đã từng nhiều lần đại diện nói lên tiếng nói của bà con mong muốn bàn bạc với nhau, “chúng tôi là người dân tái định cư không có gì cả, người dân bản địa còn có ít ruộng để canh tác. Sống ở quê mới chúng tôi không quen, ngày xưa tất cả tự cung tự cấp, giờ cái gì cũng tiền, trong khi không có đất canh tác. Ngoài ra có 10 hộ như thế, chúng tôi coi như mất hết tất cả”.

“Chúng tôi muốn có tư liệu sản xuất, có tiền cho con ăn học đến nơi đến chốn, từ khi trồng cao su đời sống chúng tôi ngày càng khó khăn, mong các cấp xem xét giúp đỡ chúng tôi để cuộc sống đỡ vất vả” – ông Khi nói.

HOÀNG TƯỞNG-THANH NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh