THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:35

Bài 2: Triển khai Nghị quyết 68: "Trợ sức" cho người lao động qua đại dịch

Nhiều nhóm đối tượng được thụ hưởng

Đại dịch COVID-19 đã làm nhiều lao động bị mất việc làm, tạm nghỉ hoặc nghỉ giãn việc và giảm thu. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Do đó, Nghị quyết số 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Gọi tắt là Nghị quyết 68) được xem là một giải pháp thiết thực của Chính phủ nhằm góp phần hạn chế những tác động tiêu cực, hỗ trợ các cơ sở phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Bài 2: Triển khai Nghị quyết 68: "Trợ sức" cho người lao động qua đại dịch - Ảnh 1.

Công nhân nhà máy may Thanh Hoá

Theo Nghị quyết 68, đối tượng thụ hưởng được mở rộng, bao gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia BHXH bắt buộc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng; nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên được hỗ trợ 3,7 triệu đồng. Đặc biệt, điểm mới trong chính sách hỗ trợ lần này là dành sự quan tâm tới phụ nữ và trẻ em. Theo đó, các trường hợp người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ chưa đủ 6 tuổi. Đối với lao động bị nhiễm COVID-19, chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn. Riêng trẻ em sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ em.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức hỗ trợ.

 "Trợ sức" cho người lao động qua đại dịch

Một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 được thụ hưởng gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ, đó là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. 

Bài 2: Triển khai Nghị quyết 68: "Trợ sức" cho người lao động qua đại dịch - Ảnh 2.

Cô giáo Lê Thị Mai 28 tuổi, ở xã Hoằng Trinh (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá)

Cô giáo Lê Thị Mai 28 tuổi, ở xã Hoằng Trinh (huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) là giáo viên một nhóm lớp tư thục trên địa bàn thành phố  Thanh Hoá. Cô Mai cho biết: "Bắt đầu từ những tháng đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 mới xuất hiện và diễn biến phức tạp, nhóm lớp tư thục nơi chúng tôi làm việc phải đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng dịch. Tôi và tất cả giáo viên của nhóm lớp phải nghỉ làm. Tình trạng này lại lặp lại từ cuối tháng 4/2021 đến nay. Những tháng nghỉ việc để phòng dịch là chừng ấy thời gian tôi và đồng nghiệp không có lương. Dịch COVID-19 kéo dài, lớp tạm đóng cửa thì chúng tôi phải nghỉ việc không có lương. Rất may mắn cho chúng tôi là đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ thiết thực như tặng thực phẩm thiết yếu, hỗ trợ đóng BHXH… của chủ nhiệm nhóm lớp. Tuy vậy, cuộc sống vẫn còn khó khăn khi mọi chi phí sinh hoạt đều trông vào đồng lương ít ỏi của chồng. Để duy trì cuộc sống, tôi làm bánh để bán, nhiều đồng nghiệp thì đi làm công việc dọn dẹp thuê, bán hàng online… Vừa qua, tôi có theo dõi qua ti vi được biết, Chính phủ tiếp tục dành nguồn ngân sách khoảng 26 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tôi rất phấn khởi. Tôi mong rằng các thủ tục để được nhận hỗ trợ sẽ được đơn giản tối đa để người lao động sớm nhận được khoản tiền hỗ trợ, ổn định cuộc sống".

Chị Nguyễn Thị Thu 30 tuổi, ở xã Đông Minh (huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy. Nhưng công việc mà chị làm nhiều nhất chính là đi phục vụ cho một số cửa hàng ăn ở thành phố Thanh Hoá. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều quán ăn phải đóng cửa trong thời gian dài, chị Thu có những thời gian phải nghỉ việc. Chồng mất sớm, đồng lương ít ỏi từ việc phục vụ nhà hàng của chị Thu là nguồn thu duy nhất của gia đình nay cũng không còn nữa. Sức khỏe không được tốt, vì vậy, chị Thu không thể đi làm được những việc nặng như phụ hồ. Cuộc sống gia đình trở nên rất khó khăn, nhất là khi hai cậu con trai chuẩn bị bước vào năm học mới, có nhiều khoản phải chi tiêu.

Chị Nguyễn Thị Thu chia sẻ: "Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được về gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ dành cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tôi là lao động tự do. Việc có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không và mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu, còn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của tỉnh. Tuy vậy, là một trong những đối tượng lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tôi cũng rất phấn khởi. Có thể chính sách không bao phủ được đến toàn bộ những lao động bị ảnh hưởng, song sự quan tâm thiết thực, kịp thời của Chính phủ là nguồn động viên để chúng tôi vượt qua khó khăn".

Mặc dù chưa có số liệu khảo sát cụ thể về số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong đợt dịch lần này, song với những tác động của dịch trong thời gian dài thì chắc chắn con số ấy không phải là nhỏ. Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 313-CV/TU về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã giao cho các sở, ngành chức năng có liên quan nghiên cứu Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá, kịp thời thực hiện các chính sách mà Nghị quyết đề ra.

Theo đánh giá, gói hỗ trợ mới với những cải cách về thủ tục hành chính sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Gói hỗ trợ được kỳ vọng sẽ là nguồn "trợ sức" cần thiết, kịp thời giúp người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cùng với Nghị quyết 68 của Chính phủ, hiện nay LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá cũng đang phối hợp với các địa phương, các công đoàn cơ sở tiến hành rà soát, triển khai chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch từ ngày 27/4 đến nay theo Quyết định số 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Bài 3: Gói 26 nghìn tỉ đồng: Không để ai ở lại phía sau

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh