THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:35

Bác sĩ nhi giải đáp 5 thắc mắc phổ biến nhất của bố mẹ có con nhỏ về việc tiêm chủng

Trong khoảng thời gian cách ly xã hội vì dịch bệnh COVID-19 vừa qua, đã có rất nhiều cha mẹ lo ngại con sẽ bị nhiễm bệnh nên đã trì hoãn không cho trẻ đi tiêm chủng. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), việc này vô tình khiến cho trẻ gặp nguy hiểm nếu chẳng may mắc phải căn bệnh có vắc-xin phòng nhưng lại chưa kịp chích, chẳng hạn như sởi.

Thế nên, Bác sĩ Rahul Nagpal, bác sĩ nhi khoa làm việc tại Bệnh viện Fortis (Ấn Độ), sẽ giải đáp một số câu hỏi thắc mắc của cha mẹ xoay quanh vấn đề có nên cho con đi tiêm phòng trong thời gian có dịch bệnh hay không.

Bác sĩ giải đáp thắc mắc: Cha mẹ có nên cho con đi tiêm ngừa trong thời gian có dịch bệnh xảy ra? - Ảnh 1.

Việc cha mẹ trì hoãn tiêm phòng cho con sẽ vô tình khiến trẻ gặp nguy hiểm nếu chẳng may mắc bệnh (Ảnh minh họa).

Hỏi: Chúng tôi có nên đưa con đến phòng khám hay bệnh viện để tiêm chủng trong thời gian dịch bệnh hay không?

Bác sĩ trả lời: Đúng là cha mẹ không nên đưa con đến bệnh viện trong khoảng thời gian dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, có một số loại vắc-xin cần được tiêm đúng hạn. Vì vậy, cha mẹ nên theo dõi kỹ lịch tiêm chủng của con và gọi điện thoại cho bác sĩ trước để hỏi thông tin về mũi tiêm đó. Nếu cần thiết, nên đưa con đến đúng ngày hẹn.

Hỏi: Chúng tôi nên thực hiện những biện pháp phòng ngừa nào khi đến bệnh viện?

Bác sĩ trả lời: Tốt nhất bạn nên thiết lập giờ hẹn cụ thể với bác sĩ qua điện thoại để tránh việc phải chờ đợi lâu trong đám đông ở khu vực chờ. Chỉ nên có 1 người đến phòng khám cùng em bé, và nên đeo khẩu trang cẩn thận, kể cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể lựa chọn những trung tâm tiêm chủng được đăng ký thông tin bằng hệ thống điện tử để tránh việc sử dụng bút công cộng, và ưu tiên chọn lựa phòng khám yêu cầu mọi người để giày dép ở bên ngoài.

Hỏi: Chúng tôi có thể trì hoãn việc tiêm chủng cho con trong bao lâu?

Bác sĩ giải đáp thắc mắc: Cha mẹ có nên cho con đi tiêm ngừa trong thời gian có dịch bệnh xảy ra? - Ảnh 2.

Vắc-xin được tiêm trong 9 tháng đầu được gọi là vắc-xin chính và bắt buộc phải tiêm đúng ngày hẹn (Ảnh minh họa)

Bác sĩ trả lời: Vắc-xin được tiêm trong 9 tháng đầu được gọi là vắc-xin chính và bắt buộc phải tiêm đúng ngày, không thể trì hoãn được. Ví dụ như vắc xin lao, bại liệt, viêm gan B được tiêm ngay khi trẻ vừa chào đời. Loại vắc-xin 5 trong 1 kèm với vắc-xin uống bại liệt hoặc 6 trong 1 cần được tiêm sớm mũi đầu tiên khi trẻ bắt đầu được tròn 2 tháng. Nếu trì hoãn mũi tiêm đầu tiên này thì bạn không nên kéo dài cho đến khi bé được 6 tháng. Thông thường, mỗi mũi tiêm sẽ cách nhau 1 tháng, và nếu có trì hoãn thì chỉ cách nhau tối đa là 8 tuần.

Vắc-xin sởi cần được tiêm từ khi trẻ tròn 9 tháng. Vắc-xin cúm được tiêm khi con được 6 tháng tuổi và không nên trì hoãn đến 7 tháng. Vắc-xin Rotavirus phải được uống 3 liều trước 7 tháng tuổi, vì sau khoảng thời gian này nó không còn tác dụng nữa.

Sau khi trẻ được 1 tuổi, bạn có thể linh hoạt hơn trong việc tiêm chủng cho con, nhưng tốt nhất vẫn là nên tiêm đúng hẹn.

Hỏi: Bác sĩ sẽ làm thế nào khi trẻ bị trễ hẹn tiêm chủng?

Bác sĩ trả lời: Nếu việc tiêm chủng bị trễ hẹn, các bác sĩ sẽ dựa trên lịch trình tiêm chủng do Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đưa ra để cố gắng "đuổi kịp". Đồng thời sẽ có những loại vắc-xin được rút ngắn thời gian giữa các mũi tiêm để đảm bảo đúng tiến độ tiêm chủng. Ví dụ yêu cầu của hai mũi cách nhau 6 tuần thì bây giờ do đã bị trễ nên sẽ rút ngắn còn 4 tuần.

Do đó, ngoại trừ khi trẻ bị ốm, hay cha mẹ bận việc vào hôm đó thì trẻ có thể đi tiêm phòng chậm một vài hôm. Mà tốt nhất, cha mẹ nên cố gắng cho con tiêm chủng đúng lịch để đảm bảo sức khỏe cho con.

HỒNG HẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh