CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:06

Bài 2: Doanh nghiệp FDI: ưu đãi nhiều, đóng góp ít

Hưởng nhiều ưu đãi thuế

Theo báo cáo, các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2016 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khối doanh nghiệp FDI có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam nhưng lại có đóng góp vào ngân sách Nhà nước thấp nhất.

Bài 2: Doanh nghiệp FDI: ưu đãi nhiều, đóng góp ít - Ảnh 1.

Coca cola đứng đầu trong danh sách nghi án chuyển giá tại Việt Nam.

Cụ thể, theo thống kê doanh thu năm 2016 của doanh nghiệp khối FDI đạt 4,8 triệu tỷ đồng và mức tăng doanh thu trung bình của giai đoạn 2010-2016 đạt tới 23%. Dù có số lượng doanh nghiệp lao động, vốn chiếm tỷ lệ không cao nhưng doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp).

Với lợi nhuận tạo ra lớn nhất nhưng doanh nghiệp FDI lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách Nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế, với 250,9 nghìn tỷ đồng năm 2016.

Cụ thể, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 962,2 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách Nhà nước tăng 14,8%.

Năm 2016 mặc dù tạo ra lợi nhuận thấp nhất trong các thành phần kinh tế nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách Nhà nước cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010 - 2016.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước ở mức thấp, trung bình trong 6 năm trở lại đây chỉ đạt khoảng 3,4%. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 21.456 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên tổng số 632.354 doanh nghiệp đang hoạt động.

Đáng lưu ý, tốc độ tăng về số nộp ngân sách nhà nước (7%) của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 so với năm 2016 thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế (19,2%) và lợi nhuận sau thuế (22,6%). Trong số hơn 16.000 doanh nghiệp có vốn ngoại báo cáo thì có tới hơn một nửa kê khai lỗ tới 86.180 tỉ đồng. Điều đáng nói, có 1.590 doanh nghiệp lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chuyển giá, trốn thuế ngày càng phức tạp tinh vi

Mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố kết quả nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam". Kết quả cho thấy hành vi trốn và tránh thuế có thể xảy ra ở mọi doanh nghiệp lớn, với tính chất phức tạp và ngày càng tinh vi.

Bài 2: Doanh nghiệp FDI: ưu đãi nhiều, đóng góp ít - Ảnh 2.

Adidas Việt Nam cũng là một trong những doanh nghiệp dính nghi án chuyển giá.

Hiện có tới gần 10.600 doanh nghiệp FDI (trong tổng số 16.700 công ty) báo lỗ lũy kế (chiếm 63%) với trị giá lỗ lũy kế là 397.996 tỷ đồng. Thậm chí số liệu chỉ ra, hơn 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn (chiếm 16%) với trị giá vốn chủ sở hữu âm 5.604 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này có gần 1.600 doanh nghiệp vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhóm chuyên gia thuộc VEPR cho rằng, số lượng doanh nghiệp báo lỗ và lỗ lũy kế đã cao, nhưng tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp này cũng cao. Điều đó cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.

Cách thức chuyển giá điển hình mà các doanh nghiệp FDI thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca – Cola Vietnam, Pepsi Vietnam…) hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina...)

Theo VEPR, gần đây còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận "ngược" từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất cũng như thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mỗi năm, tổng số tiền mà ngân sách nhà nước ưu đãi cho các doanh nghiệp chiếm khoảng 5,5 – 6% tổng thu ngân sách, trong đó ưu đãi thuế chiếm tới trên 80%.

So với các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi hơn, với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thậm chí, một số doanh nghiệp FDI còn được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án. Tỷ lệ thuế thu nhập được miễn, giảm của doanh nghiệp FDI chiếm 76% trong tổng thuế thu nhập được miễn giảm.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, cho biết trong giai đoạn 2010 – 2018, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế đã phát hiện có tổng số 642.423 doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế thu về hơn 35.900 tỷ đồng và giảm lỗ là 185.000 tỷ đồng.  Trong suốt giai đoạn này, số doanh nghiệp vi phạm tăng mạnh, từ khoảng 31.700 doanh nghiệp (năm 2010) lên 103.200 doanh nghiệp (năm 2017) và 95.900 doanh nghiệp (năm 2018). Lượng giảm lỗ cũng tăng từ 10.800 tỷ đồng (năm 2010) lên trên 40.900 tỷ đồng (năm 2018)...

Đánh giá những tác động tiêu cực của chuyển giá đối với Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu-Chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, các doanh nghiệp thực hiện các thủ thuật chuyển giá, chuyển lãi thành lỗ để tránh thuế khiến cho Việt Nam thất thu một khoản lớn ngân sách đáng lẽ có được từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp FDI. Với lợi thế về tài chính thông qua chuyển giá, doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp nội địa, làm nảy sinh cạnh tranh bất bình đẳng, khiến doanh nghiệp "nội địa" mất thị phần, thậm chí có những doanh nghiệp liên doanh bị thôn tính và trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chuyển giá làm cho hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư nước ngoài trở nên kém đi (nhìn từ bên ngoài, qua tình trạng báo lỗ), điều này tạo ra những sai lệch về chỉ số đo lường hiệu quả đầu tư, làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam xấu đi, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh