THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:10

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những người lính tàu không số

Ông Trần Ngọc Tuấn.

Đặng Nhật Minh là  người Huế, Đặng Thùy Trâm cũng là người Huế. Hai tâm hồn Huế họ Đặng ấy, bằng chính cuộc đời và tài năng của mình, đã làm  nên tác phẩm điện ảnh chân thật, lý trí và cuốn hút vô cùng. Tất cả những điều đó mọi người đều biết. Nhưng một điều có lẽ nhiều người chưa biết là bác sĩ Đặng Thùy Trâm cũng đã từng chữa bệnh cho các chiến sĩ tàu không số ở cái trạm xá nhỏ bé của mình ở Quảng Ngãi. Đọc sách “Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển”  tôi rất xúc động về cuộc gặp  gỡ cơ duyên này. Xin kể vắn tắt để bạn đọc cùng chia sẻ:

Câu chuyện bắt đầu từ nửa đêm 27/2/1968, con tàu C43B rời cảng A3 ( Hải Khẩu, Trung Quốc) gồm 17 cán bộ chiến sĩ do thuyền trưởng Hồ Đức Thắng ( “Thắng đỏ” Trà Vinh đã kể ở trên) cùng Trần Ngọc Tuấn, người Quảng Nam, chính trị viên, hai thuyền phó Nguyễn Văn Thơm, Nguyễn Văn Đức, 3 cơ điện là Nguyễn Đăng Nam, Nguyễn Trọng Tài, Nguyễn Thành Thoảng, 2 báo vụ Phan Đình Thọ, Huỳnh Ngọc Thoa và 8 thủy thủ,      y tá Võ Như Tòng, Nguyễn Xuân Nghinh, Trần Hương Hoa, Lê Văn Quý, Vũ Văn Hoành, Vũ Văn Ruệ, Phạm Văn Rai (Kiểm), Lưu Công Hào. Tàu xuất bến chở  37 tấn  vũ khí  vô bến Ba Làng An, Quảng Ngãi. Trước đó, ngày 14/3/1967, trong chuyến chở hàng vào Sa Kỳ ( Quảng Ngãi) gặp địch, đội tàu C43B đã chiến đấu anh dũng và buộc phải hủy tàu để giữ bí mật con đường, sau đó họ theo đường Trường Sơn về đơn vị. Bây giờ cũng đội tàu đó được nhận tàu mới, cũng mang tên C43B lại trở lại Quảng Ngãi.Anh Vĩnh Mẫn (Phan Thắng) kể, tàu đang chạy đều bỗng máy ậm ạch rồi tắt hẳn. Có điềm gở gì chăng ? Thuyền trưởng Thắng xuống khoang máy cùng 3 thợ máy xoay trần sửa chữa. 30 phút sau máy mới nổ lại. Hú vía. Khoảng 14 giờ ngày 29/2/1967, một máy bay địch nghi ngờ đến lượn mấy vòng  phía trên  rồi bay đi. Anh em nghĩ chắc là chúng chưa phát hiện ra. Ngờ đâu, đêm đến, tàu ta vào  cách bờ 12 hải lý thì gặp 6 tàu địch đang  hình thành thế bao vây. Ngay lập tức chúng nổ súng bắn tới tấp vào tàu ta.

Tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển. 

Trên không, mấy chiếc trực thăng quần thảo, bắn  róc két  xuống tàu C43B. Thuyền trưởng Thắng ra lệnh cho anh em tập trung hỏa lực chiến đấu. Tàu ta vừa bắn trả vừa cơ động nhanh vào bờ. Trong vòng vây của địch, anh em đánh trả quyết liệt. Các loại súng ĐKZ, súng phòng không 12,7 ly, AK47 nổ giòn giã. Một máy bay lên thẳng của giặc trúng đạn rơi xuống biển. Một chiếc máy bay khác bị thương lao vào bờ. Một tàu địch tiến gần vào tàu ta bị trúng đạn ĐKZ bốc cháy. Thấy bị  chống trả  dữ  dội, bọn tàu địch giãn ra. Lợi dụng thời cơ, thuyền trưởng cho tàu chạy lên hướng Bắc. Ngay lập tức 2 tàu địch lao tới đánh chặn. Tàu C43B quay ngoắt 180 độ, chạy về hướng Nam. Vẫn bị  tàu chiến và máy bay địch chặn lại. Không thể mở vòng vây, tàu ta vừa tránh đạn vừa bắn trả địch và tăng tốc chạy vào  gần bờ. Suốt mấy tiếng đồng hồ  đánh nhau với địch đông gấp nhiều lần. Tàu ta bị đạn địch găm thủng nhiều chỗ. Chiến sĩ hàng hải Vũ Văn Ruệ và y tá Võ Nho Tòng  hy sinh, nhiều đồng chí bị thương nặng. Vũ Văn Ruệ quê Tiền Hải, Thái Bình là lính mới nhập ngũ được bổ sung  về tàu, đi chuyến đầu tiên. Trước chuyến đi, anh được nghỉ phép 15 ngày  để cưới vợ. Mới cưới được ba ngày, nghe tin  đội tàu sắp xuất bến, anh đã ra đơn vị nằng nặc xin đi chuyến này cho bằng được. Thế rồi...    

Nhà lưu niệm bệnh xá Đặng Thùy Trâm tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). 

Trước tình thế địch quá đông, nếu tiếp tục đánh trả sẽ có thêm nhiều đồng chí hy sinh và địch có khả năng cướp tàu. Chi ủy quyết định cho mọi người khẩn trương bơi lên bờ và hủy tàu. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng phân công chính trị viên Tuấn đưa thương binh , liệt sĩ vào bờ, hai thuyền phó Thơm và Đức cùng thuyền trưởng ở lại hủy tàu, hủy tài liệu. Quy định 30 phút sau sẽ hủy tàu và  hàng hóa. Sau đó thuyền phó Thơm điểm hỏa ở khoang lái, máy trưởng Tài giật nụ xòe dây cháy chậm. Phạm Văn Rai vừa nhảy xuống  biển thì trúng đạn địch hy sinh... Mười mấy phút sau, một khối lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ lớn làm con tàu C43B tan ra từng mảnh theo khói bụi, khiến bọn địch hết sức kinh hoàng. 3 đồng chí hy sinh được chuyển vào bờ. Còn 14 người thì 12 người bị thương. Các anh được chị Răng, chị Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Thị Yến cùng với  du kích và bà con cô bác xã Phổ Thiện cấp cứu, bảo vệ, đưa vào hầm bí mật từng gia đình  che giấu, tránh sự truy lùng gắt gao của địch, vì chúng biết các chiến sĩ ta bơi vào bờ chưa đi xa. Hơn một tuần sau du kích địa phương vừa chiến đấu vừa nghi binh địch, đưa 14 chiến sĩ tàu không số C43B bị thương vượt quốc lộ 1A chuyển lên vùng căn cứ Ba Tơ. Các thương binh được anh em du kích cáng lên bệnh xá, nhưng hai đêm liền đều gặp phục kích phải quay lại, đêm thứ ba mới thoát được. Hơn một ngày rưỡi xuyên rừng, vào chiều tối hôm sau các anh mới được đưa vào điều trị tại trạm xá dân y huyện Đức Phổ, ở giữa khu rừng thưa, cây cối loang lổ, khô héo vì địch rải chất độc hóa học.

Đây chính là bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đặng Thuỳ Trâm sinh ngày 26/11/1942, tại Huế, lớn lên ở Hà Nội. Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, vào bộ đội, là bác sĩ quân y đi B vào chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi. Nhìn thấy 14 người thân tàn ma dại chân thấp chân cao đến bệnh viện, Đặng Thùy Trâm đoán đây là các chiến sĩ trên con tàu bí mật trên biển. Khám thấy anh em bị thương nặng và kiệt sức, Đặng Thùy Trâm đã quyết định các thủy thủ phải  chữa trị và nghỉ dưỡng ở bệnh xá một tháng. Ở đây thuốc men, dụng cụ cấp cứu thiếu thốn, ăn uống chủ yếu bằng củ mì (sắn). Mấy ngày sau 3 người của trạm xá phải đi ba bốn ngày đường xuống đồng bằng nhờ cơ sở mua gạo và thuốc về cứu chữa cho thương binh tàu không số.

Thuyền trưởng  tàu C43B Nguyễn Đức Thắng  kể với nhà văn Nguyên Ngọc trong sách “Con đường mòn trên biển Đông”: “Riêng tôi, thật ra đến lúc đó, có dịp trôi dạt vô đó, tôi mới hiểu. Thì ra giữa chiến tranh, một vùng đất quá ác liệt... Nhưng một cái bệnh xá huyện thì không thể lánh đi đâu được cả, đơn giản chỉ vì nó là một cái bệnh xá. Nó phải có mặt ở đó bất cứ lúc nào, bám trụ ở đó, vì thương binh, vì những người dân bị thương, cả bị bệnh nữa, bất cứ lúc nào. Mà Đức Phổ lúc bấy giờ là một trong những huyện ác liệt nhất ở chiến trường Khu 5. Sư đoàn không vận số 1 Mỹ quần nát ở đó, rồi lữ đoàn 196 Mỹ, sư dù 101 Mỹ, có thời gian cả bọn sư 25 Anh Cả Đỏ Mỹ cũng ra đó. Rồi Rồng Xanh, Bạch Mã Nam Triều Tiên, rồi sư 2, sư 22, sư 23 ngụy, thủy quân lục chiến, quân dù ngụy chẳng thằng nào thiếu mặt ở đấy. B52 dầm nát một vùng bán sơn địa ngang dọc chỉ vài chục cây số... Thế mà trên cái vùng đất ghê gớm, suốt hàng chục năm trời vẫn trụ bám một cái bệnh xá huyện nhỏ nhoi, gan lì, bất khuất. Chỉ huy bệnh xá ấy là một cô gái, một bác sĩ trẻ người Hà Nội. Năm ấy chị chưa đến 30. Tên chị là Trâm. Rất tiếc tôi rất có lỗi, tôi không hỏi địa chỉ gia đình chị ở Hà Nội, phố nào, số nhà bao nhiêu. Và chị chỉ huy cái bệnh xá ấy, trụ bám đến gan lì, bền bỉ suốt mấy năm trời trên vùng đất hẹp đã bị đánh nát như băm ấy...” 

Bác Đặng Thùy Trâm.                               Ảnh: Tư liệu

2 giờ chiều hôm ấy 14 anh em thủy thủ xơ xác mới đến được bệnh xá của chị Trâm. Chị không nói gì nhưng biết chúng tôi là dân đường mòn bí mật biển Đông. Chị bảo: “Các anh phải ở lại đây đã, chưa được đi đâu hết. Phải chữa cho lành các vết thương. Rồi bồi dưỡng cho lại sức để còn leo Trường Sơn”. Bệnh xá đói, chị Trâm và các nhân viên của chị cũng đói. Nhưng chúng tôi vẫn được nuôi rất chu đáo.

Còn thủy thủ Lưu Công Hào thì kể  với nhà báo Lê Đức Dục (Báo Tuổi Trẻ): “Tôi cứ nhớ mãi một câu nói của một bà mẹ Đức Phổ. Số là những ngày điều trị ở bệnh xá chị Thùy, bà con quanh vùng vẫn mang tới cho anh em thương binh khi thì bó rau, nải chuối, con gà... Một lần, một bà mẹ mang đến trạm xá một trái bí xanh, mẹ nói rằng, lúc sáng khi hái quả bí mang đi, người con gái hỏi: “Bí còn non vậy sao má hái?”. Bà trả lời: “Mấy đứa thương binh nó có tính máu nó còn “non” hay “già” đâu!”. Câu nói  nghe ở bệnh xá Đức Phổ ấy luôn ám ảnh tôi từng ngày, dẫu đã gần 40 năm trôi qua.  Cứ nghĩ đến câu nói của bà mẹ Đức Phổ ngày ấy tự nhiên tôi thấy mình thanh thản lắm, và “nhắc” mình, nhắc con cái mình phải sống tốt, không thể làm điều gì xấu được”.

Anh Lưu Công Hào kể: “Những ngày ở trạm xá chị Thùy Trâm, chị Thùy viết lưu bút cho người lính trẻ là tôi mà chị coi như đứa em trai. Chị Trâm viết  trong ngày 28/3/1968 . Bức thư này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hải quân Việt Nam:

28/3/68

Hào, em thương quý.

Gặp em chị như thấy lại cả quê hương trong đôi mắt nhìn thắm thiết, trong giọng nói quen thân, trong tiếng cười ấm áp của em. Muốn nói cho em nghe tất cả từ nỗi nhớ, niềm thương của một người con xa quê, đến sự sung sướng tự hào vì được gặp em trong cuộc chiến đấu vĩ đại này và những suy nghĩ về riêng tư của chị nữa... Nhưng có lẽ có dịp nào đó chị sẽ viết thư nói cho em nghe, nếu như ra đi em vẫn còn nhớ, còn thương người chị MB (Miền Bắc- NM chú) này. Bây giờ thời gian ngắn ngủi chị chẳng biết nói gì cho đủ, gửi vào trang sổ nhỏ này tình thương đậm đà như màu đất quê hương của chị . Hãy gìn giữ lấy nó nghe em. Mong ước một ngày không xa nữa, chị sẽ đến Đồ Sơn nghỉ mát và...1 buổi chiều nào đó trên bãi biển Đồ Sơn chị lại được gặp em, được nắm tay em (cánh tay đau đã làm em mất ngủ mấy đêm ở trạm này lúc ấy đã lành từ lâu rồi em nhỉ).

Nhớ gửi thư nhiều cho chị nghe em.

Thương nhớ em mãi                                         

Đặng Thùy Trâm

Dưới thư chị Trâm viết thêm: “Nhờ Ban Dân y tỉnh Quảng Ngãi  chuyển hộ”. Có lẽ chị Trâm đề phòng trường hợp đột xuất mình không thể trực tiếp  gặp được thủy thủ Lưu Công Hào, nên phải ghi như thế để lá thư đến  được nơi cần đến.

Sau một tháng điều trị, vết thương đã dần khỏi, anh em C43B được lệnh gấp rút lên đường vượt Trường Sơn ra Bắc về đơn vị để đi những chuyến tàu mới. Trước khi anh em lên đường, chị Thùy Trâm và anh em trong trạm xá Đức Phổ  đã khâu những mảnh dù của Mỹ thành ba lô, túi xách, ruột tượng và chuẩn bị áo quần, gạo, muối, thuốc men cho các thủy thủ đi đường. Ngày chia tay, chị Thùy đã nắn nót ghi vào cuốn sổ nhỏ của Lưu Công Hào ngoài những dòng lưu bút là địa chỉ của người em gái Đặng Phương Trâm, địa chỉ gia đình để anh lính trẻ khi về đến Hà Nội sẽ ghé thăm...

Chia tay anh em, ngày 10/4/1968, nhật ký Đặng Thùy Trâm ghi: “Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: Những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương...”.

Sau ba tháng vượt Trường Sơn, những người lính đã về đến hậu phương, nhưng công việc của những người lính tàu không số luôn bí mật nên anh Lưu Công Hào không thể đến thăm gia đình chị Thùy và cô em gái Phương Trâm như chị Thùy dặn dò...

Nhà thơ Ngô Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh